Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ thường hay mè nheo, quấy khóc, khó ngủ đặc biệt vào ban đêm khiến mẹ bỉm sữa mệt mỏi nhiều khi bất lực, vậy phải làm sao?
Bé cáu gắt, quấy khóc, mè nheo có thể do nhiều nguyên nhân. Các bé mè nheo là để gây sự chú ý, vì muốn được cha mẹ quan tâm, chú ý đến mình. Dưới 3 tuổi thì hiện tượng nhõng nhẽo, mè nheo khá phổ biến vì bé vẫn chưa học được cách làm chủ các cảm xúc tiêu cực hoặc cách thể hiện mong muốn, biểu đạt ý kiến của mình một cách hợp lý.
Mè nheo, nhõng nhẽo còn phụ thuộc vào tính khí của mỗi bé, có những bé có khuynh hướng nhõng nhẽo nhiều hơn các bé khác. Nếu bé bị mệt mỏi, stress hoặc có quá nhiều tác động lên hệ thần kinh, bé cũng dễ cảm thấy khó chịu, khóc, cáu bẳn và từ đó dễ bị cha mẹ cho là mè nheo, không ngoan. Vậy cha mẹ phải làm sao?
Khi bé bị căng thẳng
Khi bé cảm thấy căng thẳng vì khó ngủ, mệt mỏi mẹ hãy đặt tay vào giữa đốt sống cổ và lưng. Sau đó bạn hãy hát ru hoặc nói lời âu yếm với con. Bé sẽ cảm thấy được hơi ấm từ bàn tay mẹ và dễ dàng đi vào giấc ngủ.
Thể hiện tình yêu của bố mẹ để xoa dịu nỗi sợ hãi của con
Trẻ sơ sinh rất sợ bị bỏ lại một mình, bị xa rời bố mẹ vì vậy bàn tay mẹ và sự yêu thương của mẹ là thứ mà em bé cần nhất. Trẻ còn quá nhỏ nên chưa thể hiểu được ngôn ngữ phức tạp, giai điệu hay giọng nói của mẹ nên sự chạm nhẹ của mẹ là cách đơn giản nhất để bạn trấn an con và làm con hết sợ hãi. Thông thường mẹ chỉ cần ôm ấp, vuốt ve trẻ trong khoảng 5 phút, trẻ sẽ bớt sợ hãi và quấy khóc. Lúc này bé đã cảm nhận được tình yêu và sự ấm từ người mẹ và cảm thấy an toàn.
Khi bé cảm thấy buồn
Khi trẻ buồn bã, mẹ hãy đặt bàn tay ở huyệt Phế Du (đốt sống cổ nối liền cổ với lưng). Ngay cả khi bé quấy khóc, mẹ không cần di chuyển tay, chỉ cần đặt tay lên huyệt này cũng có thể làm cho bé cảm thấy được yêu thương, nâng đỡ. Nếu bé đang khóc quá to, bạn hãy đặt tay lên lưng - vị trí thấp hơn so với huyệt Phế Du và xoa bóp dọc theo cột sống của bé.
Bé không thể nào ngủ được
Con bạn đang mệt, dù cố gắng nhưng không thể có được giấc ngủ ngon, ngủ sâu giấc. Tín hiệu lúc này phát ra đó là bé thường rên rỉ và khóc lóc ỉ ôi, nhìn thất thần vào không gian.
Bạn hãy ôm ấp bé, hát cho bé nghe bài mà bé thích. Chắc chắn bằng hơi ấm của mẹ, bằng tiếng hát ngọt ngào thân thuộc, bé sẽ thấy yên tâm và thôi rên khóc.
Bé buồn ngủ
Khi bé buồn ngủ, mẹ đừng rong ru mà hãy nhẹ nhàng bế con rồi làm theo các động tác này:
- Mẹ cứ thủ thỉ để bé cảm thấy thư giãn rồi dùng ngón tay cái để vuốt nhẹ bàn chân của bé từ dưới lên trên, từ gót chân đến ngón chân. Sau đó, tiếp tục dùng ngón tay cái xoay thành vòng tròn trên mắt cá chân bé thuận chiều kim đồng hồ để giúp tăng cường lưu thông máu cho bé.
- Đến vùng bụng, các mẹ dùng cả hai ngón tay cái, nhẹ nhàng xoa bóp từ rốn lên phía trên, rồi lại lộn xuống dưới.
- Mẹ hãy xoa bóp trán và lông mày cho bé nhé, nhẹ nhàng dùng ngón tay cái để xoa xoa quanh vùng mắt, đi xuống mũi, đến 2 bên má, tai, môi trên, môi dưới. Sau đó, mẹ hãy dùng ngón tay cái xoay thành những vòng tròn nhỏ theo chiều kim đồng hồ những xung quanh hàm và đằng sau tai bé.
Chỉ cần khi mẹ làm đến thao tác thứ 3 là em bé sẽ thiu thiu buồn ngủ rồi đấy. Nghe thì có vẻ phức tạp nhưng khi các mẹ áp dụng thành thạo thì mấy động tác này rất đơn giản mà không làm tốn thời gian của mẹ đâu ạ.
Bé cần phải ợ hơi
Nếu em bé của bạn khóc trong hoặc ngay sau khi ăn, bạn hãy lưu ý tới vấn đề ợ hơi. Bé bú mẹ (hoặc bú bình) có thể nuốt sữa và cả không khí vào bụng. Nhiều hơi trong bụng sẽ khiến bé khó chịu, bú ít vì không thoải mái và khó ngủ ngon. Vỗ ợ hơi cho bé trong và sau khi bú là một điều vô cùng quan trọng.
Có rất nhiều cách giúp bé thoát khỏi chứng khó chịu này. Bạn có thể bế bé lên vai, một tay giữ phần mông bé, một tay xoa nhẹ vào phần lưng hoặc bạn có thể khum bàn tay và vỗ nhẹ lên lưng bé đến khi bé ợ hơi. Hoặc cách khác, bạn cho bé ngồi lên đùi rồi vỗ hoặc chà xát nhè nhẹ vào lưng bé để bé ợ.
Sau khi bé được “thỏa mãn”, bé sẽ nhanh chóng ngoan ngoãn và dừng hẳn tiếng khóc.
Luôn trò chuyện để hiểu tâm lý của bé
Bố mẹ nên thường xuyên trò chuyện để hiểu những gì bé đang suy nghĩ. Nếu cha mẹ dành thời gian để lắng nghe cũng như chấp nhận những đòi hỏi hợp lý của bé, đồng thời có thái độ tích cực hơn trong các câu trả lời thì chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn về mặt cảm xúc của bé.
Cho dù công việc có bận rộn nhưng mẹ hãy cố gắng sắp xếp để chơi và trò chuyện cùng con, chẳng hạn những lúc làm việc nhà, lúc tắm cho bé, lúc đi đánh răng hay lúc cho bé ngủ...