Mật ong được coi là loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu uống quá liều có thể khiến bé gái dậy thì sớm.

Minh Anh (t/h) 08:39 08/08/2024

Khoảng vài năm trở lại đây, các thông tin về việc trẻ dậy thì sớm xuất hiện rất nhiều. Nguyên nhân lại bắt nguồn từ những loại thực phẩm tưởng chừng như vô hại mà trẻ vẫn ăn hàng ngày. Điều đáng nói là trong chế độ ăn của trẻ nhỏ cần hạn chế tiêu thụ những loại thực phẩm giàu estrogen, chẳng hạn như mật ong, đậu nành, đồ chiên rán... Tuy nhiên, không nhiều bậc phụ huynh chú ý tới điều này nên vô tình khiến con nhỏ ăn phải, dẫn đến tình trạng dậy thì sớm khi chưa đến tuổi.

Vì sao uống mật ong lại khiến bé gái dậy thì sớm?

Mặc dù mật ong có rất nhiều công dụng tốt cho cơ thể nhưng nó lại không phù hợp với đối tượng trẻ dưới 10 tuổi. Giải thích cho điều này, các chuyên gia >sức khỏe cho rằng, trong mật ong có hàm lượng hormone nhất định, uống liên tục trong thời gian dài sẽ khiến các bé gái dậy thì sớm. Đặc biệt là sự tăng kích cỡ vòng 1 và nguy cơ xuất hiện sớm của kinh nguyệt.


Ảnh minh họa

Ngoài mật ong thì sữa ong chúa cũng chứa nhiều kích thích tố nữ. Vì vậy, nếu dùng nhiều loại thực phẩm này sẽ làm thay đổi hàm lượng hormone trong cơ thể.

Do đó, các chuyên gia sức khỏe khuyên rằng, người lớn không nên cho bé gái dưới 6 tuổi sử dụng mật ong thường xuyên. Dưới 12 tháng tuổi càng không nên cho trẻ nhỏ uống mật ong, dù chỉ là 1 thìa. Nếu bé ngoài 1 tuổi thì thỉnh thoảng dùng một ít, nhưng trên 10 tuổi mới có thể sử dụng nhiều hơn.

Dậy thì sớm nguy hiểm như thế nào?

Dậy thì sớm là trạng thái cơ thể của trẻ bắt đầu trải qua quá trình thay đổi thành cơ thể người lớn quá sớm. Tuổi dậy thì bắt đầu trung bình ở trẻ em gái từ 8 đến 13 tuổi và trẻ em trai từ 9 đến 14 tuổi. Bé gái có dấu hiệu dậy thì rõ ràng và sự tiến triển trước 8 tuổi và trẻ em trai trước 9 tuổi được coi là dậy thì sớm.

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ y khoa Jerrold S. Olshan, cứ 5000 trẻ em thì sẽ 1 trẻ mắc phải tình trạng dậy thì sớm. Đáng lo ngại hơn, thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiết lộ tình trạng trẻ dậy thì sớm tăng gấp 35 lần so với thập kỷ trước.

Độ tuổi dậy thì của trẻ đang có xu hướng sớm hơn 2-3 năm đối với bé gái, 1-2 năm với bé trai. Dậy thì sớm ở trẻ ngoài những ảnh hưởng trực tiếp trong sinh hoạt, trẻ còn chịu nhiều hệ lụy về cảm xúc, tâm lý và xã hội.

Theo WebMD, các bác sĩ chẩn đoán tình trạng thông qua các đợt tăng trưởng và trưởng thành xương. Trước đây, dậy thì sớm có lẽ là một chủ đề khá xa vời với các bậc phụ huynh, nhưng những năm gần đây tình trạng này ngày một phổ biến hơn.


Ảnh minh họa

Dấu hiệu trẻ dậy thì sớm

Khi quan sát từ bên ngoài, chúng ta ít khi thấy được những biểu hiện rõ ràng của dậy thì sớm. Chỉ khi cơ thể trẻ có sự phát triển rõ rệt, các bậc phụ huynh mới nhận ra.

Dậy thì sớm ở bé gái có biểu hiện đặc trưng là ngực phát triển, mọc lông mu hoặc lông nách, thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài, bắt đầu có kinh nguyệt. Dậy thì sớm ở bé trai có các dấu hiệu như tinh hoàn hoặc dương vật to lên, xuất hiện lông mu hoặc lông nách, nổi mụn trứng cá, giọng trầm đi. Chiều cao, cân nặng tăng nhanh là biểu hiện dậy thì sớm ở trẻ được ghi nhận ở cả hai giới.

Trong suốt thời kỳ dậy thì, xương trẻ liên tục trưởng thành. Ở trẻ dậy thì sớm, giai đoạn trẻ cao lên nhanh sẽ bắt đầu sớm và kết thúc sớm hơn bình thường. Đầu tiên, trẻ sẽ lớn vọt lên so với bạn bè cùng lứa nhưng sau vài năm, trẻ sẽ ngừng phát triển chiều cao và thường không thể đạt được chiều cao tối đa của người trưởng thành.

Sự khác biệt về hình thể so với đa phần bạn bè có thể khiến trẻ mặc cảm, thu mình. Một số nghiên cứu cho thấy nhiều người lớn dễ có vấn đề về tâm lý như rối loạn tâm lý, trầm cảm, vì dậy thì sớm xảy ra trong quá khứ. Phụ huynh, cũng sẽ dễ hoang mang, lo lắng theo vì sự bất thường của con.

Đặc biệt, dù thân hình nở nang, phổng phao nhưng tinh thần trẻ vẫn còn non nớt, chưa nhận thức được hành vi lạm dụng và có thể tự bảo vệ mình nên trẻ dậy thì sớm dễ bị lạm dụng tình dục hơn.


Ảnh minh họa

Khi nào cần điều trị dậy thì sớm?

Trước khi đi đến quyết định điều trị cho một bệnh nhân dậy thì sớm, thường bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố như tuổi khởi phát, tốc độ dậy thì, tốc độ phát triển chiều cao, dự đoán chiều cao lúc trưởng thành, một số trường hợp đặc biệt sẽ theo dõi tiền sử gia đình, có liên quan đột biến gen hay không...

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về thời điểm lựa chọn để điều trị cho trẻ dậy thì sớm. Một nghiên cứu 2018 đăng trên European Journal of Endocrinology cho rằng, không có bằng chứng cho thấy việc điều trị với hormone GnRH phát huy tác dụng cải thiện chiều cao cho trẻ ở tuổi trưởng thành nếu trẻ dậy thì sớm điều trị sau 7 tuổi.

Tuy nhiên, một nghiên cứu khác vào 2021 đăng trên J Pediatr Endocrinol Metal cho thấy, dù xuất hiện dậy thì sớm sau 7 tuổi và bắt đầu điều trị, thậm chí tuổi xương của em bé trên 12 tuổi thì vẫn cải thiện chiều cao. Tỷ lệ tuổi xương và tuổi thật sau thời gian điều trị ngày càng gần hơn.

Theo Phương Anh/Gia đình Việt Nam