Dưới đây là những món đồ hữu ích, dùng nhiều nhất khi chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các mẹ nên mua và trang bị thêm cho tủ thuốc nhà mình nhé.
1. Hồ nước
Trẻ sơ sinh thường hay bị chàm sữa, nổi những mẩn đỏ li ti dưới da. Hồ nước có tác dụng chính là làm dịu vùng da bị kích ứng (chàm sữa, hăm tã...); giảm tình trạng viêm sưng, đau trên bề mặt da; thiện tình trạng ma sát da, tăng khả năng kháng khuẩn và bảo vệ trên bề mặt da tại những vị trí bị thương tổn, điều trị một số bệnh lý ngoài da như bệnh Eczema, viêm da, các triệu chứng dị ứng.
Những trường hợp trẻ bị côn trùng đốt, cắn (kiến, ong, muỗi) hoặc ảnh hưởng bởi dịch tiết của côn trùng trên da (kiến ba khoang),… thì có thể áp dụng các dung dịch làm dịu vết thương, vết đỏ, giảm cảm giác rát bỏng do mụn nước.
Khi sử dụng hồ nước cho trẻ, mẹ cần vệ sinh vùng da của trẻ, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi bôi hồ nước và các chế phẩm điều trị ngoài da cho trẻ. Trước khi bôi trên diện rộng, bố mẹ nên bôi thử một lượng nhỏ trên một vùng da, nếu không có phản ứng thì mới bôi trên diện rộng. Áp dụng với tần suất: 2-3 lần/ngày đến khi bé khỏi hẳn.
2. Nước muối sinh lý
Nước muối sinh lý là hỗn hợp nước và muối. Đây là dung dịch quen thuộc, luôn có mặt trong tủ thuốc của mỗi gia đình, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ. Bố mẹ có thể tham khảo sử dụng để làm sạch các vết thương hở, loại bỏ chất bẩn tránh tình trạng nhiễm trùng. Đồng thời chúng cũng được dùng để xịt rửa và làm vệ sinh mắt, mũi, tai, họng,… cho bé. Những em bé sơ sinh chưa rụng dây rốn, mẹ có thể sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh vùng rốn cho con.
Khi sử dụng nước muối sinh lý cho trẻ, bố mẹ nên lưu ý một số điều dưới đây:
Để nhỏ mắt cho bé, bố mẹ không nên dùng nước muối tự pha chế tại nhà. Bởi vì, chúng có thể gây hại cho mắt do không đảm bảo vô khuẩn và pha không đúng nồng độ. Bố mẹ nên mua nước muối sinh lý tại các quầy thuốc. Tuyệt đối không mua các sản phẩm không có số đăng ký trên bao bì hoặc nhãn dán của cục quản lý dược.
Khi nhỏ mũi cho bé, bố mẹ nên chọn chai nước muối có đầu vo tròn, đồng thời không để đầu chai chạm trực tiếp vào mũi của bé. Vì trong quá trình vệ sinh, đầu nhọn của lọ chai có thể làm trầy xước và tổn thương niêm mạc mũi. Để tránh nguy cơ bị nhiễm khuẩn, bố mẹ chỉ nên dùng lọ nước muối đã mở từ 2 - 3 tuần và sau đó vứt đi.
Phụ huynh cũng không nên lạm dụng nước muối sinh lý, nếu lạm dụng nước muối sinh lý thì có thể gây ra một số hiểm họa cho bé như: Chức năng của niêm mạc mũi suy giảm, mất phản xạ bài tiết chất nhầy, tình trạng viêm nhiễm càng nặng hơn, trẻ có thể bị đau, chảy máu mũi hoặc bị viêm tai giữa nếu bố mẹ đặt bé nằm sai tư thế khi làm vệ sinh...
3. Gạc rơ lưỡi
Trẻ sơ sinh thường bú sữa thường xuyên và việc này thường dẫn đến tình trạng sữa dư bám trên bề mặt lưỡi của trẻ. Các con lại chưa thể vệ sinh răng miệng mỗi ngày như người lớn. Vì thế, hầu hết trẻ sơ sinh đều phải gặp tình trạng trắng lưỡi hay tưa lưỡi. Lúc này mẹ nên rơ lưỡi để vệ sinh cho bé. Việc làm này sẽ giúp loại bỏ các chất cặn bã tích tụ lâu dẫn đến các vấn đề về khoang miệng thậm chí còn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.
Có thể nói việc rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh cũng giống nhu việc đánh răng mỗi ngày của người lớn. Mẹ cần chú ý vấn đề này để vệ sinh răng miệng cho trẻ. Nếu việc này không được chăm sóc ngay từ đầu sẽ gây rất nhiều khó khăn trong việc duy trì >sức khỏe răng miệng cho đến khi bé lớn. Theo đó, việc lưỡi bé không được làm sạch mỗi ngày có thể sẽ tăng nguy cơ nhiễm khuẩn hoặc mắc các bệnh do vi trùng tăng lên, các vấn đề về nướu cũng như nha khoa sẽ xuất hiện ngày càng nhiều khiến trẻ khó chịu.
Rơ lưỡi cho trẻ bằng nước muối sinh lý là phương pháp được rất nhiều bà mẹ lựa chọn sử dụng bởi đây là phương pháp vừa đơn giản lại hiệu quả và an toàn. Theo đó, các bà mẹ có thể tự pha nước muối sạch ở nhà hoặc mua nước muối sinh lý ở nhà thuốc. Sau đó mẹ nhỏ nước muối sinh lý vào miếng gạc rơ lưỡi. Tiếp đến mẹ nhẹ nhàng cho miếng rơ lưỡi vào miệng và vệ sinh cho trẻ.
4. Thuốc hạ sốt
Sốt là triệu chứng lâm sàng thường gặp khi cơ thể khởi động hệ miễn dịch để chống lại virus, vi khuẩn gây bệnh. Để sử dụng thuốc hạ sốt đúng cách, phụ huynh cần kiểm tra thân nhiệt của trẻ. Nên dùng thuốc hạ sốt khi bé sốt >38,5 độ C.
Liều dùng như thế nào mẹ nên có sự tư vấn của bác sĩ. Thông thường bác sĩ sẽ tính chính xác theo cân nặng: Từ 10 – 15mg paracetamol cho 1 kg thể trọng của bé. (Ví dụ bé nặng 5 kg cần dùng từ 50mg đến 75mg là tối đa). Nếu quá liều dùng này sẽ gây hại cho gan của bé, còn ít hơn thì không hạ được sốt. Mỗi lần dùng thuốc hạ sốt cho trẻ cần cách nhau từ 4-6 tiếng, sau khi uống thuốc chừng 30 phút nếu bé chưa hạ sốt thì cũng không được uống thêm thuốc mà phải chườm mát vào trán, lòng bàn tay, chân.
5. Nhiệt kế
Rất cần trong gia đình vì trẻ em thường hay bị sốt. Xác định được trẻ có bị sốt hay không và sốt bao nhiêu độ sẽ giúp việc điều trị được kịp thời trước khi quá muộn.
Khi trẻ xuất hiện các hiện tượng lạ như chóng mặt, nóng, biếng ăn,... thì việc đầu tiên cần làm là đo nhiệt độ cơ thể xem trẻ có sốt hay không? Đối với trẻ 3 tháng tuổi, cha mẹ nên đo nhiệt độ ở hậu môn để cho ra được kết quả chính xác nhất. Những bé từ 4 - 5 tuổi được khuyến khích dùng nhiệt kế ở miệng để phát hiện bệnh kịp thời.
6. Thuốc sát trùng và băng dán cá nhân
Trẻ nhỏ chạy nhảy dễ bị trầy xước, người lớn thì hay bị đứt tay, bỏng. Vì thế dùng thuốc sát trùng chứa povidone-iodine để rửa vết thương trong các tai nạn hàng ngày như rách da, chảy máu, bỏng, chảy máu tay sẽ giúp ngăn được vi khuẩn xâm nhập cơ thể, giúp cơ thể được bảo vệ và khỏe mạnh; trong khi băng dán sẽ giúp giữ sạch vùng da bị thương khỏi vi trùng.
7. Kem bôi ngoài da
Kem bôi ngoài da thường được dùng trong những trường hợp nhẹ như ngứa, cháy nắng, dị ứng, vết côn trùng cắn,... Khi dùng những loại kem này sẽ giúp trẻ giảm đi sự khó chịu khi cơ thể gặp phải những trường hợp trên.
Mẹ nhớ dự trữ sẵn trong nhà những loại thuốc, dụng cụ y khoa đơn giản nhưng cực kỳ quan trọng phòng khi bé bị nhiễm bệnh nhé.