Những sai lầm này có thể do quan niệm dân gian hoặc cha mẹ chưa hiểu rõ về thể chất của con nhưng chính điều đó lại có thể gây hậu quả khủng khiếp đến sức khỏe của bé.
Chăm sóc trẻ sơ sinh không phải là điều dễ dàng, đặc biệt những người lần đầu làm cha mẹ thì lại càng dễ mắc những sai lầm dưới đây.
Chỗ ngồi trên xe thiếu an toàn
Một nghiên cứu năm 2016 của gần 300 gia đình, được công bố trên Tạp chí Nhi khoa Mỹ cho thấy 91% những bậc cha mẹ đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi đặt trẻ sơ sinh vào chỗ ngồi trên xe. 86% trong số đó là đặt trẻ vào ghế ngồi thường, làm tăng nguy cơ trẻ bị thương lên rất nhiều.
Đối với trẻ sơ sinh, cha mẹ nên đảm bảo khi ngồi đầu của trẻ sơ sinh không bị ngả ra phía trước vì điều này có thể gây cản trở hô hấp của bé. Thêm nữa khi cài đặt ghế ô tô cho em bé, bạn nên cài đúng góc độ để cố định được chân của bé và đảm bảo cơ thể bé có thể tựa và quay đầu sang một bên để hít thở bình thường.
Không cho bé ngủ đúng cách
Chiến dịch quốc gia "Back to sleep" thập niên 1990 đã giúp mọi người chú ý nhiều hơn đến hội chứng tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh hoặc các ca tử vong khác liên quan đến giấc ngủ của trẻ sơ sinh. Hướng dẫn từ Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ nhấn mạnh mọi em bé nên ngủ trong cũi của riêng mình và không được có những vật dưới lưng như đồ chơi. Trong và sau chiến dịch, tỉ lệ tử vong liên quan đến giấc ngủ giảm mạnh, nhưng dữ liệu gần đây cho thấy rủi ro vẫn tiếp diễn. Mỗi năm, khoảng 3.500 em bé tiếp tục chết vì các nguyên nhân liên quan đến giấc ngủ.
Một nghiên cứu vào năm 2015 chỉ ra 1 trên 5 bà mẹ cho con nằm ngủ bên cạnh hoặc trên bụng mình và 39% bà mẹ thừa nhận họ dùng những tấm đệm mềm đặt trong cũi của bé. Bác sĩ nhi khoa Tanya Altmann, tác giả cuốn sách "Baby and Toddlers Basics" (tạm dịch: Những điều cơ bản về trẻ sơ sinh và bé mới biết đi") cho hay: "Nhiều bậc cha mẹ không hề hay biết rằng không nên dùng cũi mà có đặt nhiều đồ linh tinh vào trong cũi như gối, đồ chơi".
Không cho ăn đúng theo yêu cầu
Một số cha mẹ mắc sai lầm khi để bé ngủ quá lâu giữa các lần bú, có thể do kiệt sức và nhu cầu riêng của họ để nghỉ ngơi một chút. Nhưng đó là một sai lầm, theo bác sĩ nhi khoa Altmann chia sẻ: "Những tuần đầu tiên, em bé cần phải được cho ăn 2-3 giờ mỗi lần. Nhưng khi em bé đã lấy lại cân nặng tiêu chuẩn sau sinh và nhận được sự đồng ý từ các bác sĩ y khoa thì bạn có thể kéo giãn thời gian ăn lên 4-5 giờ và không cần đánh thức bé dậy để cho ăn, nhưng trong 2 đến 3 tuần bạn buộc phải làm thế".
Cũng theo như lời của chuyên gia này: "Nếu bạn làm đúng theo quy trình và em bé phát triển tốt, thì bạn hoàn toàn có thể để bé ngủ qua đêm khi bé được 2 - 3 tháng tuổi. Nhưng hãy lưu ý rằng một số trẻ sơ sinh ở giữa tháng thứ 3 và 4 sẽ hay thức dậy và cần được cho ăn thường xuyên".
Sai lầm khi pha sữa công thức hoặc cho con bú
Nhiều cha mẹ thường mắc sai lầm khi đong tỷ lệ nước và sữa khi pha sữa công thức như pha quá đặc hoặc quá loãng. Nếu bạn pha sữa quá loãng bé sẽ không nhận được các chất >dinh dưỡng cần thiết và chú ý nhớ làm đúng theo hướng dẫn pha sữa để bé nhận được nguồn dinh dưỡng tốt nhất.
Không vỗ ợ hơi cho bé đúng cách
Nhiều cha mẹ gặp rắc rối trong việc vỗ ợ hơi cho trẻ. Bác sĩ Gannon - làm việc tại Nhi khoa Calabasas ở California chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng nhiều người lần đầu làm mẹ lo lắng về việc xử lý vấn đề này. Họ thường sẽ đặt em bé xuống một cách nhanh chóng sau khi cho ăn bởi vì họ sợ rằng mình sẽ không bế con đúng cách. Và hậu quả của việc đó là bé thường bị trớ ra hết sữa, nhanh thức dậy và khóc thét vì đau đớn".
Có nhiều cách vỗ ợ hơi cho bé bạn có thể thử cho đến khi bạn tìm thấy cách tốt nhất cho em bé của bạn. Cách mà được nhiều người áp dụng nhất đó là bạn bế bé cao lên tầm ngực sao cằm của bé đặt trên vai và mặt quay sang một bên, bụng của bé tựa vào ngực của bạn. Xoa nhẹ hoặc chà nhẹ lưng bé cho đến khi bé ợ.
Một kỹ thuật phổ biến khác là đặt em bé úp mặt xuống đùi và vỗ nhẹ. Các cách khác bao gồm những bài tập nhẹ nhàng cho bé. Đặt bé nằm trên một tấm chăn trên sàn và bắt đầu chuyển động chân bé như đang đạp xe hoặc nâng chân bé lên xoay vòng tròn theo các hướng.
Đưa trẻ sơ sinh đến những nơi đông đúc
Một số phụ huynh muốn đưa con đến những nơi đông đúc như một cuộc họp gia đình lớn để mọi người có thể gặp gỡ, trò chuyện và chơi đùa với bé. Bác sĩ Altmann cho rằng: "Hai tháng đầu đời của bé, bạn thực sự cần bảo vệ chúng khỏi tiếp xúc với mầm bệnh và những người có khả năng bị bệnh bởi hệ miễn dịch của bé còn yếu và vẫn đang phát triển".
Điều đó không có nghĩa là bạn phải cả ngày ở nhà. Các chuyên gia khuyến khích nên cho trẻ đi dạo hàng ngày và cho biết hoàn toàn không vấn đề gì khi bế trẻ ngồi trong sân vườn hoặc trước hiên nhà. "Nhưng tuyệt đối đừng đưa trẻ đến những nới quá đông đúc bởi khi đó bạn có thể khiến con vô tình tiếp xúc với cúm hoặc một căn bệnh truyền nhiễm khác có thể lây lan, ngay cả khi họ cách xa vài bước chân", vị chuyên gia này chia sẻ.
Xử lý không đúng cách khi con bị sốt
Sốt ở trẻ sơ sinh có thể nghiêm trọng. Nếu bé nhỏ hơn 3 tháng và bị sốt trên 38 độ C hãy gọi ngay cho các bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia y tế. Nhưng nếu đối với trẻ lớn hơn thì lại khá phức tạp.
"Đối với những đứa trẻ lớn tuổi hơn, tôi thường nói với cha mẹ đừng lo lắng về những gì thể hiện ở con số trên nhiệt kế. Thay vào đó, hãy xem xét kỹ con bạn để tìm ra những gì đang xảy ra với chúng, bởi vì không phải mọi cơn sốt đều cần được điều trị", Altmann giải thích. Hãy nhìn các con và quan sát: Bé có uống đủ nước không? Có vui vẻ chơi đùa không? Ngủ có ngon không? Có gặp vấn đề gì khi thở không?...
Các chuyên gia nói rằng hầu hết các cơn sốt đều vô hại và có khả năng là do nhiễm trùng nhẹ và đừng chỉ quan tâm duy nhất đến nhiệt độ trên nhiệt kế mà quan trọng nhất là bạn xử lý đúng cách.
Chưa điều chỉnh nhiệt độ trong nhà thích hợp cho bé
Một vấn đề đáng quan tâm khác với các cha mẹ đó là: nên giữ ấm cho trẻ như thế nào. Bác sĩ nhi khoa Jennifer Shu, đồng tác giả của cuốn sách "Heading Home with Your Newborn" (tạm dịch: "Nuôi dưỡng bé sơ sinh tại nhà") cho biết bà thường đề nghị các bậc cha mẹ điều chỉnh nhiệt độ trong nhà sao cho phù hợp, điều này phụ thuộc vào từng mùa trong năm hoặc sự cách nhiệt của ngôi nhà, nhưng nhìn chung nhiệt độ dao động từ 20 đến 22 độ C là thích hợp với trẻ sơ sinh.
Ngoài ra, bác sĩ Gannon cũng lưu ý không nên để trẻ bị lạnh và đưa ra lời khuyên cha mẹ nên mặc áo và đóng bỉm cho bé khi ngủ. Đồng thời bà cũng chia sẻ rằng làn da của trẻ sơ sinh phải luôn ấm khi chạm vào, không được nóng hay lạnh quá: "Nếu trẻ bị lạnh thì cơ thể sẽ phải đốt cháy thêm calo để giữ ấm trong khi lượng calo đó có thể giúp trẻ lên cân khỏe mạnh. Vậy nên dù trẻ có được cho ăn đầy đủ thì vẫn không thể phát triển tốt được vì cơ thể chúng phải đốt nhiều calo để giữ ấm".