Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, Bác sĩ Ngô Thạnh Phát cho biết dấu hiệu đầu tiên khi trẻ bị viêm tai giữa là các hội chứng viêm hô hấp như: Sổ mũi, chảy mũi, đau họng... Trẻ bị viêm tai giữa cần được điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến thính lực, não bộ và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Bác sĩ vui lòng cho biết dấu hiệu, cách chữa trị và phòng chống bệnh >viêm tai giữa ở trẻ em? Nếu bệnh tai giữa ở bé để lâu mới phát hiện thì sẽ ảnh hưởng như thế nào?
Chào chị! Xin được giải đáp thắc mắc của chị như sau:
Tai của con người được chia làm 3 phần theo giải phẫu học và chức năng, bao gồm: Tai ngoài, tai giữa, tai trong.
Tai được bao bọc chính bởi xương thái dương, đây là một cấu trúc xương rất quan trọng và phức tạp. Tai giữa giống như một hộp kín được bao ngoài bởi màng nhĩ và chứa đựng một chuỗi xương dẫn truyền âm thanh. Tai giữa còn là nơi kế cận với não, dây thần kinh mặt và mạch máu lớn.
Ở trẻ em, viêm tai giữa thường là bệnh lý thứ phát sau một nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (là những nhiễm khuẩn vùng mũi họng như viêm amidan, viêm mũi, viêm VA …).
Khi trẻ bị viêm tai giữa nếu là trẻ lớn thì sẽ có các dấu hiệu sau:
- Các dấu hiệu của viêm hô hấp trên trước đó như sổ mũi, chảy mũi, nghẹt mũi, đau họng…
- Các dấu hiệu của tai: Trẻ than đau tai nhiều (đặc biệt là về đêm và khi nằm ngửa), ù tai, nghe kém, chảy dịch mủ ở tai, khối sưng đau sau tai…
- Các dấu hiệu toàn thân: Sốt cao, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, các triệu chứng tiêu hóa…
- Các dấu hiệu biến chứng nặng (khi ảnh hưởng tới cơ quan thần kinh): Nôn ói, táo bón, đau đầu, co giật, méo mặt….
Ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, các bé chưa biết cách nói cho người lớn biết được. Đa số cha mẹ sẽ thấy các bé có dấu hiệu sốt, nôn trớ, bỏ bú, ngủ ít đi, quấy khóc và quan trọng là chảy dịch tai.
Trong thời đại kháng sinh hiện nay thường ít gặp các biến chứng nặng như biến chứng thần kinh và não bộ. Tuy vậy cha mẹ không nên chủ quan, điều quan trọng là phát hiện sớm để điều trị hiệu quả và ngăn ngừa biến chứng.
Viêm tai giữa nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nhiều biến chứng nặng và nguy hiểm. Do tai được bao bọc bởi xương thái dương và gần với não nên có thể có các biến chứng như viêm não/màng não, áp xe não, viêm tắc xoang tĩnh mạch hang.
Trường hợp lan vào xương thái dương có thể gây viêm tai xương chũm với nhiều dạng lâm sàng khác nhau. Nếu điều trị không dứt điểm nguy cơ tái phát rất cao, gây hủy dần xương và gián đoạn chuỗi dẫn truyền âm thanh.
Điều trị viêm tai giữa cho trẻ, cách tốt nhất là căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh. Do nhóm nguyên nhân thường gặp nhất là nhiễm trùng nên phương pháp điều trị chính là sử dụng các loại kháng sinh trong giai đoạn cấp.
Liều kháng sinh để điều trị viêm tai giữa thường cao hơn so với các liều kháng sinh dùng cho các nhiễm khuẩn khác như viêm họng, viêm mũi… Ngoài ra có thể sử dụng thêm thuốc hạ sốt để giảm triệu chứng sốt, đau nhức cho trẻ. Các nghiên cứu về vấn đề dùng thuốc kháng viêm chưa cho thấy bằng chứng rõ ràng về lợi ích nên việc sử dụng tùy thuộc vào kinh nghiệm lâm sàng của bác sĩ.
Điều trị phẫu thuật được đặt ra khi điều trị nội không hiệu quả và có các biến chứng cần phải can thiệp như: Tụ mủ sau tai, biến chứng nội sọ, viêm tai xương chũm tái phát…
Để phòng tránh bệnh viêm tai giữa ở trẻ em, cha mẹ cần chú ý các vấn đề sau:
- Đảm bảo >dinh dưỡng đầy đủ, đây là nguồn cung cấp sức đề kháng quan trọng cho trẻ. Đặc biệt nên cho trẻ bú sữa mẹ đầy đủ ít nhất trong 6 tháng đầu.
- Tiêm phòng vắc xin đầy đủ.
- Tránh để trẻ hút thuốc lá thụ động.
- Nơi ở phải thoáng mát và đảm bảo thông khí.
- Vệ sinh răng miệng và mũi thường xuyên, đúng cách.
- Thăm khám bác sĩ chuyên khoa khi bé có các vấn đề về hô hấp nói trên.
Bác sĩ nội trú Ngô Thạnh Phát
(Chuyên khoa Tai - Mũi - Họng)