Sặc sữa là một tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi. Nếu như người thân không nhận biết và sơ cứu đúng cách thì có thể tăng nguy cơ tử vong ở trẻ.

Minh Anh (t/h) 16:35 14/07/2024

Khoảnh khắc nghẹt thở nữ điều dưỡng ở Hải Phòng cấp cứu em bé trên xe taxi

Mới đây, video ghi lại hình ảnh nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo, Khoa hô hấp, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cấp cứu cho bé 7 ngày tuổi ngưng thở do sặc sữa ngay trên xe taxi đã gây bão trên mạng xã hội. Hành động của chị Thảo được dân mạng khen ngợi hết lời.

Cụ thể, khoảng 21h ngày 4/7, trên đường chở con đi về nhà tại thôn 6, xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, điều dưỡng Thảo thấy một người đàn ông bế trên tay em nhỏ sơ sinh đã ngừng thở, tím tái… ra xe taxi. Phía sau là một người phụ nữ vừa chạy theo vừa khóc thảm thiết.

Ngay lập tức, chị Thảo đã gửi lại con, chạy theo xe taxi và giới thiệu mình là nhân viên y tế. Sau đó, chị lên xe, đỡ cháu bé trên tay người đàn ông rồi nhanh chóng cấp cứu, ép tim ngoài lồng ngực, hà hơi thổi ngạt, hút mũi miệng trực tiếp.

Sự việc được camera trên xe taxi ghi lại. Trong clip, điều dưỡng Thảo vừa thực hiện các thao tác cấp cứu vừa liên tục nói: “Cố lên, cố lên, cố lên… đánh mạnh vào chân con đi cho con có phản xạ khóc đi xem nào”. Nữ điều dưỡng liên tục xin người mẹ ngừng khóc để bản thân bình tĩnh cố gắng cứu cháu. Sau quá trình nỗ lực cấp cứu, trẻ đã có thể hô hấp trở lại.

Chị Thảo đã ở trên xe cùng gia đình bệnh nhi, liên tục hỗ trợ cấp cứu trên đường di chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thủy Nguyên. Sau khi được sơ cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thủy Nguyên, bé được chuyển tới Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng tiếp tục điều trị. Hiện, em bé đã qua cơn nguy kịch, >sức khỏe ổn định.

Ảnh minh họa: Internet

 


Điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo tới thăm khám cho cháu bé tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Ảnh: BVCC

Phụ huynh cần làm gì khi trẻ sặc sữa?

Theo BSCKII Phạm Thị Thanh Tâm, Phó trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc - Bệnh viện Nhi Trung ương, sặc sữa là một trong những tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là ở trẻ dưới 2 tuổi. Sặc sữa xảy ra khiến trẻ khó thở, tím tái có thể gây ngừng thở. Trong trường hợp này, nếu không được sơ cứu kịp thời, tính mạng cho trẻ có thể bị đe dọa.

Nguyên nhân gây sặc sữa

Bác sĩ Tâm cho hay, nguyên nhân gây sặc sữa thường đến từ việc trẻ bú, ăn không đúng tư thế. Ví dụ như trẻ bú hoặc ăn khi đang nằm. Trẻ bú quá no cũng là nguyên nhân khiến sữa đi vào đường thở gây sặc. Một số trẻ được cho bú khi đang khóc, ho cũng tăng nguy cơ gây sặc.

Trường hợp sữa mẹ nhiều khiến trẻ không kịp nuốt khi bú cũng gia tăng nguy cơ sặc. Đối với trẻ bú bình, núm vú cao su có lỗ thông quá rộng khiến sữa chảy nhiều cũng là một trong những nguyên nhân gây sặc ở trẻ.

Ngoài ra, trẻ sinh non, trẻ có dị tật bẩm sinh vùng hầu họng như sứt môi, hở hàm ếch… cũng rất dễ gặp phải tình trạng sặc sữa.

Dấu hiệu trẻ bị sặc sữa

Bác sĩ Tâm cho hay, trẻ bị sặc sữa khi đang bú hoặc ngay sau khi bú xong sẽ đột ngột ho sặc sụa, tím tái và lịm đi, sữa trào qua mũi, miệng.

Với trẻ sinh non, đặc biệt là trẻ suy >dinh dưỡng, trẻ có dị tật vùng hàm mặt, trẻ có tình trạng giảm cơ lực (nhược cơ) thì phản xạ ho sẽ kém hơn. Dấu hiệu sặc sữa ở nhóm trẻ này diễn biến chậm, thường có biểu hiện tím ở quanh môi, quanh góc mũi, trẻ có thể xuất hiện tình trạng thở nhanh hoặc thở chậm, ngừng thở.


Sặc sữa thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. (Ảnh minh họa)

Sơ cứu cho trẻ bị sặc sữa

Theo bác sĩ Tâm, tùy vào từng trạng thái của trẻ khi xảy ra sặc sữa mà chúng ta sẽ có những cách sơ cứu thích hợp.

1. Trường hợp trẻ còn ho được

Nghiêng đầu trẻ sang một bên, lau sạch sữa ở mũi, miệng trẻ. Chuyên gia khuyến khích cha mẹ nên để trẻ ho. Ngoài ra, cha mẹ tuyệt đối không được dùng tay móc họng trẻ.

2. Trường hợp trẻ không ho được nhưng còn tỉnh táo

Bước 1: Cha mẹ cho trẻ nằm sấp, đặt đầu thấp hơn ngực trên mặt trong cẳng tay, tựa vào đùi. Giữ vùng đầu và cằm trẻ ở tư thế thẳng.

Bước 2: Sử dụng tay vỗ lưng 5 lần giữa 2 vai của trẻ theo hướng từ trên xuống dưới.

Bước 3: Sau khi vỗ lưng, dùng cẳng tay còn lại đặt lên lưng trẻ, bàn tay giữ chặt đầu và cổ.

Bước 4: Lật ngửa trẻ một cách cẩn thận (giữ chặt đầu và cổ), giữ trẻ nằm ngửa trên mặt trong cẳng tay tựa vào đùi. Giữ đầu thấp hơn cơ thể.

Bước 5: Ấn ngực 5 lần ở vị trí 1⁄2 dưới xương ức, ngay dưới đường liên vú. Mỗi lần đẩy ngực khoảng 1 giây, cố gắng tạo áp lực đủ để sữa ra ngoài.

Bước 6: Lặp lại chu kì 5 lần vỗ lưng và 5 lần ấn ngực cho đến trẻ thở lại.

3. Trường hợp trẻ bất tỉnh

Bước 1: Lập tức gọi hỗ trợ từ người thân, cấp cứu y tế (gọi điện thoại, bật chế độ loa ngoài và làm theo dướng dẫn). Người cấp cứu có thể ngồi hoặc quỳ tùy theo điều kiện.

Bước 2: Ngay lập tức Ép tim – thổi ngạt cho trẻ :

Ép tim ở vị trí 1/3 dưới xương ức, chiều sâu 1/3 đường kính trước sau của lồng ngực. Thực hiện 30 lần ép tim - 2 lần thổi ngạt (nếu chỉ có 1 mình), hoặc 15 lần ép tim – 2 lần thổi ngạt (Nếu có ≥ 2 người cấp cứu).

Thổi ngạt miệng – miệng hoặc thổi ngạt miệng – mũi cho trẻ: Thổi hơi vào trong 1 giây, chú ý quan sát lồng ngực trẻ phồng lên. Lặp lại 2 lần. Nếu lồng ngực không phồng lên, lặp lại động tác ngửa đầu nâng cằm, điều chỉnh tư thế ngửa đầu.

Thổi ngạt miệng – mũi: Hít 1 hơi bình thường, đè kín miệng của người cấp cứu lên miệng và mũi của trẻ để tiến hành thổi ngạt.

Thổi ngạt miệng – miệng: Hít 1 hơi bình thường, đè kín miệng của người cấp cứu lên miệng của trẻ, kẹp chặt cánh mũi với ngón cái và ngón trỏ, bàn tay tì lên trán trẻ và tiến hành thổi ngạt.

Tiếp tục cấp cứu tại chỗ cho đến khi trẻ hồng hào trở lại hoặc có nhân viên y tế hỗ trợ.


Cách sơ cứu trẻ khi bị sặc sữa (Ảnh minh họa)

Cách phòng ngừa trẻ bị sặc sữa

- Khi cho trẻ bú, mẹ cần bế trẻ cao đầu, ở tư thế thoải mái.

- Nên cho trẻ ăn dưới ánh sáng để dễ dàng quan sát thấy được trẻ nuốt sau khi mút sữa và các hiện tượng tím (nếu có).

- Nếu sữa mẹ tiết ra nhiều mà trẻ không bú kịp, mẹ dùng hai ngón tay kẹp bớt đầu vú lại.

- Với trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh cha mẹ không nên cho trẻ bú vội vàng.

- Với những trẻ bú bình, cha mẹ nên chọn những bình sữa có núm vú phù hợp với lứa tuổi, không quá to, giúp sữa xuống miệng trẻ không quá nhiều từ đó hạn chế nguy cơ trẻ bị sặc.

- Sau khi trẻ bú xong, cha mẹ nên bế trẻ nằm sấp trên vai hoặc ngực mẹ 15 – 20 phút, vỗ nhẹ lưng để trẻ ợ bớt hơi trong dạ dày, tránh tình trạng đầy hơi gây sặc.

Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý thêm các điều sau khi cho trẻ bú sữa:

- Không cho trẻ bú khi trẻ đang ngủ, đang khóc/cười, đang ho.

- Không cho trẻ bú trong tình trạng trẻ gập cổ hoặc ngửa cổ vì có thể khiến trẻ bị sặc sữa lên mũi.

- Không quấn tã, mặc quần áo chật, tránh làm tăng áp lực ổ bụng của trẻ.

- Không nên ép trẻ ăn quá no.

Theo Thúy Ngà/Gia đình Việt Nam