Viêm phổi là một bệnh thường hay gặp ở trẻ nhỏ. Trẻ càng nhỏ thì tỷ lệ tử vong lại càng cao. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý phát hiện sớm để điều trị và chăm sóc đúng cách nhằm giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong ở trẻ.

13:00 14/08/2019

Viêm phổi là gì?

PGS, TS Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng bộ môn Nhi - Trường Đại học Y Hà Nội

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng cấp tính ở một thùy phổi phải hay trái hoặc toàn bộ phổi. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn hoặc virus ở trong phổi sinh sôi nảy nở và tạo thành những ổ nhiễm trùng.

Có rất nhiều loại vi sinh vật gây ra viêm phổi, thường gặp nhất là phế cầu khuẩn. Đối với trẻ em, bệnh rất dễ xuất hiện khi trẻ đang bị ho hoặc cảm cúm.

Cách thức lây lan bệnh viêm phổi

Con đường lây bệnh là qua chất dịch phát tán từ mũi hoặc miệng của người bệnh. Bệnh có thể lây khi người bệnh ho, hắt hơi vào người khác hoặc dùng chung các dụng cụ để ăn uống như ly, bát, thìa, đũa…, sờ vào khăn giấy, khăn tay mà người bệnh đã sử dụng.

Vì vậy, nếu như trong gia đình có người đang mắc viêm phổi thì trẻ em là đối tượng có nhiều khả năng bị lây nhiễm. Do hệ miễn dịch còn chưa phát triển đầy đủ, dễ bị lây nhiễm và phát tán các nguyên nhân gây bệnh qua các con đường khác nhau.

Bệnh viêm phổi có 2 loại khác nhau như sau:

- Viêm phổi thùy: Bệnh do vi khuẩn gây nên, có thể gây áp xe phổi, tràn dịch màng phổi và viêm màng não.

- Viêm phổi phế quản (hoặc viêm phế quản phổi): do nhiễm khuẩn ở phế quản và nhu mô phổi. Bệnh có thể làm rối loạn trao đổi khí, dễ gây suy hô hấp và tử vong. Trẻ dưới 5 tuổi và đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới 2 tháng rất dễ mắc bệnh này.

Khi chăm sóc trẻ viêm phổi, cha mẹ cần lưu ý làm giảm nguy cơ phát tán nguyên nhân gây bệnh như rửa tay sau khi tiếp xúc với trẻ, vệ sinh đồ chơi của trẻ hàng ngày, cách ly trẻ bệnh với trẻ khỏe mạnh.

Phổi bị viêm khi xuất hiện tình trạng nhiễm trùng ở trong. Ảnh minh họa

Nguyên nhân viêm phổi ở trẻ em

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi đa phần là do virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng gây ra. Cụ thể như sau:

- Đối với trẻ trên 5 tuổi: thường mắc bệnh do các loại vi khuẩn như: Mycoplasma Pneumonia, Chlamydia Pneumoniae, phế cầu, các loại siêu vi hô hấp.

- Đối với trẻ dưới 5 tuổi: thường gặp viêm phổi chủ yếu do vi khuẩn phế cầu, tụ cầu vàng, liên cầu pyogenes, HiB.

- Đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi: ngoài nguyên nhân như đối với trẻ dưới 5 tuổi thì còn có thể gặp một số vi khuẩn đường ruột như: E.Coli, Proteus...do mẹ truyền qua.

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ cũng là tác nhân khiến >trẻ bị viêm phổi.

- Yếu tố khách quan: trẻ sống trong môi trường không thuận lợi về các mặt như tiện nghi, nguồn nước, nhà vệ sinh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiêm chủng…

- Môi trường sống: Kém vệ sinh, đông đúc, ô nhiễm không khí trong nhà.

- Trong gia đình có người mắc bệnh lao, hút thuốc lá.

- Bệnh l‎ý: Trẻ đẻ non, cân nặng thấp khi sinh, trẻ mắc dị tật bẩm sinh, suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải… suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, thiếu kẽm…

- Thời tiết thay đổi đột ngột, nhất là vào thời điểm giao mùa.

Những trẻ nào có nguy cơ cao mắc bệnh viêm phổi?

Trong những trường hợp sau đây, trẻ sẽ dễ mắc phải bệnh viêm phổi hơn bình thường:

- Trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh (28 ngày đầu sau sinh).

- Trẻ đẻ non, nhẹ cân.

- Trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ.

- Trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh, dị dạng đường hô hấp, suy giảm miễn dịch bẩm sinh.

- Trẻ tiếp xúc với khói bụi hoặc khói thuốc lá, sống trong môi trường ô nhiễm.

- Trẻ có cơ địa dị ứng, mẫn cảm.

Trẻ sơ sinh rất dễ mắc bệnh viêm phổi. Ảnh minh họa

Các triệu chứng bệnh viêm phổi ở trẻ em

Các phụ huynh nên theo dõi trẻ, nếu có các dấu hiệu sau đây thì nhiều khả năng trẻ đã bị viêm phổi:

- Biểu hiện tình trạng nhiễm trùng: sốt nhẹ hoặc bị hạ nhiệt độ (hay xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ đẻ non), mệt mỏi, quấy khóc hoặc ngủ li bì, ăn kém hoặc bỏ ăn.

- Biểu hiện ở hệ hô hấp:

+ Ho khan (hoặc ho xuất tiết có đờm).

+ Ngạt mũi (hoặc chảy nước mũi).

+ Thở khò khè (hoặc thở rít).

+ Nhịp thở nhanh: để xác định nhịp thở của trẻ, cha mẹ đặt trẻ nằm yên và đếm nhịp di động của lồng ngực hoặc bụng trong vòng 1 phút. Trẻ được cho là thở nhanh khi: trên 60 lần/phút (đối với trẻ dưới 2 tháng), trên 50 lần/phút (đối với trẻ từ 2 - 12 tháng) và trên 40 lần/phút (đối với trẻ từ 1 - 5 tuổi).

+ Xuất hiện những dấu hiệu khó thở: rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng, thở rên, tím tái,...

+ Có thể bị rối loạn nhịp thở, thở không đều hoặc thở chậm, thậm chí có cơn ngừng thở trong một số trường hợp nặng.

- Biểu hiện ở hệ tiêu hóa: trẻ bị rối loạn tiêu hóa như ỉa lỏng, chướng bụng, nôn,...

Khi nào trẻ cần nhập viện điều trị viêm phổi?

Sau đây là một số dấu hiệu nguy hiểm khi trẻ mắc bệnh viêm phổi:

- Đối với trẻ dưới 2 tháng: trẻ bỏ bú hoặc bú kém; co giật ngủ li bì, khó đánh thức; bị sốt hoặc lạnh và thở khò khè, bị tím quanh môi hoặc nổi vân tím toàn thân,...

- Đối với trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi: trẻ không uống được, bị co giật, ngủ li bì, và thở có tiếng rít.

Khi thấy trẻ có đầy đủ triệu chứng như trên, cha mẹ phải lập tức đưa con đi khám tại các cơ sở y tế để cấp cứu và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý điều trị thuốc kháng sinh tại nhà và không cho trẻ uống thuốc giảm ho khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Phương pháp điều trị tại bệnh viện có thể bao gồm thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch và liệu pháp hô hấp. Trường hợp nặng hơn, bé có thể được điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).

Khi xuất hiện một số dấu hiệu nguy hiểm thì cần đưa trẻ đi bệnh viện điều trị. Ảnh minh họa

Cách chăm sóc trẻ em bị viêm phổi

- Cần để trẻ nghỉ ngơi nhiều, uống đầy đủ nước để dễ dàng bài tiết đờm hơn.

- Phải cho trẻ uống thuốc theo đúng toa thuốc chỉ định của bác sĩ. Như vậy bé sẽ nhanh phục hồi hơn, tránh lây nhiễm sang các thành viên khác trong gia đình.

- Hạ sốt cho trẻ bằng phương pháp chườm ấm tích cực. Trong trường hợp trẻ sốt trên 38,5 độ C, có thể sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ nhưng phải theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Khi trẻ bị ho có đờm, cha mẹ vỗ lưng bé để giúp lưu thông tuần hoàn máu trong phổi, đờm sẽ được long ra dễ dàng. Nên thực hiện vỗ lưng trước bữa ăn hoặc 1 giờ sau khi ăn để không làm trẻ bị nôn.

Cách vỗ lưng cho trẻ đúng cách như sau: Gập bàn tay ở chỗ cổ tay rồi khum bàn tay lại, ngón tay cái ép vào ngón trỏ. Lần lượt thực hiện vỗ bên trái rồi sang bên phải. Mỗi khu vực làm trong khoảng từ 3-5 phút và không vỗ vào vùng dạ dày, xương ức, xương sống.

+ Đối với trẻ lớn: yêu cầu trẻ ho sau khi vỗ ở mỗi khu vực. Nếu trẻ chưa ngừng cơn ho thì không được vỗ tiếp.

+ Đối với trẻ nhỏ: có thể dùng máy hút đờm dãi ra khỏi họng khi trẻ không tự ho khạc được.

- Trong thời gian trẻ mắc viêm phổi, cha mẹ cần đặc biệt quan tâm tới vấn để vệ sinh và chế độ ăn cho bé. Cụ thể như sau:

+ Vệ sinh mũi miệng: Vứt bỏ khăn giấy lau chùi mũi cho trẻ ngay sau khi sử dụng. Nếu dùng khăn xô hoặc khăn bông thì cần giặt thường xuyên, tránh dùng đi dùng lại nhiều lần sẽ khiến trẻ bị nhiễm khuẩn.

- Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ: Rửa tay sạch sẽ khi chăm sóc và chuẩn bị đồ ăn cho trẻ. Nơi trẻ thường xuyên sinh hoạt cũng cần phải lau chùi sạch sẽ, tránh bụi bặm, mất vệ sinh. Những đồ dùng tiếp xúc trực tiếp với trẻ cũng cần rửa sạch sẽ. Nếu cẩn thận hơn, những dụng cụ đựng đồ ăn, thức uống của trẻ có thể đem khử trùng qua nước sôi hoặc máy tiệt trùng.

- Chế độ ăn của trẻ: Cần cho trẻ ăn những đồ ăn có nhiều chất >dinh dưỡng nhưng mềm và dễ ăn, dễ hấp thụ. Không nên bắt ép trẻ ăn mà cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia thành nhiều bữa trong ngày. Nếu trẻ ho, dùng quất hấp mật ong hoặc hoa hồng hấp đường, gừng, chanh cho trẻ uống.

Cách phòng tránh viêm phổi cho trẻ em

Để chủ động phòng chống bệnh viêm phổi cho trẻ, cha mẹ cần chú ý:

- Cho trẻ bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 2 tuổi giúp trẻ có sức đề kháng tốt nhất.

- Đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các loại vắc xin như: ho gà, uốn ván, cúm...

- Khẩu phần ăn của trẻ cần đầy đủ chất dinh dưỡng, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng.

Theo PGS, TS Nguyễn Thị Diệu Thúy/ Eva/ Khám Phá