Phân biệt hai sản phẩm này và biết cách dùng chuẩn chỉnh, làn da của chị em sẽ đẹp lên trông thấy.
Skincare chưa bao giờ là một cuộc chơi dễ dàng. Ngoài sự chăm chỉ, khả năng đầu tư tiền bạc thông minh, bạn còn cần nắm được nhiệm vụ của các sản phẩm >chăm sóc da và thậm chí, phải phân biệt chính xác những món skincare dễ bị nhầm lẫn như ampoule – serum, essence – toner... bởi nếu không, đối tượng chịu thiệt thòi nhất chính là làn da của bạn.
Ví như trường hợp của kem dưỡng ban đêm và mặt nạ ngủ. Đây cũng là hai khái niệm "gây lú" cho các chị em, khiến họ lầm tưởng rằng hai sản phẩm là một, dẫn đến tình trạng dùng sai cách, không phát huy được hết công năng dưỡng da của hai món skincare này. Vậy kem dưỡng ban đêm và mặt nạ ngủ khác nhau thế nào, chị em hãy cùng theo dõi đáp án dưới đây.
1. Kem dưỡng ban đêm và tác dụng đối với làn da
Theo bác sĩ da liễu Toral Patel tại Chicago, Mỹ: "Kem dưỡng ban đêm tương tự như kem dưỡng ẩm. Chúng chứa các thành phần giúp đảm bảo làn da của bạn được cấp ẩm đầy đủ, một số loại kem ban đêm còn chứa những thành phần giúp làm chậm quá trình lão hóa nữa". Đóng góp thêm vào ý kiến của bác sĩ Toral Patel, bác sĩ da liễu David Lortscher tại California, Mỹ cho hay: "Kem dưỡng ban đêm sẽ có kết cấu đặc hơn kem dưỡng ban ngày, nhiều dưỡng chất hơn và chứa các thành phần mà bạn không thể thoa lên da khi có ánh nắng mặt trời, như retinol chẳng hạn".
Vậy theo chia sẻ của hai vị bác sĩ uy tín, có thể nói rằng kem dưỡng ban đêm đóng vai trò quan trọng, vừa cấp ẩm, vừa nuôi dưỡng và giúp giải quyết các vấn đề khó nhằn cho làn da, đặc biệt là ngăn chặn nguy cơ lão hóa sớm.
2. Mặt nạ ngủ
Mặt nạ ngủ hoàn toàn không chỉ là giải pháp chăm da "rảnh tay" hơn mặt nạ giấy – bước skincare đòi hỏi bạn phải đắp, lột rồi thậm chí rửa lại lích kích. Theo bác sĩ Lorstcher: "Mặt nạ ngủ sẽ chăm sóc làn da khi bạn chìm sâu vào giấc ngủ; cụ thể là làm dịu da cũng như cấp ẩm mạnh mẽ hơn. Các thành phần có trong mặt nạ ngủ thường rất dịu nhẹ, đủ để làn da của bạn được nghỉ ngơi và thư giãn vào ban đêm".
Bên cạnh đó, mặt nạ ngủ còn có một sứ mệnh khác mà ít người nghĩ tới; theo bác sĩ Toral Patel: "Mặt nạ ngủ khi thoa lên da sẽ tạo lớp màng khóa các dưỡng chất từ serum, kem dưỡng hay dầu dưỡng để chúng thẩm thấu sâu hơn. Và như thế, những ai sở hữu làn da khô sẽ nhận được lợi ích nhiều hơn từ các thành phần như: dầu argan hay ceramide… của các bước >làm đẹp trước đó, giúp phục hồi, tăng sức đề kháng và đem lại làn da căng mịn, khỏe mạnh trông thấy".
Và từ hai ý kiến trên, bạn có thể hiểu mặt nạ ngủ là sản phẩm giúp làm dịu, thư giãn và dưỡng ẩm mạnh mẽ hơn cho làn da, đặc biệt lý tưởng với những ai đang đối mặt với tình trạng da khô, mệt mỏi, thiếu sức sống.
3. Sự khác nhau giữa kem dưỡng ban đêm và mặt nạ ngủ
Các nhà sản xuất đã cất công tạo ra hai sản phẩm khác nhau thì chắc chắn, chúng phải có sự khác biệt, chứ không thể coi là một được.
Nếu như kem dưỡng ban đêm được "sinh ra" với nhiệm vụ duy trì độ ẩm cần thiết, nuôi dưỡng làn da và đặc trị những vấn đề khó nhằn như: xỉn màu, nếp nhăn, da chảy xệ... thì mặt nạ ngủ lại nghiêng về sứ mệnh khóa ẩm, dưỡng ẩm bổ sung (đặc biệt là với làn da khô mãn tính), thư giãn và mang đến sức sống cho làn da stress, mệt mỏi chỉ sau một đêm.
4. Vậy cách dùng kem dưỡng ban đêm và mặt nạ ngủ có khác nhau?
Kem dưỡng ban đêm có khả năng nuôi dưỡng, đặc trị các vấn đề về da nên bạn cần sử dụng hằng ngày để da đẹp lên theo thời gian. Còn với mặt nạ ngủ, sản phẩm có thiên hướng dưỡng da bổ sung thì theo bác sĩ da liễu Lorstcher: "Mặt nạ ngủ nên được dùng với tần suất 2 – 3 lần/tuần là lý tưởng nhất".