Theo thống kê của Bệnh viện Nhi trung ương, vào dịp Tết nguyên đán các ca tai nạn ở trẻ em thường tăng cao nhất là tai nạn thương tích trong sinh hoạt.
Mất tết vì tai nạn
Chị Hoàng Thị Hương (Bắc Giang) vẫn không thể nào quên Tết năm ngoái cả gia đình mất Tết. Khi vào đúng 29 Tết, con chị bị tai nạn do trèo xuống gác xép bị ngã gây chấn thương sọ não.
Chị Hương kể, chiều 29 Tết cả nhà dọn nhà, con gái 3 tuổi cũng nhanh nhẹn theo cha mẹ dọn dẹp nhà cửa. Lúc gia đình không để ý, cháu đã trèo lên thang để lên kho trong gác xép. Ngay sau đó, cháu đã ngã xuống khoảng cách 2 mét. Ngay sau khi ngã, cháu bé bị nôn ói, bầm ở đầu và gia đình đưa lên bệnh viện tỉnh cấp cứu. Cháu bị chấn thương sọ não nặng và cả gia đình phải ở bệnh viện đón Tết.
Cũng tương tự, trường hợp của cháu Đỗ Minh Phúc (3 tuổi, quê Gia Lâm, Hà Nội). Người nhà kể ngày Tết các cháu nô đùa. Anh họ 6 tuổi đưa cho chiếc đũa để chơi. Không may Phúc ngã, đũa cắm vào miệng gây tổn thương ở vùng cổ. May mắn, Phúc được cấp cứu kịp thời.
Hay trường hợp của bé Đào Đức Minh Công (4 tuổi, Hà Nội). Công được ba mẹ cho về quê ăn Tết. Khi cả nhà vớt bánh chưng luộc, Công ra nghịch. Vô tình cháu bị ngã vào chậu nước nóng từ nồi luộc bánh chưng ra gây bỏng vùng bụng, đùi. Cả Tết, gia đình Công ăn Tết trong bệnh viện.
Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội), chia sẻ ngày Tết tai nạn thương tích ở vùng mắt của trẻ tăng đột biến đặc biệt là tai nạn do vật sắc nhọn đâm vào mắt. Bên cạnh đó, những tai nạn như trượt sàn nhà, ngã khi mở tủ, sàn nhà trơn ướt gây ngã và chấn thương cho mắt nhiều hơn bạn tưởng tượng.
Trong khi đó, ngã là nguyên nhân hàng đầu gây chấn thương mắt tại Mỹ trong đầu thập niên vừa qua. Vì vậy, hãy đảm bảo một môi trường an toàn khô ráo trước thềm nhà tắm, trong phòng bếp hay trên sàn nhà cho cả người già và trẻ em.
Những tai nạn hay gặp trong dịp Tết
Bác sĩ Nguyễn Hồng Phong, nguyên bác sĩ bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chia sẻ các tai nạn có thể xảy ra ngày tết rất nhiều. Do đó, vào dịp Tết các gia đình phải cảnh giác với các tai nạn này.
Bác sĩ Phong kể, những năm đi trực Tết, bác sĩ thường trực tết và gặp phải nhiều ca bệnh em bé bị tai nạn thời điểm này.
Theo đó, ngày Tết hay gặp nhất là các ca tai nạn do bỏng. Các bé thường bị bỏng nước sôi là nhiều nhất. Các gia đình đun nấu, ăn uống liên hoan ngày tết. Nhiều trẻ bị bỏng vì lao vào nồi lẩu khi cả nhà đang ăn trong dịp Tết.
Những trường hợp này, bác sĩ Phong cho biết rất thương tâm. Chính vì thế, dịp Tết cha mẹ nên đề phòng tai nạn bỏng cho trẻ. Lúc nào cũng phải cảnh giác cao độ. Khi tết các con rất vui mừng và hiếu động, chạy nhảy. Bất kể hoàn cảnh nào cũng không được chủ quan.
Tai nạn hay gặp nữa đó là trẻ bị sặc. Ngày Tết kẹo bánh nhiều cũng như các loại hạt, thạch nhiều cũng là nguy cơ rất lớn với trẻ nhỏ.
Thường các con đang chơi, ngậm kẹo hoặc ăn các loại hạt, loại quả tròn, nhỏ, cười đùa với nhau là có thể bị ngay. Bác sĩ Phong nhấn mạnh tất cả các em nhỏ không nên ăn các loại hạt tròn, nhỏ. Vì nguy cơ hóc dị vật xảy bất cứ lúc nào. Các phụ huynh không nên chủ quan, hãy dặn con cẩn thận.
Đối với tai nạn chấn thương, theo bác sĩ Phong do các con chơi ngã, vấp phải bàn ghế, kẹt tay, kẹt chân vào cầu thang khi đi thăm người thân ở chung cư, đi xe máy bị ngã... Cách tốt nhất là nhà có trẻ nhỏ nên để đồ cẩn thận, đi lại bằng xe máy nên đeo địu, đai an toàn cho trẻ.
Ngày Tết, một thực trạng đáng lo ngại nữa là an toàn thực phẩm. Bác sĩ Phong khuyến cáo nên sử dụng thức ăn trong vòng 2 giờ. Tốt nhất là ăn ngay khi còn nóng. Nếu để quá 2 giờ, cần bảo quản lạnh và hâm lại trước khi ăn. Loại bỏ các thức ăn dư thừa bởi đây là nguyên nhân thường gặp nhất của ngộ độc thức ăn.
Bên cạnh đó, nên rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.