Có những trẻ sau khi rụng thì rốn khô dần nhưng một số bé dù đã rụng rốn mà rốn vẫn có tình trạng ướt, có mùi hoặc có chồi rốn. Vì vậy, ngay cả khi rốn đã rụng, việc vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh rất quan trọng.
Thông thường, cuống rốn sẽ tự rụng trong khoảng hai tuần. Lúc này, cha mẹ sẽ thấy rốn của bé trông không giống như một cái rốn bình thường, thậm chí còn có một ít vết thương. Nhưng bạn yên tâm, nó sẽ tự lành. Việc vệ sinh rốn cho >trẻ sơ sinh lúc này dễ dàng hơn trước rất nhiều nhưng vẫn có một quy trình chăm sóc rốn sau khi cuống rốn rụng mà cha mẹ cần lưu ý.
Những bất thường sau khi trẻ rụng rốn
Thông thường, sau khi cuống rốn rơi ra, rốn sẽ trông gần giống như một vết thương hở nhỏ. Nhưng như đã nói ở trên, rốn của trẻ sơ sinh sẽ tự lành. Cha mẹ chỉ cần giữ cho khu vực này luôn được khô ráo và thông thoáng để rốn nhanh lành. Tuy nhiên, cha mẹ cũng đừng nên lơ là mà bỏ qua các dấu hiệu nhiễm trùng rốn, mặc dù khả năng để điều này xảy ra sẽ thấp hơn so với lúc còn cuống rốn.
- Kiểm tra mùi: Đây là điều bình thường khi cha mẹ thấy rốn của bé hơi hơi có mùi, vì nó vẫn đang trong quá trình lành. Tuy nhiên, nếu rốn bốc mùi hôi hoặc có mủ thì nghĩa là bé đã bị nhiễm trùng rốn sơ sinh và cần phải được điều trị thích hợp. Cha mẹ hãy gọi cho bác sĩ để được hướng dẫn thêm.
- Quan sát các dấu hiệu nhiễm trùng khác: Nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh có thể xuất hiện theo nhiều cách khác nhau. Nếu cha mẹ thấy bất kỳ một vết đỏ hoặc vết sưng nào mà không biến mất sau một ngày, thì rốn có thể đã bị nhiễm trùng.
Giống như khi bị đầy bụng, nhiễm trùng rốn cũng khiến em bé lười ăn, cáu kỉnh hoặc thèm ăn liên tục, thậm chí sốt. Khi thấy những dấu hiệu này, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ bởi đó là những triệu chứng của nhiễm trùng rốn.
- Chồi rốn: Chồi rốn ở trẻ sơ sinh là phần u hạt xuất hiện ở rốn như chồi, thường thấy rõ khi cuống rốn đã rụng. Chồi rốn có kích thước nhỏ thì như hạt gạo, lớn hơn thì như hạt ngô hoặc hạt đậu, có thể kèm tình trạng chảy dịch kéo dài làm ướt rốn.
Chồi rốn có thể là bệnh lý u hạt rốn hoặc nang niệu rốn. Bệnh dù không nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị một cách kịp thời, sẽ dẫn tới nhiễm trùng và gây nguy hiểm thực sự cho >sức khỏe của trẻ. Đa phần trẻ bị chồi rốn thường kèm theo tình trạng chảy dịch làm ướt rốn, bé khó chịu, quấy khóc và có thể còn bị sốt nữa.
Trong quá trình >vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh, khi phát hiện những biểu hiện bất thường ở phần rốn của bé, các mẹ nên cho con đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời, nhằm tránh sự phát triển của bệnh lý. Nhiều bậc cha mẹ thường sai lầm ở chỗ, là tự mua thuốc và tự điều trị cho bé ở nhà, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
- Thoát vị rốn hay còn gọi là rốn lồi ở trẻ sơ sinh là một khối phồng chứa mô bụng, chất lỏng hoặc chất béo. Hầu như thoát vị rốn có thể tự chữa lành, nhưng đôi khi nó cần phải phẫu thuật để loại bỏ.
Chăm sóc rốn trẻ sơ sinh sau khi rụng
Khi cha mẹ đã kiểm tra xong các dấu hiệu nhiễm trùng rốn và mọi thứ đều tốt thì bạn nên giữ cho khu vực rốn luôn khô ráo và sạch sẽ. Bởi bụi bẩn vẫn dễ dàng tích tụ trong khu vực đặc biệt này và nếu không được vệ sinh cẩn thận thì nhiễm trùng rốn vẫn có thể xảy ra. Cha mẹ hãy luôn chú ý đến khu vực xung quanh rốn bé. Nếu thấy bụi bẩn hãy lau ướt rồi lau khô ngay.
- Bạn nhẹ nhàng lau rốn của bé bằng khăn ướt có vài giọt sữa tắm trẻ em và vuốt nhanh vào bên trong rốn của bé mỗi khi tắm. Bạn nên làm điều này hàng ngày để ngăn bụi bẩn tích tụ trong rốn của bé. Sau khi tắm, đừng quên lau khô bên trong rốn bằng tăm bông bởi rốn ẩm ướt sẽ là nơi sinh sản của vi khuẩn và nấm.
- Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm >chăm sóc da trên rốn của bé. Phấn, dầu, kem dưỡng ẩm, và những thứ tương tự có thể tích tụ bên trong và là nguyên nhân gây kích ứng da hoặc tệ hơn là nhiễm trùng rốn.
- Các chuyên gia hướng dẫn cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh bằng một miếng bông mềm được nhúng nhẹ vào cồn 70%, xoáy miếng bông vào bên trong rốn của bé, nhưng cẩn thận không được chọc quá sâu. Nếu có điều gì đó cha mẹ cảm thấy không ổn, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để nhận được lời khuyên.