Nhiều bà mẹ đưa trẻ đến bệnh viện với lý do trẻ bị tiêu chảy, đau bụng, bị nứt hậu môn... nhưng cuối cùng trẻ lại được chẩn đoán mắc bệnh táo bón.
Bác sĩ Hoàng Lê Phúc, trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết bệnh viện liên tục tiếp nhận trẻ mắc bệnh táo bón đến khám, nhập viện điều trị mà trước đó cha mẹ đều không biết trẻ mắc bệnh.
Thường bị bỏ quên
Đây là một bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nên thường bị người nhà bỏ quên. Chỉ khi trẻ bị tiêu chảy, đau bụng, đi cầu ra máu, bị biến chứng hậu môn, bị són phân... các bậc cha mẹ mới đưa trẻ đến khám, điều trị.
Có trẻ nhập viện vì bị đau bụng, có trẻ chỉ đau bụng râm ran, có trẻ lại đau bụng dữ dội. Có trẻ lâu lâu đau bụng, lâu lâu hết, hôm nào đi cầu được thì không đau bụng, không đi cầu được thì đau bụng. Có trẻ đau bụng nhiều đến mức ngay trong đêm phải đưa trẻ đi cấp cứu. Có những trường hợp bác sĩ phải chỉ định nội soi hoặc cho chụp CT để tìm nguyên nhân gây đau bụng ở trẻ. Nhưng cuối cùng nguyên nhân được xác định là do trẻ bị... táo bón.
Trẻ táo bón mà bị tiêu chảy do bất kỳ nguyên nhân gì khác đều có thể đau bụng rất dữ dội. Khi đã đi cầu được trẻ sẽ bị tiêu chảy. 1-2 ngày đầu khi trẻ chưa đi cầu được sẽ bị đau bụng dữ dội. Nhiều trẻ đến bệnh viện với lý do tiêu chảy nhưng trẻ vẫn được chẩn đoán mắc bệnh táo bón.
Trẻ mắc bệnh táo bón có thể đến bệnh viện với triệu chứng suy >dinh dưỡng, biếng ăn do phân ứ đọng lâu gây ra tình trạng táo bón. Tình trạng biếng ăn này khá đặc biệt vì lâu lâu khi trẻ đi cầu được, trẻ lại ăn. Đúng lúc trẻ được bác sĩ cho thuốc bổ điều trị, các bậc cha mẹ lại tưởng toa thuốc này giúp trẻ ăn được nên tiếp tục mua cho trẻ uống thêm toa thuốc này. Ai ngờ thuốc làm trẻ bón lại vì trong thuốc bổ có canxi sẽ làm >trẻ bị táo bón.
Có khoảng 20% trẻ bị táo bón đến bệnh viện vì triệu chứng ói do trẻ ăn vào nhưng không đi cầu được nên gây ói. Triệu chứng ói cũng dễ nhầm với những bệnh khác. Vì vậy, trẻ cũng có thể phải làm nội soi dạ dày hoặc chụp CT mà cuối cùng nguyên nhân ói lại do... táo bón. Ngoài ra, trẻ bị táo bón cũng có những biến chứng khác như són phân ngay ở lứa tuổi đã kiểm soát được những chuyện này. Một số trẻ đã phải đi khám tâm lý vì trẻ không chịu đi học do bị són nên sợ bạn trêu đùa.
Theo BS Hoàng Lê Phúc, táo bón gặp ở mọi lứa tuổi và căn bệnh này sẽ tích lũy theo thời gian. Nếu không phát hiện và điều trị thì trẻ bị táo bón sau này sẽ trở thành người lớn bị táo bón. Chưa kể, táo bón còn gây ra nhiều biến chứng khác như nứt hậu môn, són phân, suy dinh dưỡng, bị viêm ống hậu môn...
Có thể phải phẫu thuật
Hơn 90% nguyên nhân trẻ em bị táo bón là do táo bón chức năng và chỉ có 10% táo bón do nguyên nhân thực thể. Nguyên nhân thực thể có nghĩa là bệnh táo bón do một bệnh nền, còn chức năng là sẽ không tìm ra được bệnh nào.
Một trong những bệnh nền gây ra bệnh táo bón ở trẻ mà người ta sợ nhất là bệnh Hirschsprung (bệnh phình đại tràng bẩm sinh do vô hạch thần kinh ruột). Trẻ mắc bệnh này phải mổ, nếu không sẽ dẫn tới biến chứng phình đại tràng nhiễm độc, sốc nhiễm trùng, có thể thủng ruột. Một đứa trẻ sinh ra trong 24 giờ mà chưa có phân su thì người nhà phải lưu ý đến bệnh này. Khi trẻ mắc bệnh này sẽ bị táo bón, đi phân nát, có mùi rất hôi... Ngoài ra, trẻ bị táo bón còn do có một bệnh nền như suy giáp, bệnh thần kinh cơ ổ bụng, ở ruột...
Trong số 90% trẻ bị táo bón do nguyên nhân chức năng, yếu tố nguy cơ do trẻ nín không chịu đi cầu thường gặp nhiều nhất. Phân ở lại trong ruột càng lâu chừng nào càng bị rút nước chừng đó, phân rắn to dần, trẻ lại khó đi hơn, lúc rặn trẻ bị đau nên sợ. Đó là cái vòng luẩn quẩn. Trẻ cứ bị vậy trong vòng một tháng sẽ bị táo bón chức năng mãn tính. Khi trẻ đã bị táo bón chức năng mãn tính, thời gian điều trị phải từ 6-9 tháng. Do vậy, khi trẻ bị táo bón, cần đưa trẻ đi điều trị sớm, tránh để trẻ bị táo bón mãn tính.
Trong chế độ ăn của trẻ bị táo bón mãn tính cần cho trẻ uống đủ nước, rau chỉ cần ăn vừa đủ theo nhu cầu. Khi trẻ đã bị táo bón, việc buộc trẻ ăn thật nhiều rau, uống nước nhiều sẽ không chữa được bệnh táo bón mà phải điều trị bằng thuốc liên tục trong 6 tháng. Nếu bà mẹ nào bỏ điều trị sau đó trẻ bị tái lại thì phải điều trị lại từ đầu.
Chú ý câu từ khi nói chuyện với trẻ
Mới đây, một cậu bé 4 tuổi, ngụ ở TP.HCM bị táo bón vì luôn đợi mẹ về mới chịu đi cầu. Mỗi lần đi cậu bé phải cầm lấy tay mẹ.
Khi khám bệnh, bác sĩ hỏi chuyện mới biết cô giáo của cậu bé dạy mỗi lần đi xong thì gạt nước cho “bạn phân” trôi đi. Chính vì cô gọi phân là bạn nên mỗi lần gạt đi như vậy cậu bé không thấy bạn quay lại. Cậu bé có một nỗi sợ ám ảnh là cậu ngồi đây lỡ ai gạt một cái cậu đi luôn thì không được gặp mẹ nữa.
Trường hợp này, bác sĩ phải điều trị tâm lý cho trẻ bằng cách nói chuyện với cậu bé. “Con nghĩ sao con lại có thể lọt vô đó, lỗ đó có chút xíu à?”. Sau đó bác sĩ cho trái banh vô, xả nước đi mà trái banh vẫn còn, từ đó cậu bé không sợ nữa và cũng khỏi bệnh táo bón.
Cách phòng ngừa táo bón
Cho trẻ uống đủ nước, có một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, phát hiện kịp thời những yếu tố nguy cơ, những yếu tố làm cho trẻ nín. Trẻ bị táo bón hơn một tuần lễ phải đưa trẻ đi khám liền, tránh tình trạng bị mãn tính.