Vắc xin phòng bệnh sởi quai bị Rubelle 3 bệnh sởi, quai bị, Rubella với hiệu quả lên tới 95%. Vậy lịch tiêm vắc xin sởi quai bị Rubella như thế nào và các phản ứng phụ sau tiêm là gì?

Q.A (t/h) 10:00 27/12/2022

1. Vắc xin sởi quai bị Rubella là gì?

Vắc xin sởi quai bị Rubella có tên gọi là MMR II 0.5ml, có thể tạo miễn dịch chủ động phòng ngừa được cả 3 bệnh sởi, Rubella (bệnh sởi Đức) và quai bị với khả năng phòng bệnh cao lên đến 95% và số mũi tiêm ít.

Đây là dạng vắc xin sống được điều chế từ virus sởi chủng Edmonston, virus quai bị chủng Jeryl Lynn và virus Rubella chủng Wistar RA 27/3 sống, giảm độc lực. Virus Rubella được nuôi cấy trên nguyên bào sợi lưỡng bội ở phổi người (WI 38), còn virus sởi và quai bị được nuôi cấy trên tế bào phôi thai gà.

MMR được đông khô có màu trắng và ánh vàng, có kèm theo nước hồi chỉnh.

Vắc xin sởi quai bị Rubella

2. Tại sao trẻ cần được tiêm phòng >vắc xin sởi quai bị Rubella?

Theo các bác sĩ, tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ em là rất lớn, tiến triển bệnh nhanh do sức đề kháng chưa tốt, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ bị virus tấn công. Nếu chẳng may mắc phải bệnh này trẻ có nguy cơ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong dù những bệnh này chưa có thuốc đặc hiệu điều trị dứt điểm. Các căn bệnh này dễ lây lan ra môi trường xung quanh, thậm chí bùng phát thành dịch trên diện rộng.

Trong giai đoạn từ năm 1999- 2004, một chiến lược do Tổ chức Y tế Thế giới và UNICEF dẫn đầu đã cải thiện phạm vi tiêm chủng sởi, ngăn chặn được 1,4 triệu ca tử vong do sởi trên toàn thế giới. Từ năm 2000 đến 2013, việc tiêm chủng sởi đã làm giảm 75% tử vong do căn bệnh này.

Đối với trẻ nhiễm sởi quai bị Rubella được tiêm phòng đầy đủ và có các triệu chứng nhẹ sẽ tự khỏi bệnh. Tuy nhiên đối với phụ nữ mang thai nếu bị nhiễm virus thì nguy cơ trẻ sinh ra nhiều dị tật. Chẳng hạn như, trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, mù, điếc và chậm phát triển. Chính vì những tác hại khôn lường của những căn bệnh trên, tiêm vắc xin phòng sởi quai bị Rubella vô cùng cần thiết. Mặc dù các căn bệnh chưa có thuốc đặc hiệu điều trị dứt điểm nhưng tiêm phòng sẽ ngăn chặn được virus.

3. Độ tuổi có thể tiêm được vắc xin phòng bệnh sởi quai bị Rubella?

Vắc xin sởi quai bị Rubella tiêm khi nào là câu hỏi được hầu hết các bố mẹ quan tâm khi có con nhỏ, nhất là với những phụ huynh lần đầu có con. Phác đồ tiêm vắc xin sởi quai bị Rubella có sự khác nhau giữa các độ tuổi. Cụ thể:

+ Trẻ nhỏ khi đủ 12 tháng tuổi nên tiêm vắc xin phòng bệnh sởi quai bị Rubella với 2 liều. Mỗi liều 0.5ml và liều tiêm thứ 2 khi trẻ 4 - 6 tuổi.

+ Trẻ trong độ tuổi 9 tháng hoặc từ 6 đến 12 tháng tuổi nên tiêm vắc xin sởi đơn (MVVAC). Hoặc tiêm vắc xin MMR phòng cả 3 căn bệnh sởi quai bị Rubella và quai bị. Khi trẻ đủ 15 tháng thì tiêm nhắc lại mũi MMR và tiêm mũi thứ 2 sau 4 năm. Mũi nhắc lại thứ 3 cách mũi thứ 2 khoảng 4 năm.

+ Khi trẻ sinh sống ở nơi có dịch sởi hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh nên đi tiêm càng sớm càng tốt, trong vòng 72 giờ sau phơi nhiễm.

Không chỉ tiêm cho trẻ mà người lớn nên tiêm 1 liều vắc xin sởi quai bị Rubella 0.5ml duy nhất. Đặc biệt, với phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ thì cần hoàn thành liệu trình tiêm trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.

Vắc xin MMR có thể được tiêm cùng với vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản Imojev, DTP, TT, DT, Td, BCG và vắc-xin Polio, Haemophilus influenzae tuýp B, vắc xin phòng sốt vàng, vắc xin phòng viêm gan B.

4. Không tiêm vắc xin sởi quai bị Rubella trong trường hợp nào?

+ Đối tượng không được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi quai bị Rubella MMR

– Đã tiêm MMR theo lịch khuyến cáo;

– Đã có kháng thể IgG của sởi, quai bị, Rubella;

– Đã mắc bệnh sởi, quai bị, rubella trước đây;

– Suy giảm miễn dịch, AIDS, số lượng tiểu cầu thấp.

+ Đối tượng cần hoãn tiêm vắc xin phòng bệnh sởi quai bị Rubella MMR

– Dị ứng nặng với lòng đỏ trứng gà (do vắc xin nuôi cấy trên phôi gà);

– Phụ nữ tiêm vắc xin phòng bệnh sởi quai bị Rubella MMR phải tránh mang thai tốt nhất 3 tháng sau khi tiêm hoặc tối thiểu là 1 tháng sau tiêm;

– Có tiền sử dị ứng với neomycin;

– Có bệnh lý cấp tính như sốt, viêm đường hô hấp…;

– Bệnh lao đang tiến triển chưa được điều trị hoặc người đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch;

– Người đang xạ trị, đang sử dụng corticosteroids liều cao ≥ 2mg/kg/ngày hoặc đã sử dụng Immunoglobulins chưa ngừng được 3 tháng;

– Người có rối loạn về máu, bệnh bạch cầu, u hạch bạch huyết, có khối u tân sinh ác tính ảnh hưởng tới tủy xương hoặc hệ bạch huyết;

– Người vừa tiêm vắc xin sống giảm độc lực chưa được 1 tháng.

5. Trẻ tiêm vắc xin sởi quai bị Rubella có sốt không?

Tiêm vắc xin sởi quai bị Rubella sau 24 giờ tiêm sẽ có biểu hiện sốt nhẹ, vùng tiêm sẽ có cảm giác đau nhức, thời gian có thể kéo dài từ 1 đến 2 ngày. Ngoài ra thì trẻ còn có tác dụng phụ khác tùy vào cơ địa của trẻ như bị nổi ban đỏ, lan xung quanh chỗ tiêm và nó sẽ mất đi sau 1- 2 ngày. Các triệu chứng nhẹ này sẽ làm trẻ cảm thấy bứt rứt, khó chịu và quấy khóc nên cha mẹ cần tìm cách để giảm các triệu chứng này bằng cách nghe tư vấn từ bác sĩ.

Bên cạnh đó, một vài trường hợp sau khi tiêm vắc xin phòng sởi quai bị Rubella bị viêm tuyến nước bọt, tiêu chảy, buồn nôn. Trong trường hợp trẻ vẫn chưa hết hẳn sau vài ngày tiêm vắc xin, cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện.

6. Những lưu ý sau khi trẻ tiêm vắc xin sởi quai bị Rubella

Sau khi tiêm vắc xin xong nên để trẻ ở bệnh viện 30 phút theo dõi các phản ứng nếu có. Nhằm ngăn chặn và xử trí kịp thời tình trạng sốc phản vệ. Khi đưa trẻ về nhà, cha mẹ cũng cần theo dõi trẻ liên tục khoảng 24 - 48 tiếng. 

Chú ý tới tinh thần của trẻ, nhiệt độ cơ thể, các vết ban đỏ, nhịp thở, nhu cầu ăn và uống. Cha mẹ lưu ý không nên chạm trực tiếp vào vùng tiêm của trẻ. Tuyệt đối không dùng lá thuốc, khăn chườm nóng hoặc lạnh để chỗ tiêm không bị nhiễm trùng. 

Trong trường hợp trẻ bị sốt sau khi tiêm phòng bệnh sởi quai bị Rubella, cha mẹ không nên lo lắng. Hãy cho trẻ uống nhiều nước/sữa, dùng thuốc hạ sốt và mặc quần áo thoáng mát. Uống thêm nước hoặc điện giải, với trẻ còn bú mẹ thì cho bú nhiều hơn. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C có thể dùng paracetamol, Ibuprofen… để hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ về liều dùng tính trên cân nặng của trẻ.

Trong trường hợp trẻ gặp các triệu chứng sau, cha mẹ hãy đưa con đến cơ sở y tế ngay lập tức để được thăm khám loại trừ sốt do bệnh lý:

– Sốt cao trên 38,5 độ C và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

– Sốt kéo dài > 48 giờ hoặc sốt 1-2 ngày, hạ sốt sau đó lại sốt lại.

– Sốt kèm theo ho, hắt hơi, chảy nước mũi, tiêu chảy, phát ban….

– Trẻ bỏ ăn, thở nhanh, khó thở, tím tái, quấy khóc liên tục, co giật, li bì, hôn mê…

7. Có thể tiêm vắc xin phòng bệnh sởi quai bị Rubella ở đâu?

Cha mẹ cần tiêm chủng phòng ngừa bệnh sởi, quai bị, rubella cho con có thể lựa chọn các bệnh viện, các trung tâm tiêm phòng uy tín như VNVC, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông- Trung tâm Tư vấn & Tiêm chủng Vắc xin, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, Trung tâm Y tế dự phòng – Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương…

 

Minh Nhật

 
Theo Minh Nhật/Tổ Quốc