Mùa hè, được đến các bể bơi, ngâm mình trong nước là sở thích của nhiều người, nhất là các em nhỏ. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp trẻ bị ốm, sốt, thậm chí mắc các bệnh lý nguy hiểm sau khi từ bể bơi trở về.
Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:
Nước bể bơi rất bẩn
Mới đây, những nhà nghiên cứu đến từ Đại học Alberta (Canada) đã tiến hành khảo sát, đo lường 31 bể bơi cả ở khách sạn lẫn trung tâm thể thao của nước này, kết quả cho thấy, trung bình mỗi bể bơi công cộng chứa tới… 60 lít nước tiểu.
Các nhà nghiên cứu nhận định rất khó để giữ sạch nước bể bơi. Khảo sát cũng cho thấy 1/5 người bơi lội đi tiểu trong bể bơi ít nhất một lần.
So với toàn bộ lượng nước trong bể bơi, tỷ lệ nước tiểu là rất nhỏ. Tuy nhiên, nước bể bơi chứa nước tiểu là môi trường tốt cho vi khuẩn phát triển, gây hại đến >sức khỏe người đi bơi, nhất là trẻ nhỏ.
Mặt khác, trong nước bể bơi thường chứa vi khuẩn ecoli – thủ phạm chính gây ra tiêu chảy và các bệnh đường ruột cho trẻ.
Ảnh hưởng của hóa chất tẩy rửa
Hiện nay các bể bơi đều sử dụng Clo để làm sạch nước. Tuy nhiên, khi cho Clo vào sẽ có hai hiện tượng xảy ra. Một là, Clo gặp Amoni (có trong nước tiểu) sẽ phản ứng rất nhanh và tạo thành chất mà khả năng sát khuẩn kém hơn Clo hàng trăm lần. Do đó, nhiều bể bơi thấy nước bẩn cứ đưa Clo xuống càng khiến nước bẩn thêm.
Hai là, một số bể bơi dùng mẹo cho rất nhiều phèn chua vào. Mà phèn sẽ làm giảm độ PH trong nước, dẫn đến tình trạng nhiều >trẻ đi bơi về bị cay mắt hoặc bỏng rát trên da.
Bên cạnh đó, với những trẻ bản thân đã bị các bệnh về tai mũi họng, nhất là viêm mũi dị ứng, khi tiếp xúc với các hóa chất tẩy rửa trong hồ bơi, rất dễ bị tái phát bệnh, khiến bệnh dai dẳng, khó điều trị hơn.
Lây chéo các bệnh từ người lớn
Các chuyên gia nhận định, bể bơi càng đông, càng quá tải thì càng bẩn và dễ gây bệnh. Hơn nữa, trong số những người đi bơi, có nhiều người vốn đã mang bệnh sẵn nhưng không có ý thức tránh lây bệnh cho người khác, trong đó, các vấn đề về da liễu là tình trạng dễ lây lan nhất, đặc biệt là với những trẻ trên da có nhiều vết thương hở hoặc trầy xước.
Bên cạnh đó, theo BS Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương), năm nào cứ vào mùa hè số bệnh nhân đến khám vì viêm kết mạc có liên quan đến bơi lội lại tăng lên, trong đó, có rất nhiều bệnh nhân là trẻ nhỏ.
Viêm kết mạc là căn bệnh gặp phổ biến nhất khi bơi lội, nhất là khi hồ bơi quá tải, tình trạng tiệt trùng nước hồ bơi không đạt vệ sinh. Biểu hiện của bệnh là xuất hiện mắt đỏ, ra gỉ nhiều, ngứa, chảy nước mắt…
Nguyên nhân gây ra bệnh một phần xuất phát từ việc nhiễm khuẩn trong nước hồ bơi, phần còn lại là lây chéo từ những người vốn dĩ đã mắc sẵn các bệnh lý về mắt trước đó.
Ngâm mình quá lâu trong nước
Khi xuống nước bơi hay vui đùa, trẻ thường thích thú và không muốn lên bờ. Việc này dẫn đến tình trạng trẻ có nguy cơ bị đuối sức, dễ bị cảm, chuột rút, rất nguy hiểm.
Vì vậy, nếu bố mẹ quan sát thấy con da nhăn, môi tái, người lạnh, run di tắm quá lâu trong nước thì phải lập tức cho bé lên bờ, tắm tráng kỹ để sạch hết các hóa chất có trong bể bơi.
Để đảm bảo an toàn, các chuyên gia khuyến cáo, nên cho trẻ bơi ở những hồ bơi phù hợp với lứa tuổi. Chú ý cho trẻ tiếp xúc dần với nước hồ bơi. Nên chọn những bể bơi có công tác khử trùng tốt, nước trong xanh, lượng người tham gia bơi vừa phải, nước không quá nặng mùi khử trùng.
Trong những ngày nhiệt độ lên cao, nên cho trẻ bơi ở những bể bơi có mái che hoặc không bị quá hắt nắng sẽ giúp trẻ tránh bị cảm nắng. Tuyệt đối không để trẻ bơi vào buổi trưa (11 giờ trưa đến 3 giờ chiều), dưới trời nắng gắt vì khi đó nhiệt độ cơ thể của trẻ đang cao, mồ hôi ra nhiều, nếu gặp nước sẽ rất dễ cảm nắng.
Thay vào đó, nên cho trẻ bơi vào thời điểm đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, sẽ rất có lợi và an toàn cho sức khỏe của trẻ. Không nên cho trẻ ngâm mình dưới nước quá lâu, thời gian bơi mỗi buổi chỉ nên khoảng từ 30-45 phút.
Khi trẻ mới bơi xong, choàng ngay khăn cho trẻ để tránh gió và tắm kỹ bằng nước sạch để tránh bị nhiễm bẩn từ nước hồ bơi và lau khô người cho trẻ.