Dĩ nhiên, chẳng có bậc cha mẹ nào muốn la hét, mắng mỏ con cái. Tuy vậy, không phải ai cũng biết cách để có thể dễ dàng uốn nắn, bảo ban con.
Việc đầu tiên cha mẹ cần nhớ mỗi khi phải đối diện với cơn thịnh nộ của chính bản thân mình, đó là hãy lấy một hơi thở thật sâu. Vì nếu như bạn mất kiểm soát quát mắng con thì cảm giác mà cả bạn và bé phải trải qua đều không hề dễ dàng.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên lưu ý ba điều tối quan trọng như sau:
- Cha mẹ sẽ kiệt sức vì phản ứng tức giận với con và năng lượng của cha mẹ sẽ cạn kiệt nhanh hơn nhiều so với việc chủ động nuôi >dạy con.
- Cha mẹ sẽ không bao giờ hiểu được căn nguyên của những hành vi sai trái mà con gây ra nếu như chỉ tập trung vào việc ngăn chặn ngay lập tức hành vi này.
- Nếu chỉ phản ứng nhất thời, cha mẹ nhiều khả năng sẽ la hét con cái nên mỗi bậc phụ huynh cần trang bị những “công cụ” dạy con hiệu quả.
Phương pháp đầu tiên mà các bậc cha mẹ có thể tham khảo là dành thời gian cho tâm trí, cơ thể và tâm hồn. Mỗi phụ huynh nên dành ra 10 -15 phút mỗi ngày để “mặt đối mặt” với con.
Bạn nên để cho con tự lựa chọn thú vui như hát bài hát yêu thích, nhảy ngẫu hứng hay đơn giản chỉ là đọc một cuốn sách con thích.
Nên nhớ rằng, dành thời gian cho con cũng là cách để bạn “phòng ngừa” những thói hư của con trong tương lai. Đồng thời, cha mẹ càng gắn bó với con cái thì việc cáu gắt càng được hạn chế.
Phương pháp thứ hai “đặc trị” cho con là cha mẹ nên đặt ra hành vi - hậu quả thật rõ ràng. Khi bé biết được nếu nghịch hư sẽ bị cha mẹ phạt như thế nào, thời gian phạt trong bao lâu thì bé sẽ chú ý hơn. Ngoài ra, nếu bé thực sự vi phạm, bạn cũng cần thật bình tĩnh và kiên quyết phạt bé theo đúng thỏa thuận.
Phương pháp thứ ba là cha mẹ nên kết nối với con. Thay vì la mắng, bạn nên thể hiện bạn và con “cùng hội cùng thuyền”. Hãy tìm hiểu tại sao con làm vậy, cảm xúc, mong muốn của con là gì và dạy con cách chấp nhận những chuyện không thể như ý muốn.
Cuối cùng, các bậc phụ huynh nên cố gắng nhỏ giọng với con. Khi thất vọng, trẻ thường có xu hướng mè nheo cao giọng nhưng nếu cha mẹ thấp giọng thì trẻ sẽ phải im lặng để lắng nghe bạn. Thậm chí, nhỏ giọng nói thầm còn giúp giảm nhịp tim, nguôi ngoai cơn tức giận và khuyến khích cả bạn và bé lắng nghe đối phương.