Đừng đợi đến khi có việc phải xa con mới tập trẻ bú bình, hãy dắt túi kinh nghiệm tập cho trẻ bú bình ngay khi có thể để trẻ bú tốt, mẹ yên tâm.
Làm mẹ là điều thiêng liêng nhưng cũng đi kèm nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Mỗi chặng đường trẻ lớn khôn là mẹ lại có thêm nhiều kinh nghiệm để hiểu và chăm con tốt hơn, nhất là với những chị em sinh con đầu lòng.
Riêng việc cho bé bú, bên cạnh kĩ năng tập bé bú mẹ, nắm được kinh nghiệm tập cho trẻ bú bình sẽ giúp mẹ đảm bảo con bú tốt, không bị đói lúc mẹ đi ra ngoài hoặc khi bắt đầu đi làm lại.
Theo các chuyên gia và kinh nghiệm của mẹ bỉm sữa, trừ trường hợp mẹ mất sữa, không thể cho con bú thì trong 6 tuần đầu tiên sau khi sinh, mẹ hãy cho trẻ bú mẹ hoàn toàn. Sau 6 tuần đầu, mẹ có thể tập trẻ bú bình dần dần hoặc tốt nhất là khoảng 1- 2 tháng trước khi mẹ đi làm lại.
Lý do không nên cho trẻ bú bình quá sớm vì giữa bú bình và bú mẹ có sự khác nhau. Bú mẹ đòi hỏi trẻ phải há miệng to hơn, cơ hàm và các cơ trên khuôn mặt hoạt động liên tục để mút sữa. Điều này kích thích khả năng ngôn ngữ và tư duy ở trẻ phát triển sớm hơn.
Còn khi bú bình, trẻ không cần mút mạnh, sữa có thể chảy xuống khi mẹ đưa bình lên cao và dốc ngược bình. Trẻ không cần suy nghĩ, không cần hoạt động cơ hàm nên không tốt cho sự phát triển về sau.
Nếu tập trẻ bú bình quá muộn, trẻ không kịp thích nghi hoặc đã quá quen với việc bú mẹ nên không chịu bú bình.
Do đó, hãy lựa chọn thời điểm thích hợp cho cả mẹ và bé để tập cho bé bú bình nhanh nhất.
Bước 1: Chuẩn bị
Khi đã lựa chọn thời điểm thích hợp để bắt đầu tập trẻ bú bình, mẹ cần chuẩn bị tốt nguồn sữa và các dụng cụ cho trẻ bú bình.
Nguồn sữa tốt nhất chính là sữa mẹ vắt ra bình cho con bú. Sữa mẹ có thể vắt ra trữ đông cho trẻ dùng dần. Nếu sữa mẹ không đủ thì lúc đấy dùng thêm sữa công thức bên ngoài.
Bình sữa có thể chọn bình thủy tinh hoặc bình nhựa không BPA an toàn cho trẻ. Nên chọn những bình nhỏ thể tích từ 30ml đến 60 ml cho những lần đầu tập trẻ bú bình.
Nên chọn núm vú phù hợp với từng trẻ. Vì có nhiều loại núm vú như silicon hay cao su nên mẹ có thể thử và chọn ra loại nào phù hợp nhất với con mình.
Vì đang trong quá trình tập bé làm quen với bú bình nên tốt nhất hãy chọn núm vú bú chậm để phòng ngừa trẻ bị sặc sữa. Khi trẻ đã quen dần hơn thì chọn núm vú ra sữa nhanh cho phù hợp.
Ngoài ra, mẹ còn trang bị thêm kiến thức, tích lũy kinh nghiệm cách tập cho bé vừa bú bình vừa bú mẹ để bé chịu bú bình mà vẫn không quên bú mẹ.
Có thể nhờ chồng hoặc người khác tập cho bé bú bình trong những lần đầu để tránh trường hợp bé biết mẹ ở bên cạnh nên từ chối bú bình.
Bước 2: Thực hành
Để trẻ bắt đầu làm quen và chịu bú bình, hãy đợi lúc trẻ hơi đói và đưa núm vú vào miệng trẻ từ từ.
Giữ trẻ hơi nằm ngửa và bế xoay ra ngoài. Lúc này mẹ nên giữ bình sữa nằm ngang cho trẻ cảm nhận rồi mới xoay dần bình sữa thẳng đứng cho trẻ há miệng ra và mút sữa.
Nên nhẹ nhàng nâng đầu trẻ cao hơn so với phần còn lại của cơ thể. Bình sữa nên được cầm chếch một góc 45 độ so với miệng của trẻ để núm sữa luôn đầy và hạn chế trẻ nuốt không khí vào trong.
Nếu trẻ bị ho, sặc sữa hoặc la khóc, hãy tạm dừng cho trẻ bình tĩnh lại. Không cần vội hoặc xót con mà cho trẻ bú mẹ liền. Trong những ngày đầu có thể cho trẻ bú bình 1-2 lần cho quen nhưng sau đó phải tăng tần suất cho đến khi trẻ bú bình thành công.
Có thể thực hành cách tập bé bú bình ban đêm, vì lúc này bé đói và khó nhìn rõ núm sữa. Mỗi lần làm quen một chút thì bé sẽ dần dần thích bú bình hơn. Hoặc cho bé bú mẹ một bên rồi khi chuyển qua bên kia thì đưa bình sữa vào cho bé mút sữa.
Bước 3: Kiên nhẫn tập trẻ bú bình
Đối với nhiều trẻ, ngay cả bú mẹ cũng cần thời gian để tập làm quen nên bú bình là một kỹ năng mới với trẻ. Không phải đứa trẻ nào cũng thích bú bình từ những tuần đầu tiên.
Tập cho trẻ bú bình là một quá trình. Nếu có đủ thời gian làm quen và thực hành, hầu hết trẻ đều bú bình tốt nên mẹ hãy thoải mái và kiên nhẫn cùng con tập bú bình.
Theo kinh nghiệm tập cho trẻ bú bình, việc kiểm tra sữa và dụng cụ cho bú đảm bảo vệ sinh, tiệt trùng cẩn thận là vô cùng cần thiết.
Nếu núm vú không còn tốt thì cần thay ngay núm vú khác trước khi cho trẻ bú bình. Sữa mẹ vắt ra thì cần được bảo quản đúng cách, không bị hỏng còn sữa công thức thì pha đúng liều lượng theo hướng dẫn.
Hãy luôn kiểm tra nhiệt độ sữa trước khi cho trẻ bú. Có thể lắc đều bình sữa rồi nhỏ vài giọt lên mu bàn tay mẹ để thử độ nóng. Nhiệt độ tốt nhất nên cho bé bú bình là bằng với nhiệt độ phòng.
Nếu trẻ thích sữa ấm, nên ngâm bình sữa trong nước nóng. Chú ý hâm sữa đúng cách và tránh xa lò vi sóng để đảm bảo >sức khỏe cho con.
Tùy vào sở thích của trẻ mà mẹ có thể làm ấm núm vú hoặc bôi một lớp sữa mẹ bên ngoài để hấp dẫn con chịu bú bình.
Bên cạnh đó, kiểm tra tốc độ dòng chảy của bình sữa bằng cách dốc ngược bình cũng rất quan trọng. Hãy luôn quan sát xem tốc độ chảy như thế có quá nhanh, quá nhiều với con hay không để có sự điều chỉnh kịp thời.
Mỗi trẻ có nhu cầu khác nhau nên liều lượng sữa khi bú bình sẽ khác nhau. Thông thường, mẹ có thể bắt đầu với khoảng 50ml sữa rồi quan sát nhu cầu của trẻ.
Nếu một lần bú bình mà trẻ bú không hết thì tốt nhất nên bỏ đi nếu quá thời gian đảm bảo an toàn. Hạn chế ép trẻ bú hết sữa trong bình sẽ làm trẻ căng thẳng hoặc sợ bú bình.
Môi trường xung quanh cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sự chú ý của trẻ khi bú bình. Đôi khi các hình ảnh, âm thanh sẽ giúp bé quên là đang ngậm bình sữa và mút sữa ngon lành.
Khi bé đã quen dần, hãy linh hoạt và chủ động tập cho bé bú bình lúc thức. Chịu khó và kiên nhẫn tập cho trẻ bú bình bằng cách thử lại sau vài phút bé từ chối. Đừng vì bé quấy khóc những lần đầu mà cho bé bú mẹ ngay lập tức, như vậy bé sẽ không chịu tập bú bình sớm.
Tuy nhiên, dù tập con bú bình thành công, mẹ vẫn phải duy trì sữa mẹ và cho con bú trực tiếp mỗi khi gần con để con không quên bú mẹ, đồng thời, tăng cường sự gần gũi, kết nối với con.
Như vậy, trong những năm tháng đầu đời của trẻ, trẻ sẽ cần làm quen với rất nhiều thứ và tập bú bình là một trong những điều đó. Tuy không khó nhưng tập bú bình cần có thời gian và sự đồng hành của mẹ để trẻ bú tốt.
Hãy tích lũy kinh nghiệm tập cho trẻ bú bình để khi mẹ ra ngoài hoặc đi làm, cả mẹ và con đều thoải mái. Con sẽ bú tốt, phát triển khỏe mạnh trong khi mẹ vẫn yên tâm với các hoạt động của mình mỗi ngày.