Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì tốt nhất mẹ đã biết chưa? Hãy lưu lại ngay nhé.

05:30 17/04/2019

Tiêu chảy cấp xảy ra đột ngột kéo dài không quá 14 ngày (thường dưới 7 ngày). Tiêu chảy kéo dài là khi bị tiêu chảy trên 2 tuần hoặc nhiều hơn.

Trẻ em bị tiêu chảy thường bị suy >dinh dưỡng và có thể dẫn tới tử vong, do cơ thể mất một lượng nước và muối lớn. Một nguyên nhân quan trọng nữa gây ra tử vong là lỵ. Để giúp trẻ phục hồi nhanh sau tiêu chảy và tránh suy dinh dưỡng cần cho trẻ ăn uống đầy đủ, ăn càng sớm càng tốt.

Chuối

Chuối là một trong các thực phẩm tốt cho bé khi bị tiêu chảy, kể cả người lớn khi bị tiêu chảy thì ăn chuối sẽ giúp nhanh khỏi hơn. Trong chuối có chứa nhiều loại carbohydrates dễ tiêu hóa, hàm lượng kali có trong chuối có tác dụng bù lại điện giải bị mất do đi ngoài nhiều, chất pectin trong chuối giúp hấp thụ chất lỏng ở ruột và giúp hạn chế tình trạng tiêu chảy.

Táo và khoai tây nghiền

Táo có hàm lượng chất xơ hoà tan pectin cao giúp giảm tình trạng tiêu chảy, trong táo còn chứa lượng đường tự nhiên bổ sung năng lượng cho bé giúp bé mau khoẻ và lấy lại sức nhanh hơn.

Khoai tây nghiền rất dễ tiêu hoá và hàm lượng kali trong khoai cũng cao giúp ngăn chặn các cơn tiêu chảy ở bé.

Hồng xiêm xanh

Hồng xiêm xanh là trái cây có vị chát, là phương thuốc hiệu quả chữa tiêu chảy, kiết lỵ.

Thực hiện: Mẹ cắt quả hồng xiêm xanh thành nhiều lát mỏng, phơi khô, sao vàng để dùng dần. Mỗi lần sử dụng, mẹ lấy khoảng 10 lát sắc với nước uống, lượng nước phải ngập hồng xiêm. Tiếp đó, mẹ đổ ra lấy nước, nhớ là không để nước đặc quá và cho bé uống mỗi ngày 2 lần.

Nước cháo muối

Dùng một nắm gạo, một nhúm muối và 6 bát ăn cơm nước sạch rồi đun nhừ, lọc qua rá, lấy nước cho trẻ uống dần.

Nước gạo rang muối

Lấy 50g gạo (một vốc tay) đem rang vàng, cho 6 bát nước đem nấu nhừ lọc qua rá cho 1 thìa cà phê muối ăn vào rồi cho trẻ uống dần.

Súp cà rốt

Cà rốt được xem như một loại thuốc quý được dùng để điều trị một số bệnh, có cả tiêu chảy. Lượng lớn chất Pectin có trong cà rốt khi vào ruột sẽ trương nở thành một dạng keo có khả năng làm dịu nhu động ruột, giúp hạn chế được tiêu chảy. Dưỡng chất này còn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn nội sinh phát triển, lấn át các vi khuẩn ngoại lai và các vi khuẩn lên men thối ở ruột già.

Hơn nữa, chất Pectin trong cà rốt còn giúp niêm mạc ruột nhanh chóng hồi phục. Mặt khác, cà rốt còn nhiều muối khoảng, đặc biệt là kali có thể bù đắp được lượng chất điện giải bị mất trong quá trình tiêu chảy.

Cách làm súp cà rốt: Mẹ lấy 500 gam cà rốt rửa sạch, gọt vỏ, cắt khoanh mỏng, đun nhỏ lửa với 2 lít nước trong 1 giờ đến khi cạn còn 1 lít, sau đó vớt cà rốt ra, nghiền kỹ, lọc qua vải thưa, loại bỏ bã và cho thêm 3 gam muối sau đó đun sôi lại để dùng.

Lá mơ

Mẹ hái một nắm lá mơ tía khoảng 100g (mơ tía thì tốt và thơm hơn lá mơ trắng) rửa sạch, ngâm trong nước muối loãng 5 phút, vớt ra để ráo nước. Tiếp đó, mẹ rã lá mơ thật nhỏ rồi cho vào bát và đập 1 quả trứng gà, đồng thời thêm một chút muối (cho vừa miệng), trộn đều. Mẹ nhớ trở đều hai mặt cho trứng và rau mơ chín đều, sau đó cho bé ăn 2 lần/ ngày nhé.

Những thực phẩm không nên dùng khi >trẻ bị tiêu chảy

– Đường hay các loại đồ ăn có chứa nhiều đường, bánh, kẹo các loại nước giải khát công nghiệp có thể sẽ chính là “thủ phạm” làm cho tình trạng tiêu chảy ngày càng tệ hơn. Do tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột kéo nước trong tế bào vào lòng ruột.

– Tránh dùng các loại thực phẩm có nhiều xơ hoặc ít chất dinh dưỡng như: Các loại rau thô (măng, rau cần), tinh bột nguyên hạt (ngô, đỗ) khó tiêu hóa.

– Tuyệt đối không cho trẻ ăn rau sống, tiết canh, gỏi cá, nem chạo, nem chua, mắm tôm, mắm tép… chưa nấu chín và không uống nước lã.

LƯU Ý:

- Nếu trẻ ăn ít hoặc ăn vào bị nôn thì cho ăn ít hơn và tăng số bữa lên so với thực đơn.

- Trẻ dùng sữa bò tiêu chảy tăng thêm thì thay bằng sữa đậu tương 10% hoặc sữa không có latoza như (Isomil, Olac) hoặc cho ăn sữa chua làm từ sữa pha giống như các bữa sữa nước của trẻ.

- Từ ngày thứ 5 nếu trẻ bớt tiêu chảy quay dần về chế độ ăn, ăn bình thường.

Phòng bệnh tiêu chảy

- Nuôi con bằng sữa mẹ.

- Cho trẻ ăn bổ sung đúng và hợp lý, đảm bảo vệ sinh khi chế biến, bảo quản, dùng nguồn nước sạch, thực phẩm sạch và tươi không bị nhiễm khuẩn hoặc hóa chất bảo vệ thực vật.

- Rửa tay bằng xà phòng: Sau khi đi vệ sinh, thay tã lót cho trẻ, trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, chăm sóc trẻ.

- Sử dụng hố xí hợp vệ sinh, xử lý an toàn phân trẻ nhỏ bị tiêu chảy.

- Tiêm phòng sởi: trẻ mắc các bệnh sởi hoặc sau khi khỏi do mắc tiêu chảy, lỵ nặng dẫn tới tử vong. Tiêm vắc-xin sởi có thể phòng ngừa được 25% số ca tử vong liên quan tiêu chảy trẻ dưới 5 tuổi.

*Thông tin mang tính tham khảo, trước khi cho trẻ sử dụng hãy tham khảo ý kiến bác sỹ!

Theo Mai Mai/ Phunutoday/ Khỏe & Đẹp