Ở trẻ sơ sinh, táo bón thường được định nghĩa dựa vào trạng thái phân của trẻ hơn là tần suất đi đại tiện của trẻ.
Táo bón ở trẻ sơ sinh là gì?
Táo bón ở trẻ sơ sinh là tình trạng chậm đại tiện, 3-5 ngày mới đi một lần. Tuy nhiên số ngày đi đại tiện chỉ là một tiêu chí để nhận biết trẻ sơ sinh bị táo bón.
Có trẻ 3 ngày đi một lần nhưng phân mềm xốp, trẻ đi dễ dàng thì chưa gọi là táo bón. Còn trẻ 1 đến 2 ngày đi một lần nhưng phân keo dính, trẻ phải rặn khó khăn thì vẫn là táo bón.
Các mẹ cần lưu ý đến dấu hiệu bất thường ở trẻ. Khi thấy trẻ sơ sinh không đi đại tiện trong 5-6 ngày hoặc khi đi ngoài phân khô rắn, trẻ có biểu hiện đau đớn, quấy khóc thì sẽ là vấn đề.
Trong trường hợp một đứa trẻ sơ sinh bú sữa mẹ vẫn tăng cân bình thường thì việc vài ngày không đi đại tiện cũng không có gì đáng lo ngại. Miễn là việc xì hơi không làm trẻ đau, trẻ không quấy khóc, chướng bụng các mẹ không có gì phải quá lo lắng.
Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị táo bón
Đối với trẻ sơ sinh, người lớn thường dựa vào trạng thái phân của trẻ để nhận biết chứ không phải căn cứ vào tần suất đi đại tiện của trẻ để cho rằng con mình bị táo bón.
Trẻ sơ sinh được coi là bị táo bón nếu đại tiện ra phân cứng, khuôn nhỏ như phân dê, hoặc nếu phân rất lớn, chắc và khó tống ra ngoài.
Một số người sẽ coi >trẻ bị táo bón khi phân của trẻ cứng và nếu trẻ phải rặn mới đi ngoài được. Tuy nhiên việc phải rặn để tống phân mềm ra ngoài không phải là dấu hiệu của chứng táo bón.
Xác định phân trẻ bị táo bón như thế nào?
Trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn (chỉ bú mẹ cho đến khi 6 tháng tuổi) hiếm khi bị táo bón. vì sữa mẹ được tiêu hóa rất tốt mà không có nhiều chất cặn còn lại để tạo thành phân. Trẻ 1-2 tháng tuổi thường đi đại tiện thường xuyên khoảng 1 - 2 lần mỗi ngày, sau đó trẻ sẽ bắt đầu đi ít hơn.
Thậm chí, một vài trẻ bú sữa mẹ chỉ đại tiện 1 lần trong vòng 1-2 tuần. Ở những trẻ này, miễn là phân có nước hoặc mềm, thì trẻ sẽ được coi là bình thường và không bị táo bón.
Đối với những trẻ bắt đầu ăn thức ăn rắn, như ngũ cốc, tần suất đi đại tiện của trẻ có thể sẽ thay đổi. Vào thời điểm đó, trẻ sẽ đi đại tiện thường xuyên hơn và có thể phân sẽ cứng hơn.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị táo bón
Trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ hoàn toàn ít khi bị táo bón. Khi thấy phân của trẻ sơ sinh khô, cứng… mẹ hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể.
Một số yếu tố được xác định gây ra tình trạng trẻ sơ sinh bị táo bón:
- Bé chỉ uống sữa công thức, rất có thể loại sữa đang dùng không phù hợp với bé dẫn đến bị táo bón.
- Nếu bạn đã bắt đầu cho bé ăn dặm, ngũ cốc có thể là thủ phạm gây táo bón ở trẻ do có lượng chất xơ thấp.
- Táo bón có thể do mất nước, do đó bạn nên cho bé uống nhiều nước, có thể giúp cải thiện tình hình.
- Do tổn thương thực thể đường tiêu hóa. Đây là hiện tượng rất hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 5% nguyên nhân gây táo bón
- Trong thời gian bú, mẹ vẫn giữ thói quen ăn ớt, gừng, hạt tiêu…thì chất nóng trong các thực phẩm này sẽ đi đi vào cơ thể bé gây ra táo bón.
- Trẻ ngồi một chỗ quá nhiều như chơi đồ chơi mà không di chuyển kiến nhu động ruột của bé ít hoạt động, hệ tiêu hóa làm việc cũng kém hơn
- Mẹ xây dựng thực đơn không khoa học, cho con ăn nhiều đồ chiên, dầu mỡ, sẽ dẫn đến đầy hơi, khó tiêu và gây táo bón ở trẻ
- Bé dùng kháng sinh, không chỉ diệt vi khuẩn gây bệnh mà diệt luôn vi khuẩn có lợi trong ruột gây ra tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy ở trẻ.
Khi nào cần đưa trẻ sơ sinh bị táo bón đi gặp bác sĩ?
Ngay cả khi một đứa trẻ đại tiện không thường xuyên - chỉ một lần một tuần hoặc thậm chí lâu hơn – nhưng nếu đó là thói quen của bé, thì đó vẫn là bình thường và bạn không cần thiết phải can thiệp gì cả.
Có một số trường hợp trẻ bú mẹ không đi đại tiện thường xuyên hoặc trẻ sơ sinh bị táo bón lâu ngày không rõ nguyên nhân sẽ được coi là tình trạng bệnh lý, bao gồm:
Trẻ rất ít đi đại tiện trong 1 tháng đầu đời có thể là một dấu hiệu cho thấy bé không có đủ sữa để bú. Trường hợp này thường kèm theo dấu hiệu bé đang giảm cân hoặc gần như không tăng cân và có thể không có đủ số lượng tã ướt thải ra.
Trẻ từ 1 tháng tuổi trở lên không tăng cân hoặc tăng cân rất ít, cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy trẻ ăn không đủ, không phát triển khỏe mạnh hoặc có một số vấn đề y tế khác.
Trẻ nhỏ không đi ngoài ra phân su trong những ngày đầu đời và trẻ đã có vấn đề về đại tiện kể từ khi sinh. Khi tình huống này xảy ra, ít đi đại tiện có thể là một dấu hiệu của bệnh Hirshsprungs. Bệnh Hirshsprungs không phổ biến, chỉ ảnh hưởng đến 1 trên 5.000 trẻ sơ sinh. Tình trạng táo bón trong bệnh này thường xuất hiện vào cuối tháng đầu tiên sau khi sinh.
Khi thấy có những dấu hiệu này, các mẹ cần xác định đến gặp bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Trẻ sơ sinh bị táo bón phải làm sao?
Mặc dù tình trạng táo bón không phổ biến ở trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn, nhưng lại là tình trạng phổ biến khi thức ăn rắn được đưa vào chế độ ăn của trẻ. Khi đó, kể cả nếu trẻ đi đại tiện với tần suất bình thường cũng được coi là bị táo bón nếu trẻ phải rặn nhiều hoặc nếu trẻ cảm thấy không thoải mái khi đi đại tiện.
Bên cạnh đó, trẻ em bị đau khi đại tiện có thể sẽ dẫn đến tình trạng nhịn đi đại tiện để tránh đau. Điều này sẽ gây nên một vòng xoắn bệnh lý, trẻ càng nhịn đi đại tiện thì tình trạng táo bón càng nặng và càng đau hơn mỗi lần đi ngoài.
Trong đa số các trường hợp táo bón kể trên, sự thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp điều trị tình trạng táo bón.
Vậy trẻ sơ sinh bị táo bón làm thế nào? Hãy hỏi bác sĩ nhi khoa của bạn nếu bạn nghĩ rằng con của bạn bị táo bón hoặc đang có vấn đề khác với nhu động ruột.
Ngoài ra, có một vài bệnh có thể dẫn đến táo bón ở trẻ sơ sinh, chẳng hạn như chứng suy giáp, xơ nang, và một vài bệnh khác, nhưng thường những bệnh này sẽ kèm theo các triệu chứng liên quan và một số biểu hiện như tăng cân kém. Trong trường hợp này, cần đưa trẻ đi khám và điều trị căn bệnh chính.