Họng với nhiều chức năng sinh lý khác nhau như: nuốt, thở, phát âm, vị giác... là ngã tư đường ăn và đường thở, là cửa ngõ của không khí, thức ăn và nước uống, cho nên là nơi rất thuận lợi cho virut, vi khuẩn xâm nhập cơ thể để gây bệnh, đặc biệt là viêm họng cấp ở trẻ em.

13:00 26/09/2019

Bệnh chiếm tỷ lệ hàng đầu trong số lần khám tại các phòng khám nhi khoa. Ở trẻ, nếu bị >viêm họng cấp mà không được điều trị sớm sẽ ảnh hưởng lớn đến >sức khỏe của trẻ, thậm chí gây biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân gây viêm họng cấp ở trẻ

Viêm họng cấp là viêm toàn bộ lớp niêm mạc phủ bề mặt của họng. Ở cả người lớn lẫn trẻ em, nguyên nhân của viêm họng cấp thường là virut (chiếm đa phần) hoặc vi khuẩn.Vì vậy, viêm họng cấp ở trẻ chiếm tỷ lệ hàng đầu trong số lần khám tại các phòng khám nhi khoa do tình trạng viêm niêm mạc họng xảy ra một cách đột ngột bởi vi sinh vật (vi khuẩn, virut, ký sinh trùng) và do một số yếu tố liên quan. Với virut có thể gặp bởi bệnh virut cúm, virut sởi, virut Adeno. Với vi khuẩn, thường gặp là vi khuẩn phế cầu, tụ cầu, liên cầu, Hemophillus influenzae. Với ký sinh trùng có thể gặp nấm Candida. Nguy hiểm hơn cả là liên cầu khuẩn nhóm A (S. pyogenes) vì nó là thủ phạm gây nên biến chứng của viêm họng dẫn đến viêm khớp cấp (thấp tim tiến triển), viêm cầu thận cấp ở trẻ, là những bệnh khá nguy hiểm. Ngoài các nguyên nhân đó phải kể đến các yếu tố nguy cơ như thay đổi thời tiết (nóng, lạnh đột ngột), ẩm ướt, mưa nhiều, bụi bẩn (bụi công nghiệp, bụi bẩn), khói (thuốc lá, thuốc lào, khói bếp than, củi, rơm rạ) hoặc gặp ở trẻ còi xương suy >dinh dưỡng, sức đề kháng kém, ít vệ sinh răng miệng, họng.

Chanh, mật ong trị viêm họng.Triệu chứng của viêm họng cấp ở trẻ

Triệu chứng của viêm họng cấp thường khởi phát đột ngột, sốt cao 39-40°C, rét run (trẻ lớn mới cảm nhận được), kèm theo nuốt đau, rát họng, khàn tiếng, ho. Ngoài ra chảy nước mũi nhầy, mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn. Đặc biệt hay có viêm tấy hạch vùng cổ, hạch góc hàm (sưng, đau). Với trẻ còn bú mẹ thường bú ít hoặc bỏ bú, quấy khóc, ít ngủ.

Bệnh viêm họng cấp nếu do virut gây ra thì thường diễn ra trong vòng từ 3-4 ngày, nếu sức đề kháng của trẻ tốt thì bệnh sẽ lui dần, các triệu chứng trên sẽ mất đi rất nhanh. Nhưng khi sức đề kháng yếu hoặc do vi khuẩn gây ra thì bệnh diễn biến phức tạp hơn, nặng hơn và có thể gây biến chứng như viêm tai, viêm mũi, phế quản phế viêm, nhiễm khuẩn huyết hoặc trở thành viêm họng mạn tính. Biến chứng thấp tim hoặc viêm cầu thận cấp ở trẻ là do vi khuẩn liên cầu nhóm A (S. pyogenes) gây ra. Vì vậy, khi trẻ viêm họng cấp tính, ngoài khám lâm sàng, nếu có điều kiện cần xét nghiệm chất nhày họng (hoặc mủ ở amiddan) bằng nuôi cấy để xác định loại vi khuẩn, đặc biệt lưu ý là S. pyogenes. Nếu nghi ngờ trẻ có thấp tim thì cần được khám tim, làm xét nghiệm ASLO để được điều trị diệt vi khuẩn và tiêm dự phòng thấp tim.

Điều trị như thế nào?

Tùy vào nguyên nhân gây viêm họng là virut hay vi khuẩn mà có phác đồ điều trị khác nhau.

Nếu nguyên nhân gây viêm là vi khuẩn liên cầu thì ngoài thuốc điều trị triệu chứng, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh. Thời gian điều trị kháng sinh thường là 5-10 ngày tùy từng loại thuốc. Nếu nguyên nhân gây viêm họng là virut, thì chỉ điều trị triệu chứng và chờ bệnh tự khỏi trong vòng 5-7 ngày. Các điều trị đó bao gồm:

Thuốc giảm đau: Những thuốc giảm đau không kê toa như acetaminophen, ibuprofen đều có thể được sử dụng để giảm đau, hạ sốt ở trẻ em và người lớn. Tuy nhiên nếu bệnh nhân có sốt mà chưa loại trừ sốt xuất huyết thì không nên dùng ibuprofen, aspirin.

Súc họng: Súc họng bằng nước muối là một phương pháp truyền thống trong điều trị chứng viêm họng - amidan cấp. Có thể mua nước muối sinh lý tại các tiệm thuốc tây hoặc tự chế tại nhà (1/4-1/2 muỗng cà phê muối, tương đương 1.5-3g muối hòa vào 250ml nước ấm).

Xịt họng: Dùng thuốc xịt họng có chứa thuốc tê (benzocaine, phenol...) cũng giảm được tình trạng đau họng, tuy nhiên hiệu quả cũng không nhiều hơn phương pháp ngậm kẹo cứng. Phương pháp này không được khuyến cáo cho trẻ em...

Ngậm viên kẹo cứng: Ngậm một viên kẹo cứng có chứa chất gây tê giảm đau cũng là một phương pháp hiệu quả để giảm đau họng. Tuy nhiên chỉ áp dụng cho người lớn, trẻ lớn trên 6 tuổi vì nguy cơ nghẹn ở trẻ nhỏ.

Bù nước: Điều này đặc biệt quan trọng với trẻ em, vì họng đau và dễ nôn nên trẻ có nguy cơ mất nước, cần cho trẻ uống nước mát và theo dõi trẻ. Quan trọng nhất là theo dõi nước tiểu (nếu 4-6 giờ liên tục trẻ không đi tiểu, hoặc không ướt tã hãy cho trẻ tới gặp bác sĩ ngay).

Nếu trẻ sau khi uống thuốc paracetamol mà vẫn sốt trên 38oC thì cần nhanh chóng cho trẻ đi khám bệnh.

Để phòng viêm họng cấp cần vệ sinh họng, miệng cho trẻ hàng ngày bằng cách lau sạch miệng trước và sau khi ăn bằng vải hoặc khăn mềm, vô trùng. Với trẻ lớn cần hướng dẫn trẻ đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Khi thời tiết thay đổi (mưa, lạnh) nên tắm cho trẻ bằng nước ấm và ở trong buồng tắm kín gió lùa và sau khi tắm xong cần lau người thật khô, mặc ngay quần áo cho trẻ. Mỗi khi đưa trẻ ra khỏi nhà khi mưa, lạnh cần mặc ấm cho trẻ, đeo khẩu trang tránh bụi. Hàng ngày nên nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý (loại có bán tại các quầy thuốc tây y ) để rửa sạch mũi, nhất là sau khi đi chơi hoặc đi học về.

Theo BS. Văn Thắng/ Sức khỏe & Đời sống