Nghiên cứu được công bố đã giúp các bậc phụ huynh thiết lập phương pháp giáo dục trẻ phù hợp.
Mới đây, ông Bastian Bettser – nhà Xã hội học tại Đại học Oxford (Vương quốc Anh) cùng những cộng sự của mình đã tiến hành một nghiên cứu về khả năng học tập của trẻ. Kết quả cho thấy, sau dịch bệnh COVID-19, trẻ em ở các độ tuổi đều mất đi 35% khả năng học tập. Đặt biệt, kỹ năng toán học giảm sút nhiều hơn so với kỹ năng đọc hiểu.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng thuật ngữ "thiếu hụt khả năng" học tập để chỉ sự chậm trễ của trẻ. Trẻ trì hoãn tiến độ học tập dự kiến, cũng như mất đi các kỹ năng, kiến thức trước đó đã tiếp nhận. Nhờ nghiên cứu được công bố, giáo viên trong các trường học đã phối hợp với phụ huynh để đưa ra kế hoạch giúp cải thiện tình hình cho trẻ.
Ông Bastian Bettser chia sẻ: "Liên Hợp Quốc ước tính 95% học sinh trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa trường học trong những đợt dịch COVID-19. Việc dạy học trực tuyến khiến trẻ dễ bị tổn thương tâm lý và ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu kiến thức. Tuy nhiên, xét về mặt tích cực, trẻ đã quen thuộc hơn với nền tảng công nghệ, kỹ thuật số, phát triển được một số kỹ năng mềm hữu ích khác".
Nhà Xã hội học Bastian Bettser đã đưa ra 3 lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ trong việc hỗ trợ con cải thiện khả năng học tập. Từ đó, trẻ sẽ có hứng thú học hơn, nâng cao được điểm số.
1. Lắng nghe chia sẻ của con
Trước hết, cha mẹ cần chia sẻ và trò chuyện với con hằng ngày để nắm bắt tâm lý, cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn mà con đang gặp phải. Điều này rất quan trọng bởi khi trẻ chia sẻ, cha mẹ mới có thể tháo gỡ, định hướng cũng như cùng con tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề. Tránh tình trạng đến khi con không chia sẻ được với ai hoặc khi cha mẹ phát hiện ra đã quá muộn.
Ngoài ra, trong quá trình trò chuyện, hướng dẫn con học, cha mẹ nên khen con đúng lúc, nhưng đừng thưởng. Lời khen luôn có tác dụng tạo động lực, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Khi con nhận được lời khen từ thầy cô, hãy theo đó mà khen ngợi con thêm một chút. Hãy làm điều tương tự khi chứng kiến thái độ học tập chăm chỉ, tiến bộ của con.
2. Truyền cảm hứng cho con
Đôi khi trẻ học với tâm lý là học cho cha mẹ, những kiến thức mình đang học chẳng có gì thú vị, cũng chẳng đem lại điều gì. Với tâm lý đó, nhiều trẻ học cho xong, chứ chưa thấy được sự cần thiết cũng như nghĩa vụ và quyền lợi của bản thân đối với việc học.
Như vậy, vai trò của cha mẹ là rất quan trọng, cha mẹ cần truyền cảm hứng cho con thông qua việc học mà chơi. Cha mẹ có thể truyền tải lại hình tượng các nhân vật lịch sử qua câu chuyện học đóng kịch, cùng thực hành những phản ứng hóa học hay tạo phát minh nho nhỏ để giúp con cảm thấy hứng khởi hơn. Cha mẹ cũng có thể nghiên cứu những video trên youtube để cùng con thực hành ứng dụng kiến thức đã học.
Không chỉ vậy, các bậc phụ huynh có thể tạo ra những buổi dã ngoại, những trải nghiệm thú vị cho trẻ vào dịp cuối tuần như đến bảo tàng, khu di tích lịch sử hoặc những nơi có ý nghĩa giáo dục, tham gia hoạt động liên quan đến việc thực hành kiến thức đã học… Điều này sẽ khiến chuyến đi trở nên có ý nghĩa và trẻ sẽ rút ra được nhiều bài học bổ ích.
3. Xây dựng thời gian biểu cùng trẻ
Cha mẹ nên cùng trẻ xây dựng thời gian biểu cho những việc cần làm trong ngày và thực hiện nghiêm túc. Việc này giúp trẻ cảm nhận được sự tôn trọng và chủ động trong các công việc cần làm mà không thấy bị gò bó hay áp đặt. Nhờ đó, trẻ sẽ hào hứng, tập trung để hoàn thành nhiệm vụ trong ngày.
Mỗi một lứa tuổi có thời gian tập trung khác nhau. Do đó cha mẹ nên sắp xếp thời gian học tập phù hợp tùy từng độ tuổi của trẻ. Bên cạnh đó, việc cân bằng thời gian học tập và nghỉ ngơi vô cùng quan trọng. Việc nghỉ ngơi hợp lý giữa các giờ học sẽ giúp trẻ học tập hiệu quả hơn. Tuy nhiên cha mẹ cũng lưu ý nên tăng dần thời gian học tập hàng ngày, mỗi hôm tăng thêm 5-7 phút cho đến khi trẻ quen sẽ giúp trẻ học tập trung và chú ý hơn.