GS Phạm Nhật An, Nguyên Phó giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, vào dịp Tết Nguyên đán, thời tiết thay đổi, cộng thêm nhịp sinh hoạt bất thường, trẻ em sức đề kháng kém, khiến bé dễ mắc bệnh.
Trẻ hay mắc bệnh hô hấp, tiêu hóa trong dịp Tết
Theo Nhà giáo nhân dân, GS.TS. Phạm Nhật An, Nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Tết là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột kèm theo mưa, độ ẩm không khí cao, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm nhiều, khiến cơ thể trẻ khó thích nghi.
Thời tiết mùa xuân thay đổi khiến trẻ dễ mắc bệnh
Trẻ em do sức đề kháng kém nên dễ mắc bệnh. Ngày Tết, trẻ được ăn uống tự do, sinh hoạt không có nề nếp, trẻ đi ra ngoài nhiều, tiếp xúc với nhiều môi trường ô nhiễm bên ngoài…. cũng là những nguyên nhân khiến trẻ dễ gặp các bệnh về hô hấp hoặc tiêu hóa.
Nguyên nhân là do đây là mùa mà vi khuẩn, virus phát triển, chúng ở khắp nơi trong môi trường và dễ lây từ người này sang người khác. Một số bệnh hô hấp hay gặp ở trẻ là bệnh sởi, cúm, ho gà, các loại viêm đường hô hấp do virus hoặc vi khuẩn.... Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể gặp các vấn đề về tiêu hóa, do trẻ được ăn uống quá nhiều loại thực phẩm hoặc thực phẩm không được bảo đảm vệ sinh. Tết còn là mùa của các bệnh về da, viêm kết mạc mùa xuân, hay các bệnh do dị ứng phấn hoa….
Làm gì để phòng bệnh cho trẻ dịp Tết?
Để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh thường gặp, GS An khuyên cha mẹ nên quan tâm đến việc phòng bệnh hơn là để bé mắc bệnh rồi mới chữa. Một số biện pháp phòng bệnh cho trẻ mà cha mẹ cần tuân thủ:
- Cho bé tiêm đầy đủ các loại vaccine theo lịch tiêm chủng.
- Hạn chế tối đa việc thay đổi môi trường đột ngột từ nóng sang lạnh, tránh gió lùa, nếu cho trẻ ra ngoài chơi cần mặc quần áo ấm.
- Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, những người đang bị ốm.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ bằng cách rửa tay chân, vật dụng, đồ chơi của trẻ, giữ vệ sinh ăn uống …
Bé đau bụng, sốt, kèm theo bỏ ăn, trướng bụng cần được đi khám bệnh
Khi nào cần đưa trẻ nhập viện?
Có một thực tế là khi thấy trẻ mắc bệnh, có gia đình vì sốt ruột đưa trẻ nhập viện ngay, trong khi đó nhiều gia đình có tâm lý trì hoãn không đưa trẻ đi khám bệnh. GS Phạm Nhật An cho biết, có những chứng bệnh thông thường không cần đưa trẻ đến bệnh viện, như hội chứng cảm cúm, với các biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi nhẹ … trẻ sốt nhẹ, vẫn ăn uống được thì cha mẹ có thể giữ trẻ ở nhà theo dõi trẻ. Với những bé mắc bệnh đường tiêu hóa, như đi ngoài, có thể cho bé uống oresol và theo dõi tại nhà.
Nếu có những biểu hiện sau cần nhập viện cấp cứu:
- Trẻ tím tái, khó thở, thở rít.
- Sốt cao có nguy cơ co giật.
- Có dấu hiệu mất nước, xuất huyết ….
- Nếu trẻ tiêu chảy kèm theo sốt, bỏ ăn hoặc bụng trướng cũng cần đưa trẻ đi khám.
- Một đứa trẻ đang chơi bỗng nhiên nôn nhiều, bỏ ăn cần đưa ngay bé đến viện để được khám và cấp cứu kịp thời.
Cha mẹ nên nhớ, “trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ”, không nên quá lo lắng khi trẻ bị bệnh nhưng cũng không nên chủ quan trước các dấu hiệu bất thường, dồn dập ở trẻ. Nếu trẻ có những dấu hiệu kể trên đừng chần trừ, hãy đưa bé ngay đến bác sĩ để được xử trí kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm tới >sức khỏe của trẻ.