Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng không nhỏ. Ở trẻ em cách bảo vệ tốt nhất để tránh bệnh này là tiêm phòng vắc xin.
Việc nghiên cứu vắc xin bạch hầu được bắt đầu từ những năm 1921 nhưng mãi đến những năm 1930 trở đi mới phát triển rộng. Khi tiêm vắc xin chứa thành phần bất hoạt của các vi khuẩn sẽ có tác dụng kích thích cơ thể, từ đó tạo ra một miễn dịch cho cơ thể giúp chống sự xâm nhập của các vi khuẩn. Một người đã tiêm vắc xin sẽ rất ít có khả năng bị nhiễm bạch hầu, ho gà, uốn ván hoặc chỉ nhiễm các vi khuẩn với triệu chứng nhẹ.
Biến chứng khó lường khi trẻ bị bạch hầu
Theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Bách – Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, đối với trẻ sơ sinh hay trẻ dưới 1 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm rất cao và bệnh bạch hầu cũng không ngoại lệ. Với các trường hợp là trẻ đẻ non, sữa mẹ không đầy đủ, trẻ suy >dinh dưỡng…càng có nguy cơ nhiễm bệnh.
Trẻ bị bệnh bạch hầu sẽ bị ảnh hưởng lớn đến >sức khỏe và có những biến chứng nặng nề về tim mạch như :viêm cơ tim. Nghiêm trọng hơn nữa, biến chứng bạch hầu thanh quản có thể gây suy hô hấp và nặng dẫn đến tử vong.
Vì vậy để giảm tỷ lệ nhiễm và đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ nhỏ, tổ chức y tế thế giới đã đưa 3 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván vào tiêm phòng cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở đi.
Nên tiêm vắc xin như thế nào hợp lý?
Để đảm bảo hiệu quả của vắc xin sớm tạo ra miễn dịch cho trẻ phòng chống bệnh tật, các mẹ nên đưa trẻ tiêm phòng mũi đầu tiên là: Vắc xin Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván(DPT) từ tháng thứ 2.
Các mẹ có thể tiêm phòng cho con tại các trạm y tế khu vực (ở đây chỉ cần đăng ký để được thực hiện theo chương trình tiêm chủng quốc gia). Mũi tiêm thứ 2 và thứ 3 (mũi cuối cùng) được thực hiện lần lượt sau 1 tháng. Khi tiêm phòng xong nhân viên y tế sẽ ghi đầy đủ thông tin về hành chính và các mũi tiêm phòng cho trẻ vào sổ để gia đình theo dõi.
Chăm sóc trẻ sau tiêm phòng thế nào?
Sau khi tiêm vắc xin Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván trẻ vẫn được theo dõi theo quy trình tiêm chủng tại trạm y tế.
- Đối với vắc xin này phản ứng hay gặp là trẻ sẽ sốt cao sau khi tiêm và 1,2 ngày sau khi tiêm.
- Đối với những trường hợp sốt cao, bố mẹ của trẻ phải dùng cặp nhiệt độ theo dõi sát nhiệt độ của trẻ.
- Nếu trẻ sốt > 38.5 thì có thể dùng thuốc hạ sốt cho trẻ, thường dùng là thuốc có thành phần Paracetamol với liều lượng 15 mg/kg cân nặng. Quan trọng hơn là bố mẹ của trẻ phải dùng nước chườm vào tay chân để hạ nhiệt độ cho bé.
Bác sĩ Bách cũng lưu ý:Thường sau khi tiêm phòng trẻ sốt cao nhưng trẻ vẫn chơi đùa được, người mẹ phải quan sát bé để phát hiện sớm sự bất thường của trẻ như: ít chơi đùa, li bì hơn, co giật. Khi có sự bất thường như vậy thì phải đưa trẻ đi khám.
Khi trẻ sốt sự tiêu hóa và nhu động ruột của trẻ có thể bị ảnh hưởng, mẹ vẫn có thể cho trẻ bú mẹ bình thường nhưng nên cho trẻ ăn ít một và chia nhỏ bữa để tránh nôn trớ.