Cha mẹ không nên chủ quan với bệnh sốt siêu vi ở trẻ em vì bệnh diễn biến nhanh, nếu không chăm sóc và điều trị đúng cách có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Sốt siêu vi là thuật ngữ dùng để chỉ các loại sốt do siêu vi trùng gây ra. Khi bị bệnh, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên nhanh chóng. Đây là bệnh rất phổ biến ở trẻ em. Không phải trường hợp nào bé bị sốt siêu vi đều có thể tìm ra nguyên nhân. Đa phần khi >trẻ bị sốt siêu vi sẽ được điều trị thông qua các triệu chứng lâm sàng.
Dấu hiệu sốt siêu vi thường gặp
1. Sốt cao
Đây là biểu hiện thường gặp nhất ở bệnh sốt siêu vi, thường từ 38-39 độ C, thậm chí lên đến 40-41 độ C, kèm theo đói là tay chân lạnh, run lẩy bẩy, cảm giác nóng, lạnh và đôi khi người bị co giật.
2. Đau đầu
Những triệu chứng thường gặp nhất khi đau đầu do sốt siêu vi:
- Đầu óc quay cuồng, chao đảo, đau hoặc nhức dữ dội.
- Huyệt Thái dương đập rất mạnh, có thể cảm nhận được bằng tay.
- Người đau đầu có xu hướng nhắm nghiền mắt, nằm co lại, li bì và choáng váng, nhìn khuôn mặt như bị phù nề, mắt sưng húp.
- Đối với trẻ em bị đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, ở nhiều trường hợp có thể chảy mủ tai, hoặc tai có nhầy và ngứa hơn bình thường.
3. Viêm đường hô hấp
- Kèm theo với sốt cao và nhức đầu thì xuất hiện thêm các biểu hiện về viêm đường hô hấp như cổ họng đau, sưng đỏ, tấy, rát họng, ho, chảy nước mũi, hắt hơi, sổ mũi.
- Khó thở, trẻ thở nhanh hoặc thở nông.
4. Viêm kết mạc mắt
Dấu hiệu: đỏ mắt, mắt có rỉ, chảy nước mắt, mắt nhìn lờ đờ.
5. Nôn trớ
- Trẻ nôn nhiều, thường diễn ra sau bữa ăn.
- Bệnh ở người lớn cũng có thể nôn mửa.
6. Phát ban
- Cơ thể xuất hiện các nốt mẩn, ban đỏ, mắt đỏ sau từ 2 – 3 ngày sốt (lúc xuất hiện ban đỏ trẻ đã bớt sốt do đã qua thời kỳ ủ bệnh và bước vào giai đoạn phát bệnh).
7. Đau nhức mình mẩy
- Trẻ lớn sẽ đau cơ bắp, trẻ kêu đau khắp mình mẩy.
- Trẻ sơ sinh hoặc trẻ chưa biết nói sẽ quấy khóc.
- Người lớn cũng có triệu chứng này và cảm nhận rất rõ.
8. Rối loạn tiêu hóa
Xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây bệnh là do virus đường tiêu hóa. Cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt, đặc điểm là đại tiện phân lỏng, không có máu hay chất nhầy.
Ở một số trẻ có thể xuất hiện đi ngoài ra máu, phân đen.
9. Viêm hạch
Xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em, viêm hạch vùng đầu, mặt, cổ sưng to có thể sờ thấy, đau.
Những biến chứng nguy hiểm của sốt siêu vi ở trẻ em
Trẻ bị sốt siêu vi thường sẽ khỏi sau từ 5-7 ngày điều trị. Nhưng nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, bệnh cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như sau:
- Viêm phổi: đây là biến chứng thường gặp, tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp cấp nặng này sẽ gây tổn thương nhu mô phổi dẫn đến suy hô hấp do rối loạn trao đổi khí. Nó là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong các bệnh về đường hô hấp ở trẻ em.
- Viêm tiểu phế quản: biến chứng này hay gặp ở trẻ dưới 1 tuổi, có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề. Khi mắc bệnh, các phế quản nhỏ này bị viêm, sưng phù, tiết nhiều dịch làm cho đường thở của trẻ bị chít hẹp, thậm chí tắc nghẽn.
- Viêm thanh quản: khi bị nhiễm trùng thanh quản, trẻ thường ho sặc sụa. Nó làm cho đường hô hấp bị viêm và sưng lên, có đờm ở họng và mũi, gây khó khăn cho việc hít và thở.
- Viêm cơ tim: đây là tình trạng các tế bào cơ tim bị viêm, có thể cục bộ hoặc lan tỏa do tác nhân nhiễm trùng (virus, vi khuẩn, nấm…) hoặc tác nhân không nhiễm trùng. Nếu trẻ đã hết sốt mà vẫn trong trạng thái mệt, lịm đi, không đùa nghịch và bỏ ăn thì bố mẹ cần phải hết sức chú ý. Viêm cơ tim có thể làm ảnh hưởng đến bộ máy phát nhịp, gây suy tim cấp thậm chí sốc tim.
- Biến chứng ở não: trong trường hợp bé bị co giật, hôn mê thì có thể để lại những di chứng hết sức nặng nề ở não, vô cùng nguy hiểm.
Cách >chăm sóc trẻ bị sốt siêu vi
Các bậc cha mẹ không nên cho rằng sốt siêu vi ở trẻ em là đơn giản. Nếu bé không được chăm sóc tốt và đúng cách thì có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như đã nêu ở trên. Phụ huynh cần chú ý thực hiện theo như sau:
Cung cấp đầy đủ nước
Vì bị sốt nên trẻ sẽ mất nước khá nhiều. Đối với bé còn đang bú mẹ thì nên cho trẻ bú thường xuyên hơn. Nếu cần thiết, có thể xin ý kiến tư vấn của bác sĩ để dùng dung dịch bù điện giải (Oresol, Hydrite) giúp cho bé bổ sung lượng nước đã mất.
Cho bé ăn các thực phẩm phù hợp
Nếu trẻ trên 6 tháng tuổi thì đã có thể ăn được thức ăn mềm và lỏng như súp, bột. Lúc nào bé khỏe hơn thì cho ăn các thức ăn đặc như rau quả nghiền hoặc cháo. Dưới đây là những thực phẩm mà trẻ nên được bổ sung trong giai đoạn này:
- Thực phẩm giàu nước: Nước giúp loại bỏ đi những chất độc và virus ra khỏi cơ thể nên ngoài nước lọc, cha mẹ nên cho bé uống đủ nước từ nước trái cây tươi, trà ấm, cháo loãng, súp gà….Lưu ý là chỉ nên nêm gia vị nhạt hoặc vừa miệng với khẩu vị của trẻ.
- Trái cây tươi: Trẻ cần được ăn các loại trái cây giàu vitamin C, nhiều chất chống oxy hóa và tốt cho hệ miễn dịch như: cam, quýt, bưởi, dâu tây, dưa hấu, dứa, kiwi... Đặc biệt là các loại quả thuộc họ cam, quýt có thể giúp giảm tình trạng viêm sưng trong cơ thể, tăng cường khả năng miễn dịch. Trong trường hợp trẻ bị nôn ói hoặc đổ mồ hôi nhiều khi bị sốt thì cha mẹ có thể cho trẻ ăn chuối để bù lại lượng kali đã mất đi.
- Thực phẩm giàu Probiotic: các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ thực phẩm giàu probiotic, hàng ngày có nhiều lợi khuẩn sẽ có thể giúp làm giảm tình trạng sốt ở trẻ nhỏ. Cho bé ăn hoặc uống sữa chua để bổ sung probiotic.
- Thực phẩm giàu Protein: để cung cấp năng lượng giúp hệ miễn dịch chống lại virus trong cơ thể thì trẻ cần được cung cấp thêm protein. Cha mẹ chỉ nên cho bé ăn những món giàu đạm nhưng mềm, dễ tiêu hóa như: trứng, cá hấp, thịt gà mềm, cháo nấu thịt băm...
- Tỏi: đây là loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và có tính kháng khuẩn rất tốt. Vì vậy, nếu trong đồ ăn của bé cho thêm tỏi thì sẽ giúp nâng cao khả năng đề kháng, nhanh khỏi bệnh hơn.
Ngoài ra, cha mẹ cũng phải chú ý tránh cho con ăn những thực phẩm sau: trứng, đồ cay, thức ăn gây khó tiêu, mật ong, các loại nước nhiều đường, nước lạnh.
Nghỉ ngơi tại nhà
Bé phải được nghỉ ngơi trong một phòng riêng tại nhà. Trẻ cần được phục hồi khi bị sốt và ít nhất là 1 tuần sau đó. Được nghỉ ngơi đầy đủ thì trẻ sẽ có sức chiến đống chống lại bệnh tật và nhanh khỏe hơn. Ngoài ra, nó cũng sẽ tránh cho các thành viên khác trong gia đình bị lây nhiễm.
Giúp bé hạ sốt
Nếu đo nhiệt độ thấy trẻ bị sốt cao, cha mẹ có thể lau người bé với nước ấm. Việc này có thể giúp làm giảm nhiệt độ cơ thể, làm trẻ dễ chịu.
Rửa tay trước khi tiếp xúc với trẻ
Trước và sau khi chạm vào con thì cha mẹ cần phải rửa tay. Mục đích là sẽ ngăn ngừa sự lây lan của bệnh sang những người khác trong gia đình.
Đảm bảo không khí trong nhà thoáng mát
- Cần mở cửa sổ và cửa ra vào ít nhất một lần một ngày để không khí trong lành vào trong nhà.
- Giữ cho nhà thông thoáng, khô ráo, sạch sẽ, tránh nấm mốc, bụi bẩn
Cho bé đi khám bác sĩ
Nếu trẻ sốt cao và không hạ sốt thì cha mẹ tốt nhất nên đưa trẻ tới bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời. Các bác sĩ có thể kê các loại dung dịch bù điện giải (nếu bé bị tiêu chảy), thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt. Việc sử dụng thuốc cho trẻ nhỏ tuyệt đối phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Cách phòng tránh sốt siêu vi ở trẻ em
- Nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ >dinh dưỡng khoa học, đầy đủ chất.
- Giữ nhà cửa và môi trường xung quanh sạch sẽ, gọn gàng, thoáng mát để ngăn chặn những tác nhân có hại.
- Thường xuyên giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ cho bé trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Hạn chế không để trẻ cho tay vào miệng.
- Nên cách ly bé với người đang nhiễm bệnh. Nếu trong nhà có thành viên bị cảm lạnh, ho, tiêu chảy hoặc nôn mửa thì phải sử dụng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi, giữ gìn vệ sinh thật tốt.
- Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ.
- Cẩn thận chăm sóc >sức khỏe cho trẻ vào thời điểm giao mùa trong năm.