Theo các chuyên gia y tế, rôm sẩy là bệnh rất hay gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trong mùa nắng nóng. Tuy là bệnh ngoài da lành tính, nhưng nếu điều trị không đúng cách, đặc biệt chế độ vệ sinh, chăm sóc trẻ không phù hợp, bệnh rôm sẩy có thể gây ra những hệ lụy xấu đối với sức khỏe của trẻ.
Hè đến là rôm đầy người
Cứ mỗi đợt nắng nóng “ghé thăm” là y như rằng bé Nhật Minh (11 tháng tuổi, ở Hà Nội) lại bị mọc rôm khắp người, nhất là ở cổ, vai và lưng. Chị Mỹ (mẹ bé) cho biết, tình trạng rôm sảy của con trai xuất hiện từ khi bé 5 tháng tuổi và thường tái phát khi trời nắng nóng.
Thương con ngứa ngáy, khó chịu, chị Mỹ cũng đau đầu lên mạng tìm nhiều cách trị rôm cho con. Tuy nhiên, dù đã áp dụng nhiều phương pháp tắm lá theo dân gian để điều trị rôm sẩy nhưng theo chị, tất cả đều “không ăn thua”. Nghe người bạn mách bôi phấn rôm có thể trị khỏi rôm sẩy, chị Mỹ liền mua về dùng cho con. Ai ngờ, rôm sẩy không những không thấy lặn mà còn mọc nhiều hơn, lan xuống khắp người khiến cu cậu càng khó chịu, đôi khi còn gãi toạc da chảy máu. Cuối cùng, chị Mỹ phải đưa con đi khám và điều trị tại bệnh viện.
Cũng đau đầu trong việc trị rôm cho con, vợ chồng chị Huyền (quê ở Hà Nam) còn bị phen hú vía vì tự ý dùng thuốc bôi cho con. Theo lời chị Huyền, thấy con gái bị ngứa, nổi rôm ở cổ cả tuần không hết, chị liền ra hiệu thuốc mua một tuýp thuốc ngứa bôi lên vùng cổ cho bé. Thế nhưng, ngay sau khi dùng thuốc, cô bé liên tục dùng tay gãi cổ rồi gãi lên mặt, sau đó lăn đùng ra khóc vì quá ngứa. Chỉ ít phút sau, toàn thân bé ửng đỏ cả lên. Quá hoảng, vợ chồng chị cấp tốc đưa con vào viện cấp cứu. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ cho biết, bé nhà chị bị dị ứng thuốc, rất may được đưa vào viện kịp thời, nếu không, có thể nguy hại đến tính mạng của trẻ.
Các bác sĩ da liễu cho biết, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để rôm sẩy phát triển, nhất là ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiệt độ cao, oi bức, mồ hôi trẻ tiết ra nhiều nhưng không thoát ra hết được dẫn đến tình trạng ứ đọng lại trong các ống bài tiết trên da. Trong khi đó, bề mặt ống bài tiết ở da của trẻ dễ bị bụi bẩn hoặc quần áo, tã lót bịt kín khiến làn da trẻ nổi lên nhiều sẩn nhỏ lấm tấm màu hồng. Rôm sẩy ở trẻ nhỏ chủ yếu xuất hiện ở da đầu, cổ, vai, ngực và lưng, ở một số trẻ, rôm có thể có ở nách, bẹn.
Bệnh rôm sẩy tuy không nguy hiểm, đa số có thể điều trị tại nhà, nhưng nếu không được điều trị đúng cách, có thể dẫn đến một vài biến chứng như viêm loét da, nấm, nhiễm trùng… Theo BS Hoàng Thị Phượng, Phó Trưởng khoa Điều trị Bệnh da phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu Trung ương), trong quá trình điều trị bệnh, các bác sĩ đã gặp không ít trường hợp trẻ bị rôm sẩy gặp biến chứng phải nhập viện do bố mẹ điều trị sai cách. Trong đó, nhiều bố mẹ tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc về bôi cho trẻ nhưng không có sự tư vấn, chỉ định cụ thể của bác sĩ dẫn đến một số trẻ bị viêm da và dị ứng do dùng thuốc không phù hợp.
Phòng và điều trị rôm sẩy đúng cách
Cũng theo BS Hoàng Thị Phượng, khi trẻ nhỏ bị rôm sẩy, bố mẹ cần giữ cho trẻ không được gãi hoặc cào mạnh vào các nốt rôm để tránh làm xước da, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây bội nhiễm hoặc nặng hơn là gây biến chứng nhiễm trùng lan rộng. Bố mẹ nên xoa nhẹ vào vùng bị rôm để con cảm thấy dễ chịu hơn. Đồng thời giữ cơ thể trẻ luôn được mát mẻ, thoáng khí, hạn chế việc trẻ phải bài tiết nhiều mồ hôi.
Để trị rôm cho trẻ, không ít phụ huynh có thói quen bôi phấn rôm lên vùng da nổi mẩn của trẻ, tuy nhiên, theo BS Phượng, điều này không được khuyến khích vì gây nguy cơ “bịt kín” các lỗ chân lông, gia tăng tình trạng bí da và rôm sẩy nhiều hơn. Phấn rôm chỉ nên dùng trong trường hợp rôm nổi ít để làm dịu cơn ngứa cho trẻ. Tuy nhiên, khi rôm nhiều, nhất là khi các nốt rôm bị trầy xước, tuyệt đối không dùng phấn rôm để tránh gây nhiễm trùng và kích ứng da của trẻ. Mặt khác, khi sử dụng phấn rôm cho trẻ, bố mẹ nên chọn mua sản phẩm từ các thương hiệu uy tín không chứa chất gây kích ứng với làn da nhạy cảm của bé để đảm bảo không gây hại cho trẻ.
Đối với các loại thuốc bôi trị ngứa ngoài da, các bác sĩ khuyến cáo, trường hợp rôm ít, có thể dùng thuốc bôi loại nhẹ. Tuy nhiên, nếu bố mẹ vô tình mua phải các loại thuốc có thành phần Corticoid nặng, khi dùng bôi cho trẻ có thể gây biến chứng, nếu sử dụng bôi kéo dài có thể gây nhiễm trùng, giãn mạch, kích ứng da… Do đó, khi mua các loại thuốc bôi, bố mẹ cần đọc kỹ các thành phần và cách dùng. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Riêng việc dùng phương pháp dân gian chữa rôm sẩy, lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, trong tự nhiên có nhiều loại lá có tác dụng làm mát, cải thiện tình trạng rôm sẩy ở trẻ như: Trà xanh, sài đất, mướp đắng, lá khế… bố mẹ có thể dùng để nấu nước tắm cho con khi con chớm bị rôm. Tuy nhiên cần lưu ý, nếu mua các loại lá này ở chợ thì nên ngâm với nước muối cho thật sạch để đảm bảo không còn tồn dư các loại hóa chất bảo quản trước khi đun tắm cho trẻ. Tương tự, việc vắt chanh vào nước tắm cho trẻ cũng là một phương pháp được nhiều người hay dùng. Thế nhưng, không nên vắt quá nhiều hoặc dùng chanh chà xát vào vùng da bị nổi rôm của trẻ vì như thế có thể khiến làn da nhạy cảm của trẻ bị tổn thương, loét da, gây đau rát. Đối với các loại sữa tắm thảo dược dành cho trẻ nhỏ, có thể dùng nhưng không nên lạm dụng.
Để phòng tránh tình trạng trẻ bị rôm sẩy, các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ cần cho trẻ ở những nơi thoáng gió, tránh tụ tập ở nơi đông người trong thời tiết oi bức. Ngoài ra, bố mẹ cần lưu ý giữ cơ thể trẻ luôn khô ráo, hạn chế tối đa tình trạng mồ hôi đọng trên da trẻ quá lâu. Tránh cho trẻ ra ngoài từ 11h đến 16h, nếu đi cần trang bị mũ, áo, khẩu trang để bảo vệ cơ thể trẻ khỏi ánh nắng mặt trời. Nên mặc cho trẻ các loại quần áo làm từ vải cotton rộng thoáng, thấm hút mồ hôi tốt. Không nên mua các loại quần áo chứa nhiều nilon gây nóng và cản trở quá trình bài tiết mồ hôi của trẻ; tắm cho trẻ hàng ngày bằng nước sạch để giữ vệ sinh sạch sẽ, lấy đi các bụi bẩn và bã nhờn, giúp các lỗ chân lông thông thoáng, không bị bí. Ngoài ra, cần cho trẻ uống đủ nước và tăng cường các loại đồ uống, trái cây tươi giàu Vitamin C, để tăng sức đề kháng, chống lại các tác động xấu từ bên ngoài.
Các chuyên gia khuyến cáo, trường hợp trẻ bị rôm sẩy kéo dài từ 7 đến 10 ngày trở lên, lan rộng toàn thân hay có các dấu hiệu bội nhiễm như: Da sưng, nóng, đỏ, đau, có mủ chảy ra, sưng hạch vùng cổ, nách, bẹn, sốt, ớn lạnh… bố mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời, tránh để lại biến chứng.
Rôm dạng tinh thể do thượng bì bị sang chấn và mồ hôi tiết ra quá nhiều, thường xảy ra ở trẻ nhỏ do chậm phát triển các ống tuyến mồ hôi. Loại rôm này không có viêm, thường xảy ra do sốt cao và khi khỏi để lại mảng da bong. Rôm đỏ thường xảy ra ở các vùng nóng ẩm, có thể gặp cả trẻ em và người lớn. Khi đó, vi khuẩn làm tắc ống tuyến mồ hôi, sau đó là sừng hóa tuyến mồ hôi, mồ hôi tiết ra bị đọng lại gây rôm sẩy. Một loại rôm nữa là rôm sâu do tuyến mồ hôi bị tổn hại nặng, thường sau khi bị rôm sẩy đỏ kéo dài, tái đi tái lại nhiều lần.