Chị Ngọc Ánh điều chỉnh cho bé có nếp sinh hoạt, thói quen ăn uống hợp lý từ nhỏ và dần dần con đã có thể tự ngủ được xuyên đêm mà chẳng cần sự hỗ trợ nào.
Hẳn bất kì bà mẹ nào cũng muốn bắt tay vào luyện ngủ xuyên đêm cho con để mẹ nhàn, con khỏe nhưng nghĩ đến việc phải nghe tiếng khóc của con trong quá trình luyện ngủ lại chùng lòng. Thế nhưng, nếu tham khảo những kinh nghiệm của chị Ngọc Ánh (30 tuổi, hiện đang sống tại bang Michigan, Mỹ) thì các mẹ sẽ thấy không phải cứ luyện ngủ thì con sẽ phải khóc lóc hay phải ngủ riêng một mình. Chị đã luyện cho bé Phan Lan tự ngủ xuyên đêm từ 4 tháng tuổi mà chẳng hề tốn một giọt nước mắt nào và bé vẫn được mẹ ôm ấp hàng đêm. Chỉ cần các mẹ thiết lập nếp sinh hoạt hợp lí cho bé từ khi lọt lòng đồng thời thực hiện những điều dưới đây trong quá trình chăm sóc trẻ thì bé nào cũng có thể tự ngủ xuyên đêm từ 3-6 tháng mà không cần phải cai ti đêm gì cả.
Luyện con cách phân biệt ngày đêm
Quy luật 12 tiếng ngủ đêm của trẻ là điều đầu tiên chị Ngọc Ánh nhắc đến: "Trẻ sơ sinh thường có chu kì ngủ đêm là 12 tiếng, dù ăn hay không ăn đêm thì căn bản là sẽ ngủ liền 12 tiếng rồi mới dậy hẳn nhưng không giống như người lớn, 12 tiếng ngủ đêm của trẻ lại có thể bắt đầu từ 6h sáng đến 6h chiều hoặc ngược lại. Chính vì thế nên việc đầu tiên và quan trọng nhất là bố mẹ phải luyện cho trẻ phân biệt ngày đêm từ khi bé mới sinh ra". Nguyên tắc cơ bản để luyện phân biệt ngày đêm là ban đêm phải tắt hết đèn, hoặc chỉ để đèn rất mờ, không gian nên yên tĩnh, tránh nhìn vào mắt bé, giao tiếp, tương tác với bé. Còn ban ngày thì ngược lại, mở cửa sáng, bật nhạc hay tiếng động ồn ào, tích cực tương tác với bé càng nhiều càng tốt.
Chính vì chủ động luyện phân biệt ngày đêm từ khi sinh, nên đến ngày thứ 3 là Phan Lan đã ngủ ngày ra ngày, đêm ra đêm, và giấc đêm của bé thường từ 6h tối đến 6h sáng. Chị bắt đầu đi ngủ lúc 10h tối, đêm mỗi lần bé dậy chị mất khoảng 45p-1 tiếng (15p cho bé ti/thay tã, 15p-30p bế vỗ cho bé ợ hơi rồi mới đặt bé nằm lại và 15p hút sữa thừa do bé không hút hết và 15p để mẹ ngủ lại). Nếu đêm bé có thức tầm 3, 4 lần thì đêm tối thiểu chị vẫn ngủ được ít nhất 4, 5 tiếng tổng cộng, mà đa phần là 6 tiếng. Chính vì thế nên mặc dù ở 1 mình, vừa đi làm vừa chăm bé mà chị vẫn ngủ đủ, vẫn có sức đi làm bình thường.
Cho con đi ngủ sớm
Khác với người lớn, bé sơ sinh có nhu cầu đi ngủ từ rất sớm, có khi từ 4, 5h chiều. Trong mấy tuần đầu, chị Ngọc Ánh không nhận ra điều này nên thường cho bé đi ngủ muộn vì cứ nghĩ ngủ càng muộn thì bé càng dễ ngủ xuyên đêm. Nhưng kết quả là bé gắt ngủ vô cùng, 7h tối đi ngủ mà nhiều hôm gắt ngủ đến tận 2h sáng mới chịu ngủ, làm chị rất mệt mỏi. Sau khi tham khảo 1 số quyển sách về giấc ngủ của trẻ, chị đã thử cho bé đi ngủ sớm từ 5h chiều, và thật không ngờ, bé ngủ ngon hơn hẳn, không còn gắt ngủ, cả đêm chỉ dậy vài lần để ti mẹ hay thay bỉm nhưng lại lăn ra ngủ tiếp.
Không ngủ quá nhiều, quá lâu ban ngày
Tùy từng độ tuổi mà trẻ sơ sinh có nhu cầu ngủ trong ngày khác nhau. Chẳng hạn bé 0-4m cần 15-18h/ ngày, nếu đêm bé đã ngủ 12 tiếng thì ngày sẽ cần 3-6h ngủ chia đều làm 3 lần, mỗi lần sẽ ngủ từ 1-2h. Như vậy trong 1 ngày lấy số giờ ngủ tối đa (2h) làm chuẩn, bố mẹ không nên để cho bé ngủ quá 2h 1 lần. Giữa các giấc ngủ cần có lúc thức theo quy luật ăn-ngủ-chơi thay phiên nhau. Nếu thức quá lâu mà ko được ngủ bé cũng sẽ mệt hay ngủ quá lâu 1 giấc ban ngày thì bé sẽ bị nhầm lẫn với giấc ban đêm và làm buổi đêm ngủ không sâu. Chị Ngọc Ánh đã áp dụng cách này để quản lý giấc ngủ của Phan Lan ban ngày để đảm bảo giấc ngủ ban đêm cho bé.
Thiết lập "bedtime routine"
Từ 3 tháng, bé đã có thể nhận biết được các quy luật có tính lặp lại nên bố mẹ có thể thiết kế những hành động lặp lại để tạo phản xạ cho bé như bedtime routine. Tuy 3 tháng bé mới bắt đầu hiểu các quy luật lặp lại, nhưng bedtime routine được khuyến khích thực hiện ngay từ khi mới sinh với mục đích là tạo ra 1 loạt các hành động làm bé dễ chiu nhất, giúp bé dễ dàng đi vào giấc ngủ, đồng thời tạo ra phản xạ vô thức của bé khi gặp một quy trình được lặp lại hàng ngày.
Chẳng hạn như Phan Lan luôn tắm trước khi đi ngủ, tắm xong thì chị vừa hát vừa massage cho bé, rồi cho bé uống sữa, tắt đèn và đi ngủ. Tuy ở Việt Nam các bác sĩ khuyến cáo không tắm tối nhưng ở Mỹ thì các bác sĩ hay sách vở đều rất khuyến khích tắm trước khi đi ngủ đêm để bé có thể ngủ ngon hơn. Nhờ việc thực hiện bedtime routine đều đặn, mà bây giờ, dù đang chơi vui vẻ, tỉnh táo, chỉ cần gọi đi tắm, nhấc ra khỏi bồn tắm, lau người là Phan Lan đã ngủ gà ngủ gật, rồi ngáy khò khò sau đó chưa đầy 5 phút.
Luyện tự ngủ bằng phương pháp 5s và Fading
Trẻ sơ sinh không thể ngủ sâu dài như người lớn mà thường tầm 45p-1h bé sẽ chuyển giấc 1 lần. Để bé tự chuyển giấc được thì một trong những điều cơ bản là phải để môi trường ngủ của bé ổn định, trước và sau khi ngủ giống nhau.
Hiểu được điều này nên chị Ánh không bao giờ bế rong Phan Lan trước khi ngủ. Thay vào đó, chị sử dụng phương pháp 5s để giúp bé đi vào giấc ngủ: Swaddle (quấn), Side (đặt nằm nghiêng), Shush (tiếng ồn trắng), Swing (đung đưa) và Suck (ngậm mút). Thay vì sử dụng khăn quấn bé, chị dùng túi ngủ có khóa khéo để bé không vung tay vung chân ra ngoài và cảm thấy chắc chắn hơn, giống như có mẹ ôm vậy. Chị thường bật các đoạn video tiếng ồn trắng trên youtube để cho bé nghe lúc chuẩn bị đi ngủ và sử dụng ti giả. Ti giả được sử dụng phổ biến ở Mỹ và không hề gây hỏng răng giống như mọi người đồn đại, miễn là bé có thể cai ti giả trước 36 tháng. Thay vì bế rung, đung đưa bé theo phương pháp 5s thì chị ngồi bế bé trên 1 chiếc ghế tựa có thể xoay được, giống loại ghế ngồi máy tính thông thường và đung đưa nhẹ để ru bé ngủ. Nhưng ngay khi bé hơi thiu thiu ngủ thì chị đặt ngay xuống giường và sử dụng các "S" còn lại để ru bé ngủ hẳn. Vì nếu đợi cho bé ngủ hẳn mới đặt xuống giường thì bé sẽ rất dễ dàng tỉnh giấc do bị thay đổi môi trường.
Và cũng giống như đa phần trẻ em khác, Phan Lan cũng bám mẹ và dễ dàng khóc ré lên nếu mẹ không nằm cạnh. Nên ngoài áp dụng phương pháp 5s, chị Ánh còn sử dụng phương pháp Fading, tức là biến mất dần dần. Hồi đầu khi bắt đầu đặt bé xuống giường, chị cũng nằm cạnh bé, kẹp chặt bé vào nách, và vỗ cho bé ngủ. Dần dần thì chị chỉ đặt xuống, vỗ, không kẹp bé nữa, rồi chuyển sang chỉ đặt xuống và ngồi canh. Kết quả là đến tầm 4 tháng thì chị chỉ cần đặt bé xuống, rồi ngồi bên cạnh tầm 5 phút là bé tự ngủ.
Bế đứng thay vì bế ngửa
Trẻ sơ sinh có rất nhiều lí do thức giấc giữa đêm chứ không chỉ là do đói như đau ốm, nóng quá, lạnh quá, đầy hơi, tràn ngược, wonder week… Nhưng đối với trẻ từ 0-3 tháng thì thường nguyên nhân chủ yếu là do đầy hơi. Chị Ánh đã thực hiện 1 cách đơn giản để tránh tình trạng này là luôn luôn bế đứng, úp vào ngực mẹ hay bế vác bé thay vì bế ngửa, đặc biệt là sau khi ăn sau. Tư thế bế này không những giúp bé giảm được tình trạng đầy hơi mà còn giúp bé phát triển cơ cổ, lưng, gáy tốt hơn.
Ăn theo cữ
Mấu chốt trong việc tự bỏ ăn đêm là bé phải có nề nếp sinh hoạt hợp lí ban ngày, nếu bé ăn đủ ban ngày, sẽ không cần ăn đêm nữa. Chị Ánh tuy không đọc bộ sách "Nuôi con không phải cuộc chiến" nhưng giờ giấc sinh hoạt của Phan Lan cũng có nhiều nét tương đồng với phương pháp EASY trong bộ sách này. Ngay từ khi mới sinh cho đến lúc 6 tuần tuổi, chị đã luyện Phan Lan bú cữ 3h/ lần, kể cả ngày hay đêm và sau 6 tuần thì bé bắt đầu luyện bú theo cữ 4h/ lần. Kết quả là đến 10 tuần, Phan Lan đã ổn định giờ giấc sinh hoạt. Theo kinh nghiệm của chị khi tham khảo ý kiến của các bà mẹ khác ở các diễn đàn từ Việt Nam đến Mỹ, thì nếu bé chỉ cần theo được cữ 4h ổn định trước 4 tháng thì bé sẽ tự ngủ xuyên đêm trước 6 tháng mà mẹ không cần phải sử dụng biện pháp cai ti đêm nào khác.
Hiểu đúng nhu cầu no đói của trẻ
Chị Ánh thấy các mẹ thường có thói quen nếu thấy bé ọ ẹ nửa đêm là ngay lập tức cho ăn. Nhưng đây là thói quen sai lầm vì bé thức giấc vì lí do khác, thì việc cho ăn đêm không những không giải quyết vấn đề mà dần sẽ tạo thói quen xấu cho trẻ. Các dấu hiệu đói của trẻ sơ sinh là: bàn tay nắm chặt, cẳng tay co lại giơ tay lên quơ quơ gần miệng (giống động tác và thức ăn vào miệng), miệng mở ra đớp đớp, quay liên tục sang hai bên để tìm ti. Vào ban đêm, ngay khi thấy bé có các dấu hiệu trên, mẹ nên cho bé ti luôn để tránh bé bị thức giấc giữa đêm. Nếu cho bé ti đúng lúc, trước khi bé khóc, thì bé sẽ tiếp tục ngủ chứ không bị thức dậy giữa đêm. Chờ đến khi bé khóc đòi ăn thì đã quá muộn, thường lúc đó bé sẽ bị tỉnh và mẹ lại phải mất công ru ngủ lại. Và khi bé no thì bàn tay và cánh tay bé sẽ thả lỏng, xuôi xuống hai bên. Dấu hiệu tay nắm chặt thả lỏng của bé sẽ không còn chuẩn xác nữa khi bé bắt đầu có các kĩ năng cầm nắm đồ vật (tầm 3,4m).
Tuyệt đối không ti nằm khi ngủ
Theo 1 số chuyên gia sữa mẹ mà chị Ánh trực tiếp trao đổi thì ngoài việc nguy hiểm do đè ngat con ra thì ở tư thế nằm bé sẽ không ti được nhiều sữa bằng ti ngồi, do đó bé dễ ti không no, ngủ quên khi ti. Dần dần sẽ tạo thói quen ăn lắt nhắt, không ăn được nhiều một lần mà đòi hỏi phải ti liên tục, sục sạo tìm ti cả đêm. Nên mặc dù mới sinh bé còn mệt và đau lưng nhưng chị luôn ngồi dậy cho bé ti, không kể ngày hay đêm. Ngoài ra tư thế ti mẹ cũng rất quan trọng, bé có thể bú được nhiều sữa nhất khi mẹ ngồi tựa thoải mái, và ôm bé về phía ngực mẹ, chứ mẹ không nên cúi xuống, rướn về phía bé để bé ti.
Cuối cùng, chị Ngọc Ánh chia sẻ rằng dù ti đêm hay không thì mấu chốt để bé phát triển tốt là một giấc ngủ ngon. Thế nên nếu bố mẹ nào đang hài lòng và thấy con mình đã ngủ ngon buổi đêm rồi thì cũng chẳng cần thay đổi, còn nếu không thì mong các bố mẹ hãy tìm hiểu thêm, đọc nhiều, nghe nhiều và tiếp thu nhiều nguồn thông tin để điều chỉnh phù hợp với con mình. Sữa mẹ hay sữa công thức, ti mẹ hay ti bình, thì các bé cũng đều cần được ngủ và không nên khóc nhiều.