Nấc cụt là hiện tượng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh vì thế bố mẹ không cần quá lo lắng. Nếu biết xử lý đúng cách, bố mẹ có thể làm dịu cơn nấc của bé nhanh chóng.
Hiện tượng trẻ sơ sinh hay bị nấc khiến nhiều bố mẹ khá bối rối không biết bé có bị bệnh gì nghiêm trọng không? Tuy nhiên, nấc cụt là hiện tượng sinh lý bình thường ở bé sơ sinh nên bố mẹ không cần quá lo lắng. Nấc cụt thường không khiến bé sơ sinh khó chịu như ở người lớn.
Dưới đây là chi tiết nguyên nhân cũng như cách xử lý khi trẻ sơ sinh hay bị nấc:
DẤU HIỆU
Ngay từ khi trong bào thai bé đã có thể bị nấc vì đó là một phản xạ tự nhiên của thần kinh để vận hành hệ hô hấp của bé. Sau khi sinh, đặc biệt trong ba tháng đầu đời bé sẽ hay bị nấc. Hiện tượng này sẽ giảm dần khi bé được một tuổi.
Nấc cụt thường xảy ra sau khi bé vừa bú sữa, thay đổi nhiệt độ bất ngờ, bé bị nóng, bị lạnh hoặc thay đổi tư thế. Nấc cụt có thể kéo dài vài phút và xảy ra vài lần trong ngày.
NGUYÊN NHÂN KHIẾN TRẺ SƠ SINH HAY BỊ NẤC
Nấc cụt ở trẻ sơ sinh có thể do các nguyên nhân phổ biến sau:
- Trào ngược dạ dày thực quản
Bé sơ sinh có cơ vòng thực quản dưới thấp, nằm giữa thực quản và dạ dày nên sẽ ngăn cản sự di chuyển của thực ăn. Dòng chảy ngược của thức ăn và axit có thể kích thích các tế bào thần kinh gây ra sự rung động trong cơ hoành, dẫn đến nấc cụt.
- Ăn nó quá mức
Khi bé bú no, dạ dày của bé sẽ giãn ra khiến cho cơ hoành co thắt khiến bé bị nấc.
- Nuốt nhiều không khí
Khi bé bú bình và bú quá nhanh bé có thể nuốt vào nhiều không khí. Điều này cũng khiến dạ dày giãn nở đột ngột ảnh hưởng đến cơ hoành gây ra nấc cụt.
- Dị ứng
Bé có thể dị ứng với một số protein trong sữa gây viêm thực quản dẫn đến nấc.
- Không khí ô nhiễm
Các chất kích thích trong không khí có thể khiến bé bị ho. Ho nhiều cũng gây áp lực lên cơ hoành khiến nó cơ thắt đột ngột gây ra nấc cụt.
- Giảm nhiệt độ đột ngột
Đôi khi sự thay đổi nhiệt độ cũng khiến cơ hoành bị ảnh hưởng khiến bé bị nấc.
XỬ TRÍ KHI TRẺ SƠ SINH HAY BỊ NẤC
Thông thường các cơn nấc sẽ tự qua đi. Tuy nhiên nếu bố mẹ muốn bé hết nấc nhanh chóng có thể thử các cách sau đây:
- Ợ hơi
Khi bé bị nấc, bố mẹ có thể giúp bé ợ hơi để giảm nấc. Mẹ có thể dùng bàn tay vỗ nhẹ vào lưng bé để giúp bé ợ hơi và tránh trào ngược dạ dày. Mẹ nên vỗ dứt khoát và nhẹ nhàng.
- Massage lưng
Massage lưng nhẹ nhàng có thể giúp bé hết nấc. Mẹ bế bé đứng thẳng, sau đó dùng bàn tay massge nhẹ nhàng từ dưới lưng của bé lên hết vai. Nó có thể mất vài phút để đạt được hiệu quả.
- Thay đổi tư thế bú
Đôi khi việc bé bú bình quá nhanh khiến bé nuốt nhiều không khí dẫn đến nấc cụt. Vì vậy mẹ có thể hạn chế tốc độ bú của bé cho vừa phải để giảm nấc. Sau khi bé bú no không nên cho bé vận động mạnh.
Theo PGS. TS Đinh Thị Phương Hòa (Khoa Nhi - Bộ Y tế) cho biết trên báo Sức khỏe và Đời sống, một số bà mẹ có kinh nghiệm là ấn vào 2 bên bờ sườn dưới khi bị bé nấc cũng có thể làm giảm bớt tình trạng này nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả.
Tuy nhiên, có một số ít trường hợp nấc là do bệnh lý và thường có các dấu hiệu khác kèm theo như hay nôn trớ, sặc... Vì vậy nếu hiện tượng nấc ở con em xẩy ra thường xuyên và nhiều hơn, em nên cho con đến khám ở các cơ sở y tế để xác định nguyên nhân và có những lời khuyên phù hợp hơn.