Đảm bảo sự an toàn cho trẻ ngay tại nhà là điều cấp thiết mà bất cứ bậc cha mẹ nào cũng cần chú trọng và thực hiện ngay.
Nhà là không gian mà bé sẽ ăn, ngủ, sinh hoạt phần lớn trong suốt những năm tháng đầu đời. Tuy nhiên, nơi tưởng là an toàn nhất hóa ra cũng là nơi tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Mẹ tuyệt đối không được chủ quan rằng ở nhà bé sẽ được bảo vệ tối ưu, rất nhiều tai nạn rình rập chỉ chực chờ lúc bất cẩn, nhất là lúc bé đang trong độ tuổi khám phá hiếu động. Vì vậy, nhà chính là nơi cần được ưu tiên hàng đầu về vấn đề an toàn cho trẻ. Mẹ hãy quan sát không gian nhà ở dưới con mắt của một đứa trẻ thì sẽ thấy có rất nhiều nguy cơ tiềm tàng từ những đồ nội thất cho đến không gian ngoài sân vườn, ban công. Bảo đảm cho con sự an toàn không chỉ giúp bé có thể vui chơi thoải mái, mà còn giảm bớt áp lực và lo âu của cha mẹ.
Ông Jeff Baril, chủ tịch Hiệp hội Quốc tế về an toàn trẻ em (IAFCS) cùng các chuyên gia đã cung cấp các biện pháp để đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ ngay tại nhà như sau:
An toàn trong nhà bếp
1. Dây điện, ổ điện: Ẩn dây điện vào trong thanh nhựa bảo vệ hoặc để lên quá tầm với của trẻ, dùng đế bịt những ổ điện không sử dụng tới.
2. Bếp: Khi nấu ăn trên bếp, luôn quay tay cầm của chảo, nồi vào bên trong để bé không thể với tới và kéo xuống. Khóa gas, van ga sau khi nấu ăn. Sử dụng dụng cụ báo rò rỉ bếp gas.
3. Ngăn kéo, tủ: Dạy trẻ đó không phải là thứ để chơi, cần lưu ý để trẻ không tới và nghịch.
4. Hóa chất tẩy rửa: Giấu kỹ, cất những hóa chất tẩy rửa như nước rửa bát, xà phòng khỏi tầm với của trẻ.
5. Lò vi sóng, máy nướng: Để tránh khỏi tầm với của trẻ, rút nguồn điện, cất dây cắm không để trẻ tìm thấy.
6. Đồ ăn: Mẹ lưu ý cất và bảo quản cẩn thận đồ ăn cho con vật, thú cưng để bé không tìm và lấy được, phòng tránh nguy cơ hóc nghẹn, ngộ độc.
Gợi ý: Mẹ có thể để 1 chiếc hộp an toàn trong bếp bao gồm thìa gỗ, thìa cao su, bát nhựa... để bé được thỏa thích chơi đồ nhà bếp mà không gây nguy hiểm.
An toàn trong nhà tắm
1. Sàn nhà: Để chống trơn trượt, mẹ trải tấm thảm chống trơn, chuẩn bị một đôi dép cho bé khi bé đến tuổi tập đi.
2. Máy sấy tóc: Cất các thiết bị như máy sấy, máy duỗi bên ngoài khu vực nhà tắm.
3. Hóa chất tẩy rửa: Đảm bảo rằng những đồ vật chứa chất hóa học như thuốc tẩy rửa nhà vệ sinh, nước giặt, dầu gội, tẩy trang, sơn móng tay, dao cạo râu… được để xa tầm với của trẻ hoặc để trong tủ khóa lại.
4. Bồn vệ sinh: Sử dụng nắp vệ sinh với kích cỡ phù hợp với bé.
5. Bình nóng lạnh: Tắt bình nóng lạnh khi đang tắm cho trẻ. Luôn khóa vòi nước tổng lại nếu trong bình còn nước nóng, để vòi vặn hoa sen cao quá tầm với của trẻ.
An toàn khu vực phòng khách
1. Những vật có dây: Di chuyển đèn, quạt, rèm cửa và các thiết bị có dây, tránh để dây làm trẻ bị vướng ngã.
2. Kệ sách, tivi: Các đồ dùng nên để sát tường và cố định chắc chắn.
3. Cửa sổ: Không để ghế gần cửa sổ, thiết kế cánh cửa, song cửa để đảm bảo an toàn cho trẻ.
4. Đồ dễ vỡ: Đồ dễ vỡ như lọ hoa, khung ảnh nên để ngoài tầm với của trẻ.
5. Đồ vật nhọn: Bịt cạnh bàn và những đồ nội thất có đầu nhọn.
6. Cầu thang: Sử dụng chặn cầu thang ngăn cho trẻ bị rơi từ trên cao xuống. Ngoài ra nếu các thanh lan can thưa, bố mẹ nên mua lưới mắc dọc theo cầu thang để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con.
An toàn trong phòng ngủ
1. Cũi: Cũi phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đệm phù hợp với kích cỡ của cũi, sử dụng quây cũi.
2. Sắp xếp đồ đạc: Không treo kệ, tủ sách ở phía trên giường, cũi của trẻ
3. Không gian: Đảm bảo không khí trong phòng thông thoáng, không nóng quá cũng không lạnh quá.
Trên đây là những biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ tại gia đình. Tuy nhiên điều đầu tiên và quan trọng nhất khi bảo đảm an toàn cho trẻ trong chính ngôi nhà của mình đó là phải để ý quan sát bé mọi lúc mọi nơi cũng như dạy bé cách tự cảnh giác và nhận thức mối nguy hiểm.