Mẹ chưa biết cách cho con bú, không thêm dầu mỡ vào cháo, nấu nồi cháo to con ăn cả ngày... là nguyên nhân khiến trẻ còi cọc.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng và Tiết chế, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết suy >dinh dưỡng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ trong độ tuổi bú mẹ. Có nhiều nguyên nhân như sau:
Mẹ không biết cách cho con bú
Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến >trẻ bị suy dinh dưỡng. "Nhiều bà mẹ sợ ngực bị lệch nên thường xuyên cho con bú thay đổi giữa hai bên. Thực tế, nguồn sữa đầu khi bú rất loãng, cuối mỗi bầu mới là nguồn sữa đặc, cung cấp nhiều vi chất dinh dưỡng nhất trong sữa mẹ", bác sĩ nói. Khi trẻ bú thay đổi hai bên sẽ chỉ tiếp nhận được nguồn sữa đầu loãng, dẫn đến không tiếp nhận đủ các chất dinh dưỡng.
Bác sĩ Hưng lưu ý các mẹ cần cho con bú cạn hết một bên sữa rồi mới đổi bên để tận dụng nguồn sữa quý này đồng thời khi càng bú cạn, sữa mẹ càng được kích thích để tiết ra nhiều hơn.
Mẹ không biết cách nấu cháo cho bé
Khi nấu cháo cho con, các mẹ hay chú ý đến lượng đạm mà quên mất các thành phần khác, nhất là lượng dầu mỡ. Thực tế, chất béo là nhóm chất dinh dưỡng rất quan trọng, đóng vai trò chính trong cung cấp năng lượng cho trẻ, giúp hình thành mô mỡ có chức năng điều hòa thân nhiệt, cung cấp chất béo giúp cho quá trình hấp thu các vitamin quan trọng trong cơ thể.
"Nhiều người sợ cho dầu, mỡ vào cháo khi nấu khiến trẻ bị đau bụng hoặc béo phì. Tuy nhiên, chỉ những người lớn mới đáng lo về các vấn đề rối loạn mỡ máu, trẻ em đang trong giai đoạn phát triển nên rất cần những thành phần này", bác sĩ Hưng nhấn mạnh. "Khi nấu cháo cho con ăn, các bà mẹ nên cho thêm 1-2 thìa dầu mỡ, có thể cho cùng lúc cả dầu thực vật và mỡ động vật hoặc ăn cách bữa".
Ngoài ra, vì bận rộn mà nhiều mẹ thường nấu một nồi cháo rồi cho con ăn cả ngày, thói quen này rất có hại. Cháo để cả ngày nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, lại nhàm chán, khiến con càng trở nên biếng ăn hơn. Tốt hơn hết, mỗi ngày các mẹ nên chế biến 2-3 bữa cháo/bột với các loại thực phẩm khác nhau, không nên lặp lại.
Mẹ cho con ăn thực phẩm chế biến sẵn
Cũng vì bận rộn, nhiều mẹ mua cháo dinh dưỡng và thực phẩm ở ngoài hàng. Điều này là rất không nên bởi cháo này không cung cấp đủ chất dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ. Ăn triền miên sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng.
Theo tiến sĩ Hưng, để đảm bảo đủ dinh dưỡng, thức ăn cho trẻ cần phải chứa bốn nhóm dinh dưỡng, gồm tinh bột (gạo, mì, ngô, khoai...), đạm từ thịt, cá, tôm, cua..., chất béo từ dầu ăn rất cần cho sự phát triển của bộ não, và cuối cùng là các vitamin, khoáng chất từ rau củ, trái cây để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Những thứ này các mẹ nên tự nấu ở nhà sẽ tốt và đảm bảo hơn.
Mẹ chỉ cho trẻ ăn nước, không ăn cái
Bác sĩ Hưng cho biết, chất đạm có trong thịt, cá, tôm... vẫn tồn ở bã thịt. Các loại vitamin C, E, A, sắt, kẽm... trong rau củ cũng chỉ hòa tan vào nước một lượng rất ít. Do đó, nếu trẻ chỉ ăn nước hầm mà không ăn cái sẽ bị thiếu chất đạm và các vitamin, dẫn đến suy dinh dưỡng và thiếu máu. Đồng thời, các con sẽ bị táo bón do thiếu chất xơ. Ngoài ra, trộn cháo, bột hoặc cơm với nước hầm tạo cho trẻ cảm giác dễ nuốt nhưng lâu dần, trẻ sẽ hình thành thói quen lười nhai, hay ngậm thức ăn và dẫn đến chán ăn. Vì vậy, các mẹ nên nghiền, xay hoặc băm nhỏ tất cả các thực phẩm cho trẻ ăn để đảm bảo đầy đủ chất.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, các mẹ nên cho bé ăn uống đầy đủ theo nhu cầu lứa tuổi dưới sự hướng dẫn tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng, đồng thời tăng cường các hoạt động thể lực cho bé. Khi thấy trẻ còi cọc, có dấu hiệu suy dinh dưỡng, cần đến viện khám sớm để có phương án chống suy dinh dưỡng.