Thời gian gần đây, nhiệt độ tại một số địa phương trên cả nước tăng cao, nhiều trẻ em, người lớn, đặc biệt là trẻ sơ sinh, bị rôm sảy khắp người, gây khó chịu và ngứa ngáy.
Theo Bác sĩ Đỗ Mạnh Quang, Khoa Sơ sinh, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, rôm sảy là tình trạng phát ban nhiệt thường xuất hiện ở trẻ khi thời tiết oi bức. Những vùng nổi rôm sảy khiến trẻ cảm thấy >ngứa ngáy, châm chích, khó chịu, ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày: gây mất ngủ, ăn kém và >quấy khóc ở trẻ. Trường hợp trẻ gãi nhiều sẽ gây đau rát, tổn thương da dẫn đến nhiễm trùng và tụ mủ.
Nguyên nhân chính xuất hiện rôm sảy ở trẻ sơ sinh là do cơ thể chưa thể kiểm soát tốt nhiệt độ như người lớn. Các tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn và biểu hiện thành những đốm phát ban trên da. Các vùng rôm sảy có đường kính khoảng 2 - 4mm. Phát ban thường có màu đỏ, đôi chỗ có nốt mụn nhỏ chứa dịch. rôm sảy có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể, tập trung tại các khu vực có nhiều vị trí có nhiều tuyến mồ hôi như ở trán, cổ, vai, ngực…
Để ngăn ngừa và điều trị tình trạng rôm sảy ngay tại nhà, bác sĩ Mạnh Quang lưu ý ba mẹ cố gắng giữ cho da của trẻ mát mẻ, khô ráo, tránh cho trẻ mặc nhiều lớp làm cản trở khả năng cân bằng nhiệt:
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, có chất liệu cotton, thấm hút tốt.
- Không mặc bỉm, quấn tã quá chật và nên thay bỉm thường xuyên, tránh tình trạng để bỉm quá nặng.
- Sử dụng đệm ngủ có chất liệu nhẹ, mát, thấm hút tốt.
- Cho trẻ bú nhiều.
Theo BS Dũng, rôm sảy là một hiện tượng lành tính nhưng có thể khiến trẻ quấy khóc, bỏ ăn, mất ngủ, ảnh hướng tới nhịp sinh hoạt của cả gia đình. Để làm dịu cảm giác ngứa ngáy, châm chích trên da trẻ, ba mẹ nên sử dụng khăn ẩm để chườm mát trên da. Gãi mạnh trên vùng da bị phát ban có thể gây tổn thương da hoặc làm lan rộng vùng rôm sảy, ba mẹ có thể vỗ nhẹ hoặc xoa vào vùng bị rôm sảy để giúp bé bớt cảm giác ngứa.