Kết quả 1 cuộc nghiên cứu mới đây về nguyên nhân khiến trẻ chậm biết nói đã gây sốc cho nhiều bậc phụ huynh khi có liên quan đến việc cho bé xem tivi, điện thoại quá nhiều.

05:30 14/05/2019

Nhiều cha mẹ cảm thấy lo lắng khi bé đã đến tuổi mà vẫn không thấy biết nói hoặc nói rất ít và nói không được "tròn vành rõ chữ". Nỗi lo lắng ấy đã thôi thúc các nhà nghiên cứu phải tìm ra nguyên nhân sâu xa và mấu chốt của vấn đề để giúp cha mẹ giải tỏa nỗi lo, cảnh báo đến tất cả mọi người cũng như giúp các bé có thể phát triển bình thường.

Một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị chậm biết nói, đó là do cha mẹ để trẻ tiếp xúc và sử dụng điện thoại, máy tính và tivi quá nhiều (Ảnh minh họa)

Tại cuộc họp của Hiệp hội Khoa học Nhi khoa, các nhà nghiên cứu từ Đại học Toronto-Mỹ đã công bố kết quả về một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị chậm nói, đó là do cha mẹ để trẻ tiếp xúc và sử dụng điện thoại, máy tính và tivi quá nhiều. Nghiên cứu được thực hiện trên 894 trẻ từ 6 tháng đến 2 năm tuổi ở thành phố Toronto-Mỹ từ năm 2011 đến năm 2015.

Kết quả khá bất ngờ khi có tới 20% số trẻ dưới 2 tuổi dành khoảng 28 phút mỗi ngày để xem điện thoại, iPad của bố mẹ. Điều này đã được các bậc phụ huynh xác nhận. Trong số những em bé này, có đến 49% các bé có nguy cơ chậm nói, kĩ năng nhận biết ngôn ngữ kém hơn các bé không xem. Và cứ mỗi 30 phút tăng thêm, nguy cơ chậm nói sẽ càng tăng cao hơn.

Tiến sĩ Catherine Birken, thành viên nhóm nghiên cứu cho hay: "Đây là nghiên cứu đầu tiên về mối liên hệ giữa thời gian sử dụng các thiết bị điện tử với nguy cơ chậm phát triển kĩ năng ngôn ngữ ở trẻ em".

Những con số về thời lượng sử dụng các thiết bị điện tử của trẻ dưới 2 tuổi luôn tăng lên qua từng năm (Ảnh minh họa)

Năm 2013, tổ chức truyền thông phi lợi nhuận Common Sense Media, Mỹ – tổ chức chuyên giúp đỡ trẻ em và các bậc cha mẹ - cũng công bố số liệu có gần 40% trẻ em dưới 2 tuổi đã sử dụng thiết bị di động, trong khi con số này chỉ đạt 10% năm 2011. Những con số này thậm chí có thể còn cao hơn tính đến năm 2017.

Ông Michael Robb, giám đốc nghiên cứu của tổ chức này nói thêm: "Đây là một nghiên cứu quan trọng trong việc làm rõ mối liên hệ nhân-quả và một số nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến việc sử dụng các thiết bị điện tử. Những tác động tiêu cực rất rõ ràng như thay vì vui chơi hay tương tác cùng cha mẹ (chơi đùa, đọc truyện, múa hát…) thì bé lại thích và mải mê với điện thoại hơn. Điều này ảnh hưởng vô cùng lớn đến sự phát triển lành mạnh ở trẻ nhỏ".

Từ kết quả được công bố về mối liên quan này, các chuyên gia Nhi khoa đã đưa ra lời khuyên, cảnh báo cha mẹ nên hạn chế cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi tiếp xúc với màn hình các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, tivi. Trong bản hướng dẫn cho bé sử dụng thiết bị điện tử của Học viện Nhi khoa Hoa Kì (AAP), cha mẹ chỉ nên cho bé xem các chương trình, trò chơi mang tính giáo dục, và chỉ cho xem khi bé đã được 18-24 tháng tuổi.

Với bé dưới 18 tháng tuổi thì tốt nhất không nên cho bé xem hoặc tiếp xúc với màn hình các thiết bị điện tử, trừ trường hợp gọi hoặc chat video qua màn hình. Các chuyên gia Nhi khoa giải thích nếu cho bé tiếp xúc quá sớm, âm thanh và hình ảnh trong điện thoại, iPad sẽ làm bé bị xao lãng, mất tập trung với thế giới thực bên ngoài, thậm chí không chú ý và tập trung vào hướng dẫn của cha mẹ.

Cho bé tiếp xúc quá sớm với thiết bị điện tử, âm thanh và hình ảnh trong điện thoại, iPad sẽ làm bé bị xao lãng, mất tập trung với thế giới thực (Ảnh minh họa)

Tác giả Michelle MacRoy-Higgins và Carlyn Kolker – 2 tác giả của chương trình nổi tiếng tại Mỹ "Time to Talk" – nhận định: "Hai năm đầu đời vô cùng quan trọng đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, đây là kĩ năng thiết yếu và là nền tảng đối với sự thành công trong học tập sau này của trẻ. Nếu bé gặp vấn đề về ngôn ngữ như chậm nói, nói ngọng, nói lắp, nhận thức chậm sẽ khiến trẻ gặp khó khăn về giao tiếp cũng như học tập sau này."

Tuy nhiên theo Tiến sĩ Birken, nghiên cứu này cần phải có thêm bằng chứng để chứng minh và tập trung làm rõ hơn về tác động của thiết bị điện tử đối với việc phát triển kỹ năng giao tiếp ở trẻ em.

Theo Phương Phương/ Helino