Có một quan niệm cho rằng trẻ nặng cân hơn khi sinh là dấu hiệu của trẻ thông minh. Và một nghiên cứu gần đây đưa ra quan điểm trẻ sơ sinh nhẹ cân thì lớn lên chỉ số IQ sẽ thấp hơn.
Cân nặng là một trong những yếu tố đầu tiên được ghi lại khi một em bé chào đời. Nó cũng sẽ trở thành điểm tham chiếu đầu tiên để theo dõi diễn biến tăng, giảm cân trong tương lai của bé. Nhờ đó, người ta biết được các mốc phát triển thể chất mà bé đạt được. Mới đây, một nghiên cứu gợi ý rằng, cân nặng khi sinh cũng liên quan tới trí thông minh của trẻ sau này.
Bé nhẹ cân khi sinh có trí thông minh kém khi trưởng thành
Kết quả một cuộc nghiên cứu do các nhà khoa học Đại học Copenhagen, Đan Mạch tiến hành cho thấy, cân nặng dưới mức trung bình của trẻ khi sinh liên quan tới chỉ số IQ thấp hơn sau này.
Nhóm các nhà nghiên cứu nhận thấy, chỉ số IQ của các bé nhẹ cân và các bé có cân nặng đạt chuẩn có sự khác biệt khi trẻ lớn lên. Ngay cả ở những bé sinh ra với cân nặng trong phạm vi bình thường, những trẻ nặng cân hơn vẫn có chỉ số IQ nhỉnh hơn khi trưởng thành.
Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ khoảng 4.700 trẻ sơ sinh tại Copenhagen trong khoảng thời gian 1959-1961. Họ xem xét các thông số khi sinh và số điểm trẻ đạt được trong các bài kiểm tra IQ trẻ tham gia khi 19, 28, 50 tuổi.
Các nhà khoa học cũng phân chia thành các nhóm cân nặng như sau:
- Trẻ nặng dưới 2,5kg - được coi là nhẹ cân.
- Trẻ nặng từ 2,5kg đến 3kg.
- Trẻ nặng từ 3kg đến 3,5kg - được coi là bình thường.
- Trẻ nặng từ 3,5kg đến 4kg.
- Trẻ nặng hơn 4kg - được coi là thừa cân.
Kết quả nghiên cứu đã được đăng tải trên Tạp chí Journal Pediatrics. Theo đó, cân nặng khi sinh có liên hệ mật thiết tới trí thông minh của trẻ trong các bài kiểm tra IQ thực hiện năm 19, 28 và 50 tuổi. Mối liên hệ này vẫn đúng sau khi nhóm khoa học xem xét các yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới trí thông minh.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu khác, cân nặng dưới mức trung bình khi sinh không phải là lời lý giải đủ sức thuyết phục hoàn toàn cho mối liên hệ trên. Đó là bởi họ quan sát thấy mối liên hệ tương tự ở những trẻ sơ sinh chào đời với cân nặng khỏe mạnh.
Hơn nữa, thử nghiệm không được phát triển một cách chi tiết, đặc biệt để xác nhận liệu cân nặng khi sinh dưới mức trung bình có trực tiếp dẫn tới điểm IQ thấp hơn hay liệu những trẻ nặng cân hơn có thực sự thông minh hơn.
Nghiên cứu trên cũng không xem xét các yếu tố khả thi khác có thể ảnh hưởng tới trí thông minh của trẻ, ví dụ: môi trường gia đình, mức độ stress của người mẹ, mức độ thông minh của cha mẹ... Tất cả những yếu tố trên đều có thể tác động tới chỉ số IQ của trẻ trong tương lai.
Theo Tiến sĩ Susan Shenkin, Đại học Edinburgh, người không nằm trong nhóm thực hiện nghiên cứu, cho rằng cha mẹ không cần quá lo lắng trước kết quả này. Trên thực tế, Tiến sĩ Shenkin cho biết, người ta không chú ý nhiều tới sự chăm sóc của cha mẹ - vốn có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ sơ sinh trong nghiên cứu trên khi chúng trưởng thành. Sự chăm sóc của cha mẹ trong những năm trước đây so với ngày nay sẽ khác nhau, và điều đó đều ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Các biện pháp chăm sóc dành cho trẻ sơ sinh nhẹ cân
Nếu bé bị nhẹ cân trầm trọng, các biện pháp có thể được gợi ý, bao gồm:
- Đưa trẻ vào phòng chăm sóc sơ sinh đặc biệt (NICU).
- Cho trẻ nằm trên giường với nhiệt độ phù hợp, có thể điều chỉnh được.
- Tến hành các phương pháp đặc biệt cho trẻ ăn, ví dụ qua ống nối trực tiếp vào dạ dày bé (nếu trẻ không thể bú) hay sử dụng tiêm qua đường tĩnh mạch.
Một số gợi ý dành cho các bà mẹ có con nhẹ cân khi sinh
Bí quyết số 1: Cách cho bé ăn có ý nghĩa quan trọng
Cho bé bú mẹ hay dùng sữa công thức? Có vài điều bạn cần biết về cả hai lựa chọn này trong vấn đề nhẹ cân của trẻ.
Trẻ dùng sữa công thức có nhiều khả năng tăng cân nhanh hơn so với trẻ bú mẹ hoàn toàn. Trên thực tế, có thể xảy ra trường hợp trẻ dùng sữa công thức tăng quá nhiều cân. Rốt cuộc, sữa công thức đậm đặc hơn sữa mẹ và cha mẹ thường mong đợi con mình có thể bú hết cả bình.
Tiến sĩ Jack Newman là một chuyên gia sữa mẹ và bác sĩ nhi nổi tiếng. Ông cho biết, tăng cân quá nhiều không phải vấn đề đáng lo ngại ở trẻ bú mẹ bởi trẻ có thể ngừng bú khi no so với trường hợp trẻ bú bình. Do đó, trẻ có thể tự điều chỉnh lượng sữa mình uống.
Bí quyết số 2: Kiểm tra những chiếc bỉm mà con dùng
Trong 3 ngày đầu tiên sau sinh, bé sẽ đi phân su màu đen. Trước ngày thứ 3 hoặc thứ 4, phân sẽ mềm hơn và chuyển màu vàng (nếu bé bú mẹ) hoặc rắn hơn và sậm màu hơn (nếu bé bú sữa công thức). Nếu bạn không phát hiện ra những thay đổi này, các chuyên gia cho biết, con bạn có thể không hấp thụ đủ sữa.
Một dấu hiệu cảnh báo khác về tình trạng bé chưa bú đủ là bé không tè ướt bỉm đủ mỗi ngày. Nhìn chung, bé sơ sinh 2 ngày tuổi sẽ làm ướt 2-3 chiếc bỉm/ngày. Tuy nhiên, trước khi được 7 ngày tuổi, bé nên làm ướt tầm 6-8 bỉm. Nếu bạn lo ngại con vẫn chưa tè đủ vào bỉm hoặc phát hiện có dấu hiệu bất thường với phân của bé, hãy lập tức liên hệ với bác sĩ nhi khoa.