Khi điều trị bệnh sởi cho con, do những sai lầm của bố mẹ nên tình trạng bệnh của con không những không được cải thiện mà càng trở nên trầm trọng hơn.

13:38 13/01/2020

Dịch sởi lan rộng 43 tỉnh, thành phố

Ngày 18/2, theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 11/2- 17/2), trên địa bàn thành phố ghi nhận 78 trường hợp mắc sởi nâng tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay lên 192 trường hợp. Trong khi đó, 2 tháng đầu năm 2018, thành phố mới ghi nhận 22 trường hợp mắc sởi.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch sởi đang gia tăng trên toàn cầu và đang được cân nhắc như là một cuộc khủng hoảng >sức khỏe cộng đồng. Cũng theo WHO, hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gene của virus sởi ở Việt Nam và trên thế giới.

Số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng (Ảnh: Pháp luật Việt Nam)

Tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân dịch sởi gia tăng và lan rộng là do tỷ lệ bao phủ vắc-xin sởi không đạt tại nhiều nước và gia tăng sự di chuyển, giao lưu toàn cầu. Mặc dù tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội đã đạt 96,13% nhưng hiện còn một số đơn vị có tỷ lệ tiêm chưa đạt yêu cầu trên quy mô phường, xã như: phường Đội Cấn (quận Ba Đình) tỷ lệ tiêm 64,1%; phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) (82,6%) và 17/21 phường của quận Đống Đa có tỷ lệ tiêm dưới 95%.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2019 đến nay, Đồng Nai ghi nhận hơn 500 ca mắc bệnh sởi phải nhập viện điều trị, trong đó có những ca biến chứng nặng. Cùng thời điểm này năm ngoái, Đồng Nai không có ca mắc bệnh sởi nào. Trong số các ca mắc thì phần nhiều là bệnh nhân chưa tiêm phòng sởi. Đáng chú ý có nhiều trường hợp người lớn cũng mắc sởi.

Còn tại TP HCM, ngày 18/2 Trung tâm Y tế dự phòng TP cho biết, các bệnh sởi, tay chân miệng vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Cùng với đó, trong bảy tuần đầu năm nay, bệnh sốt xuất huyết tại TP tiếp tục lập đỉnh mới, tăng 250% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung bình mỗi tuần trên địa bàn TP có gần 1.000 trường hợp nhập viện vì bệnh này, chưa kể số lượng lớn người bị mắc sốt xuất huyết điều trị ngoại trú và tại các phòng khám tư.

Hiện đã ghi nhận 43 tỉnh, thành phố có bệnh nhân mắc sởi, đặc biệt tập trung nhiều tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Điều đáng nói là 90% số ca mắc sởi đều chưa được tiêm phòng hoặc không rõ về tình trạng tiêm phòng. Nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát là rất cao nếu các biện pháp phòng chống dịch bệnh không được triển khai quyết liệt hơn.

Sai lầm khiến con mắc bệnh sởi càng trầm trọng thêm

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dịch sởi thường có chu kỳ 4 - 5 năm/lần, do đó, năm 2019 nằm trong chu kỳ dịch. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng ở nước ta khá thấp do số người chưa tiêm vaccine phòng sởi vẫn còn cao. Mặt khác, quá trình dịch chuyển, giao lưu, buôn bán giữa các địa phương trên cả nước sẽ khiến cho nguy cơ bùng phát dịch tăng cao nếu như không có các biện pháp phòng ngừa cũng như khống chế dịch thật tốt.

ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, sởi là một bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp do virus gây ra. Khả năng lây nhiễm của virus sởi rất mạnh. Do đó, những người chưa tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ vaccine sởi nếu không may nhiễm phải virus gây bệnh thì 90% sẽ mắc bệnh sởi.

Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ cũng nên tránh những sai lầm hay mắc khi chăm sóc >trẻ bị bệnh sởi để hạn chế làm bệnh trầm trọng thêm. Chẳng hạn, khi thấy trẻ bị sởi, người lớn thường có quan niệm phải kiêng gió, kiêng nước bằng mọi cách cho trẻ, kể cả việc trùm kín trẻ, không vệ sinh cơ thể hàng ngày cho trẻ. Việc làm này sẽ khiến trẻ không những không hạ sốt mà còn có khả năng bị sốt cao hơn. Kèm theo đó, việc kiêng không vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó chịu, dễ nhiễm trùng da và gây các biến chứng bội nhiễm vi khuẩn nếu tình trạng quá nặng.

Chính vì vậy, với những trẻ mắc sởi, bố mẹ cần thường xuyên rửa mặt, lau miệng và vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ; nhỏ nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt, mũi được bác sĩ chỉ định để vệ sinh mũi, mắt cho trẻ hàng ngày. Bên cạnh đó, cho trẻ nằm ở phòng thoáng, tránh gió lùa; đeo khẩu trang khi trò chuyện, tiếp xúc với trẻ và phải cách ly với những trẻ khác. Trong giai đoạn bị bệnh sởi, nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hoá và uống nhiều nước hoa quả sẽ cung cấp năng lượng giúp trẻ nhanh chóng phục hồi sức khoẻ. Không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn chứa protein gây dị ứng như các loại thủy hải sản có vỏ. Ngoài ra, khi bị sởi, trẻ rất dễ bị mất nước do nôn, tiêu chảy và đi tiểu nhiều, vì vậy cần phải cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú sữa mẹ nhiều hơn.

Trong thời gian phát bệnh, cần đặc biệt chú ý, nếu thấy trẻ sốt cao liên tục >39 độ, kèm theo khó thở, thở nhanh, mệt mỏi, chán ăn, li bì, mắt lờ đờ hoặc phát ban toàn thân mà vẫn sốt cao… thì cần lập tức đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời, tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra.

Theo Phương Vũ/ Gia đình Việt Nam