Sốt là phản ứng thông thường sau tiêm vaccine, tỷ lệ trẻ sốt sau tiêm khá cao. Theo các chuyên gia, cha mẹ cần theo dõi trẻ sau tiêm chặt chẽ kể cả trong đêm ngủ.
Tăng mạnh số trẻ em, người lớn mắc sởi ở hai miền
Trong 1 tuần trở lại đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP HCM) đã tiếp nhận, điều trị 70 ca bệnh sởi, chưa kể các ca thăm khám điều trị ngoại trú.
Đây là thời điểm cuối mùa bệnh sởi nhưng số bệnh nhân lại tăng đột biến. Điểm đáng lo ngại, có tới 1/2 số bệnh nhân là người lớn, trong đó có cả các thai phụ. Các bác sĩ khuyến cáo, dù là người lớn hay trẻ em, nhất là thai phụ, khi có dấu hiệu mắc bệnh sởi cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Tại Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian gần đây gia tăng các ca người lớn mắc sởi, đa số là phụ nữ, không ít người là thai phụ. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tình trạng xảy ra tương tự khi thường xuyên có 20 trẻ mắc sởi điều trị nội trú tại Khoa Truyền nhiễm.
Đây là những người không tiêm chủng hoặc tiêm sởi không đủ mũi, cả trẻ em và người lớn. Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, bệnh sởi lây qua đường hô hấp. Bệnh có nhiều biến chứng nặng nếu chưa được chích ngừa.
Những trẻ không được tiêm phòng ngừa bệnh sởi hoặc lịch sử tiêm chủng không rõ ràng rất dễ mắc bệnh. Việc tiêm chủng rất quan trọng, vì khả năng lây lan trong không khí cao, dễ lây cho trẻ nhỏ dưới 9 tháng – lứa tuổi chưa được tiêm chủng bệnh sởi, nguy cơ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Với phụ nữ, các chuyên gia lưu ý, cần tiêm vắc xin phòng bệnh sởi ít nhất 3 tháng trước khi mang thai.
Theo dõi chặt chẽ trẻ sau tiêm vaccine
Các chuyên gia khẳng định với vaccine 5 trong 1 có thành phần ho gà toàn tế bào như ComBE Five - loại được đưa vào chương trình tiêm miễn phí từ tháng 12/2018 ở Việt Nam, tỉ lệ sốt trên 38 độ C lên tới 50%.
Các chuyên gia khẳng định sốt là phản ứng thông thường, phản ứng tốt sau tiêm. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đặc biệt lưu ý việc phải theo dõi trẻ sau tiêm để kịp thời phát hiện và xử trí kịp với những trường hợp trẻ có phản ứng mạnh.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi tiêm chủng, với các vaccine như ComBE Five, thậm chí cả những mũi 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 dịch vụ, trẻ cũng đều có các biểu hiện đau, có thể sưng nề đỏ tại nơi tiêm, sốt.
Thông thường các phản ứng sau tiêm chủng sẽ xuất hiện trong vòng 24 đến 48 giờ, chủ yếu là sốt và đau tại nơi tiêm, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương lưu ý cần phải cho trẻ uống thuốc hạ sốt, giảm đau, uống nhiều nước, tăng cường bú mẹ và theo dõi bé kể cả trong đêm ngủ.
Theo quy định, sau tiêm ComBE Five, bé sẽ được theo dõi 30 phút tại cơ sở tiêm chủng. Khi về nhà, người lớn cần phải theo dõi các biểu hiện trẻ đau tại nơi tiêm, quấy khóc, sốt và các biểu hiện khác như tinh thần, ăn bú, nôn trớ, khó thở.
Quan sát trẻ thường xuyên và chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm; không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm.
Khi có các biểu hiện như sốt trên 38 độ 5, không đáp ứng với thuốc hạ sốt thì cần đưa bé đến cơ sở y tế và đặc biệt các dấu hiệu như quấy, bỏ bú, khó thở, tím tái, sưng đỏ lan rộng tại chỗ tiêm... thì cần đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tốt nhất là đưa đến bệnh viện gần nhất.
Tiêm phòng cho trẻ không chỉ phòng bệnh cho chính bản thân của trẻ mà còn tạo kháng thể chống bệnh tật tốt cho cả cộng đồng. Các bệnh tật đã có vắc xin phòng bệnh thì nên >tiêm phòng cho trẻ.
Với trẻ dưới 1 tuổi, các nguy cơ mắc nhiều bệnh như đường hô hấp, tiêu hóa, do hệ miễn dịch còn non yếu. Theo PGS.TS Trần Minh Điển, trong nhóm tuổi này lại cần phải tiêm chủng nhiều, do vậy, mọi người cần chú ý phòng tránh các bệnh lý đường hô hấp như vệ sinh mũi sạch sẽ, tránh đưa con ra đi ngoài nhiều khi thời tiết thay đổi, nơi ô nhiễm môi trường, nơi đông người.