Thủy đậu là bệnh lành tính, khá phổ biến và có thể xảy ra đối với bất cứ ai. Tuy nhiên, trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Bệnh có thể tự khỏi nhưng cũng có khả năng để lại di chứng về sau này nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách.
Bệnh thủy đậu là gì?
Bệnh thủy đậu (hay còn có tên gọi khác là phỏng rạ, trái rạ) là bệnh truyền nhiễm có nguyên nhân từ virus Varicella Zoster. Bệnh có khả năng bùng phát và lây lan nhanh chóng khi thời tiết ẩm nồm, đặc biệt là vào mùa xuân.
Thủy đậu lây qua đường nào?
Vì bản chất là bệnh truyền nhiễm nên đa phần các trường hợp mắc bệnh đều do bị ảnh hưởng trực tiếp qua đường không khí trong khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện...hoặc tiếp xúc với chất dịch bên trong nốt thủy đậu.
Ngoài ra, việc sử dụng chung khăn mặt, bàn chải đánh răng, quần áo hay ăn uống với người bị bệnh….cũng gián tiếp làm lây truyền bệnh. Thế nên, nếu tiếp xúc với người nhiễm bệnh thì 90% những người chưa từng bị thủy đậu sẽ mắc bệnh. Ngoài ra, chỉ người lần đầu mắc bệnh mới bị lây nhiễm, rất ít khi bị bệnh lần thứ hai.
Triệu chứng của bệnh thủy đậu
Trong 4 giai đoạn của bệnh thủy đậu, các dấu hiệu nhận biết cụ thể như sau:
- Giai đoạn ủ bệnh: Đây là thời gian người bệnh nhiễm virus. Nó kéo dài từ 10-20 ngày. Sẽ khó nhận biết bệnh trong thời điểm này vì không có những dấu hiệu cụ thể, rõ ràng.
- Giai đoạn khởi phát: Đến lúc này, người bệnh đã có những biểu hiện như sốt nhẹ, nhức đầu, cơ thể mệt mỏi, xuất hiện những nốt ban đỏ với đường kính vài milimet trong 24 - 48 giờ đầu.
- Giai đoạn toàn phát: Cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những nốt rạ tròn nhỏ, xuất hiện nhanh trong vòng 12 – 24 giờ, các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước. Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể, số lượng trung bình khoảng 100 – 500 nốt. Trong trường hợp bình thường những mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4 – 5 ngày.
- Giai đoạn hồi phục: Các nốt mụn nước sẽ tự vỡ ra, khô lại và bong vảy sau khoảng 7-10 ngày phát bệnh. Cần chú ý vệ sinh sạch sẽ các nốt thủy đậu để không bị nhiễm trùng. Nên sử dụng các loại thuốc trị sẹo, trị thâm, tránh để lại sẹo rỗ trên da.
Các biến chứng của thủy đậu
Mặc dù thủy đậu sẽ khỏi sau một thời gian phát bệnh. Nhưng nếu không có biện pháp điều trị đúng cách, bệnh cũng sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ như sau:
- Nhiễm trùng tại các nốt mụn nước, gây xuất huyết bên trong: do trẻ nhỏ dùng tay gãi ngứa dẫn đến hiện tượng lở loét các nốt mụn, sau này sẽ để lại các vết sẹo sâu khó trị khỏi.
- Gây viêm não, viêm màng não: xuất hiện các dấu hiệu như bị sốt cao, hôn mê, co giật, rối loạn tri giác, rung giật nhãn cầu. Nếu không chữa trị kịp thời thì rất dễ gây tử vong.
- Gây viêm thận, viêm cầu thận cấp: có thể gây tiểu ra máu và suy thận.
- Gây viêm tai giữa, viêm thanh quản: nguyên nhân là do các nốt mụn thủy đậu mọc ở khu vực này bị lở loét dẫn đến bị nhiễm trùng, sưng tấy.
Cách điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ
Do chưa có thuốc đặc trị nên đối với cách điều trị bệnh thủy đậu chỉ có các loại thuốc và phương pháp hỗ trợ điều trị. Đối với trường hợp bị biến chứng, cần đưa trẻ đến bệnh viện điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Cần chú ý một số điều sau để điều trị thủy đậu được đúng cách và an toàn:
- Chăm sóc trẻ bị thủy đậu tại nhà:
+ Cho trẻ mặc đồ rộng rãi, chất liệu mềm và thấm hút mồ hôi để tránh làm vỡ các nốt mụn nước, không ra gió nhiều.
+ Giữ trẻ không gãi vào các nốt mụn nước thủy đậu, tránh để dịch lây lan ra nhiều hơn bằng cách: cắt móng tay cho trẻ thật sạch sẽ, có thể dùng bao tay vải để bọc tay trẻ.
+ Dùng dung dịch sát khuẩn để vệ sinh sạch sẽ cơ thể cho bé. Sử dụng nước ấm để tắm rửa nhẹ nhàng. Vệ sinh mũi họng cho trẻ hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9 %.
+ Khi cần tiếp xúc người bệnh thủy đậu thì phải đeo khẩu trang.
+ Cách ly trẻ từ 7-10 ngày từ khi phát bệnh đến lúc các nốt mụn nước khô để tránh lây truyền bệnh sang cho người khác. Nên cho trẻ nằm trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời.
+ Bổ sung thêm vitamin C cho trẻ
- Điều trị bằng thuốc:
+ Đối với các nốt mụn thủy đậu đã vỡ, dùng dung dịch xanh Methylen để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ.
Trẻ bị thủy đậu kiêng gì?
Trong lúc bị thủy đậu, việc chú ý đến chế độ ăn uống cũng vô cùng quan trọng giúp cho bệnh sẽ nhanh khỏi và tránh những biến chứng không đáng có. Cần lưu ý tránh ăn những thực phẩm sau:
- Đồ có chứa nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán.
- Các thực phẩm làm từ bơ sữa như: phô mai, kem, sữa, bơ,...Những loại này khi đang bị thủy đậu sẽ làm cho da tiết ra nhiều dầu hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và lan rộng.
- Thức ăn cay, nóng và mặn: dễ gây kích ứng đối với các vết loét trong khoang miệng, khiến bệnh lâu bình phục hơn.
- Trái cây có tính nóng như mận, đào, vải, nhãn…
Cách phòng bệnh thủy đậu cho trẻ
- Để phòng tránh bệnh thủy đậu được hiệu quả và lâu dài, cha mẹ nên cho trẻ đi tiêm chủng vắc xin ngừa thủy đậu. Đây là việc quan trọng, cần đưa trẻ đến các trung tâm tiêm chủng có uy tín để tiêm theo đúng liều lượng và thời gian quy định như sau:
Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi tới 12 tuổi, tiêm 1 liều, liều thứ 2 nên tiêm thêm cách liều thứ nhất 6 tuần trở đi hoặc trong khoảng 4 – 6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh và giảm việc mắc bệnh thuỷ đậu trở lại mặc dù trước đó đã tiêm phòng. Đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tiêm 2 liều cách nhau tốt nhất là sau 6 tuần.
- Ngoài ra, không cho trẻ tiếp xúc với nơi đang có nguồn bệnh, cách ly với những người mắc bệnh thủy đậu để tránh lây nhiễm. Không để trẻ sử dụng chung những đồ dùng cá nhân với người bệnh.
- Cho trẻ ăn đầy đủ các dưỡng chất để nâng cao sức đề kháng, khả năng miễn dịch của cơ thể. Tăng cường ăn các loại thực phẩm tươi, mát, có lợi cho >sức khỏe.
- Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho trẻ.