Trẻ 8 tháng tuổi có thể làm quen được với nhiều loại thực phẩm hơn, vì vậy thực đơn ăn dặm của con cũng sẽ phong phú và nhiều chất dinh dưỡng hơn. Mẹ đã biết trẻ 8 tháng ăn được những gì để lên thực đơn hằng ngày cho con chưa?
Đến tháng thứ 8 thì thực đơn ăn dặm của bé cần có những thay đổi so với những tháng trước. Bé càng phát triển, thực đơn >dinh dưỡng của bé vì thế cũng cần thay đổi theo.
Trong sự thay đổi này, có nhiều thực phẩm mẹ cần tập cho bé làm quen dần, song vẫn cần lưu ý những thực phẩm bé chưa nên tập. Trẻ 8 tháng ăn được những gì và không nên ăn gì là chủ đề được nhiều mẹ quan tâm.
Bé 8 tháng tuổi ăn được những gì?
Theo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng thì sữa mẹ vẫn là nguồn thức ăn chính của con trong giai đoạn này, ăn dặm là cần thiết nhưng chỉ đóng vai trò bổ sung chứ không phải nguồn dinh dưỡng chính cho cơ thể của bé.
Trẻ 8 tháng ăn mấy bữa bột 1 ngày là câu hỏi chung của nhiều mẹ. Ở tháng thứ 8, trẻ cần được cung cấp 500ml sữa mẹ hằng ngày hoặc sữa công thức phù hợp với tháng tuổi. Bên cạnh đó bé cần ăn dặm 1 – 2 bữa bột/cháo xay từ loãng đến đặc dần.
Cách nấu ăn dặm cho bé vẫn nên duy trì chế độ ăn cháo bột hoặc xay nhuyễn. Các món ăn từ trái cây, rau củ, và thịt xay nhuyễn vừa dễ nuốt, vừa dễ hấp thụ mà vẫn cung cấp đầy đủ vitamin A, vitamin C, chất xơ, carbohydrate, protein và đạm…
Một số thực phẩm giàu dinh dưỡng cho bé 8 tháng tuổi mẹ có thể thêm chúng vào thực đơn hằng ngày cho bé yêu:
Tinh bột: gạo, bánh mì, pasta (hình sao, hình con sò), bột ăn liền.
Protein và đạm: thịt ức, đùi gà, phi lê bò, cá hồi, đậu hũ, thịt heo, sữa chua, phô mai tươi, các loại họ đậu; lòng đỏ trứng.
Nếu mẹ đang lo lắng không biết bé 8 tháng ăn được cá gì thì nên cho bé làm quen với các loại cá lành tính như cá hồi, cá quả, cá rô phi. Mẹ có thể luộc cá, sau đó dùng tay gỡ thịt cá để có thể loại bỏ được những chiếc xương cá nhỏ nhất có thể gây nguy hiểm cho bé. Cá luộc sẽ giữ được nhiều chất dinh dưỡng nhưng cá chiên hoặc nướng sẽ thơm ngon hơn.
Chất béo: bơ lạt, dầu gấc và phô mai.
Khi nấu cháo cho bé, mẹ lưu ý cho 1 - 2 muỗng cà phê dầu ăn để bé có đủ năng lượng hoạt động và lớn lên.
Chất xơ: cà rốt, cà chua, bông cải xanh, bó xôi, bí ngòi, đỗ, đậu Hà Lan, khoai lang, khoai tây, bí đỏ, hành tây, tỏi tây, củ cải, ớt ngọt các loại.
Vitamin C: cam, chuối, táo, lê, cherry, dưa hấu, xoài, đu đủ, dâu tây, việt quất, bơ,mận, nho, mơ khô.
Khoảng cách giữa các cữ bột và cữ bú mẹ đều nhau để tránh tình trạng trẻ đầy bụng, ngang dạ, ví dụ như: Bú mẹ - ăn bột có vị ngọt - bú mẹ - ăn bột có vị mặn - bú mẹ.
Bé 8 tháng tuổi không nên ăn những gì?
Thực đơn ăn dặm của bé 8 tháng tuổi có thể đa dạng hơn nhưng ngoài tìm hiểu trẻ 8 tháng tuổi ăn được gì thì mẹ cũng lưu ý có những thực phẩm hạn chế và không nên cho bé ăn mà mẹ cần biết.
Không cho trẻ ăn muối và hạn chế đồ ngọt
Không nêm nếm gia vị trong món ăn là lưu ý trong cách nấu ăn dặm cho bé 8 tháng tuổi vì lúc này thận trẻ còn non nên hạn chế để không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ sau này. Vị mặn, ngọt tự nhiên trong thịt, rau củ là đủ dùng mà không hại bé. Tới giai đoạn 9 - 12 tháng, mẹ có thể nên nêm thêm một chút ít gia vị vào.
Cho trẻ ăn nhiều đồ ngọt sẽ gây cảm giác ngang dạ, chán ăn khi vào bữa chính và gây sâu răng khi răng trẻ vừa nhú mọc.
Không nên sử dụng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi
Mật ong chứa lượng đường rất lớn và chứa bào tử của Clostridium botulinum có thể gây ngộ độc, táo bón, hôn mê ở trẻ sơ sinh.
Không nên dùng sữa bò
Sữa mẹ và sữa công thức vẫn là lựa chọn tốt nhất cho trẻ trong 12 tháng đầu đời vì các chất trong sữa bò có thể gây hại đến thận của trẻ.
Các loại hải sản có vỏ
Tôm, cua, sò, ốc… là thực phẩm rất dễ gây dị ứng, vì chỉ nên cho bé ăn sau 1 tuổi. Nếu mẹ muốn cho trẻ ăn nên tham khảo ý kiến bác sỹ trước.
Một số món ăn dặm bổ dưỡng, giúp bé 8 tháng tuổi tăng cân
Dưới đây là gợi ý các món cháo trong trong thực đơn ăn dặm truyền thống của bé 8 tháng tuổi giúp bé đáp ứng nhu cầu phát triển của cơ thể mà mẹ không mất quá nhiều thời gian chế biến.
Cháo thịt bò bông cải
Đây là món cháo luôn nằm trong danh sách các món cháo cho bé 8 tháng tăng cân, bổ dưỡng.
Nguyên liệu:
Thịt bò; Bông cải
Gạo tẻ
Dầu ăn cho trẻ ăn dặm
Cách thực hiện:
Bước 1: Gạo tẻ mẹ vo sạch, sau đó cho vào nồi nước hầm đến khi gạo mềm.
Bước 2: Thịt bò băm nhuyễn, bông cải rửa sạch bào nhuyễn.
Bước 3: Khi cháo mềm, mẹ nên cho bông cải vào trước rồi mới cho thịt bò vào. Chờ đến khi chín thì tắt bếp, thêm một ít dầu ăn.
Cháo cá lóc cà rốt
Trẻ 8 tháng tuổi mẹ có thể cho bé làm quen với các loại hải sản như cá hồi, cá lóc…Mẹ hãy kết hợp cá lóc và cà rốt là có ngay thực đơn cho bé 8 tháng tăng cân.
Nguyên liệu:
30 gam cá lóc
50 gam gạo tẻ
1/2 củ cà rốt
1/2 thìa cà phê dầu ăn
2 củ hành tím
Cách thực hiện:
Bước 1: Cá lóc làm sạch, lọc bỏ xương, chỉ lấy phần phi lê hai bên thân cá rồi đem hấp chín và xé nhỏ. Hành khô bóc vỏ, rửa sạch và băm thật nhuyễn.
Bước 2: Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch và thái hạt lựu nhỏ. Gạo tẻ vo sạch, ngâm với nước khoảng 30 phút cho mềm rồi cho tất cả vào nồi nấu nhừ với lửa nhỏ.
Bước 3: Cho chảo lên bếp, cho 1/2 thìa cà phê dầu ăn vào đun nóng rồi cho hành băm vào phi thơm. Khi hành chuyển sang màu vàng, đổ cá lóc đã xé nhỏ vào xào cùng.
Bước 4: Khi cháo đã chín nhừ, cho cá lóc xào chín vào đun sôi cho chín kỹ rồi tắt bếp. Múc cháo cá lóc cá rốt ra chén, nghiền nát và chờ cháo còn ấm thì mới cho bé ăn.
Cháo thịt heo nấm rơm
Nguyên liệu:
Cháo/ bột gạo: 4 muỗng canh
Nấm rơm, thịt heo
Dầu ăn, nước
Cách thực hiện:
Bước 1: Nấm rơm rửa sạch với nước muối. Luộc chín sau đó băm nhuyễn.
Bước 2: Nên chọn loại thịt heo thăn để nấu cháo cho bé như vậy sẽ ngọt nước và thịt được mềm. Mẹ rửa thịt heo sạch, sau đó băm nhuyễn.
Bước 3: Sau khi nấu cháo chín nhừ, mẹ cho thịt heo băm vào khuấy đều đến khi thịt chín rồi cho nấm rơm vào. Tắt bếp, đợi cháo bớt nóng thì cho ít dầu ăn, khuấy đều và cho bé thưởng thức.
Những thông tin trên đã giúp mẹ giải đáp thắc mắc trẻ 8 tháng tuổi ăn được những gì. Đồng thời cung cấp những kiến thức hữu ích trong việc bổ sung chất dinh dưỡng vào thực đơn, chế độ ăn hằng ngày nhằm giúp bé chóng lớn, khoẻ mạnh.