Cơn "khát" nhân lực của ngành này chưa bao giờ hạ nhiệt, bất kể giữa làn sóng sa thải đang hoành hành.
Chúng ta đang sống trong thời đại kỷ nguyên số với những bước đột phá của công nghệ tác động đến nhiều ngành nghề trong mọi lĩnh vực. Theo đó, ngành công nghệ thông tin (CNTT) dự báo sẽ trở thành ngành học "hot" được nhiều bạn trẻ theo đuổi.
Nguyễn Thị Phương Thảo - người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự tại các tập đoàn lớn về công nghệ. Cô hiện là Trưởng phòng nhân sự tại VNG ZingPlay Studios, đồng thời là một Chuyên gia khai vấn thuộc Liên đoàn khai vấn quốc tế, nhận định:
"Trong cuộc cách mạng 4.0, ngành IT luôn được đánh giá về sự triển vọng và phát triển trong tương lai như: Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo, Phát triển phần mềm, Phát triển game… Đặc biệt trong cuối 2022, đầu 2023 những xu hướng mới về trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành xu hướng mạnh mẽ khi mọi người được tiếp cận một sản phẩm trí tuệ nhân tạo mang tính hỗ trợ thực tiễn cao cho tất cả ngành nghề".
Có thể nói, học ngành CNTT là một lựa chọn thông minh, phù hợp với thế hệ Z luôn muốn thử thách bản thân, sẵn sàng thay đổi, thích nghi với cái mới.
Cơ hội việc làm rộng mở với mức lương cao ngất
Có thể nói, CNTT được mệnh danh "vua của các ngành". Điều này đã chứng minh được phần nào "độ hot" của nghề tại thị trường Việt Nam, cũng như thế giới hiện nay. Nhu cầu tuyển dụng kỹ sư IT liên tục tăng toàn cầu và không có dấu hiệu giảm nhiệt.
Theo một nghiên cứu trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu nhân lực IT tại Việt Nam không ngừng tăng cao. Dựa trên báo cáo thị trường IT năm 2020 của TopDev và tốc độ tăng trưởng số lượng lập trình viên tại Việt Nam, năm 2021 Việt Nam cần 450.000 nhân lực CNTT. Tuy nhiên, tổng số lập trình viên hiện tại ở Việt Nam (tính đến quý 1/2021) là 430.000, có nghĩa là 20.000 vị trí lập trình viên sẽ không được lấp đầy trong tương lai gần.
Được biết, sự thiếu hụt này xuất phát từ sự chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và các yêu cầu kinh doanh. Đáng chú ý là hiện nay chỉ có khoảng 16.500 sinh viên trong tổng số 55.000 sinh viên chuyên ngành CNTT đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Cũng theo một thống kê khác từ Bộ thông tin và Truyền thông, mỗi năm Việt Nam sẽ tăng 13% nhu cầu tuyển dụng về CNTT. Sự phát triển của khoa học công nghệ khiến cho rất nhiều đơn vị hoạt động về nhiều mảng khác nhau trong thị trường công nghệ thông tin rộng lớn hiện nay.
Còn về mức lương của ngành này, theo Báo cáo thị trường IT Việt Nam năm 2022 do TopDev phát hành, mức lương lập trình viên dao động từ $350 cho Fresher (hơn 8,2 triệu đồng) đến $1.190 (hơn 28 triệu đồng) cho vị trí Mid-Senior. Lập trình viên Senior có mức lương dao động từ $860 (hơn 20 triệu đồng) đến $1.510 (hơn 35 triệu đồng). Các vị trí Quản lý (từ 5 năm trở lên) hoặc cấp cao hơn được khảo sát có mức lương từ $1.410 (hơn 33 triệu đồng) cho đến hơn $2.300 (hơn 54 triệu đồng).
Tuy được săn đón với mức lương hấp dẫn, nguồn cung nhân lực trong lĩnh vực CNTT vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và tốc độ phát triển như mong đợi của ngành. Do vậy, đây vẫn sẽ là "mảnh đầy màu mỡ" cho những ai muốn theo đuổi lĩnh vực này.
Trong những năm gần đây, lượng thí sinh đăng ký nộp hồ sơ xét tuyển nhóm ngành CNTT tại các trường đại học có xu hướng gia tăng bởi đây là lĩnh vực được đánh giá có tiềm năng và cơ hội nghề nghiệp rất cao trong tương lai.
Cụ thể, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, điểm chuẩn ngành CNTT của trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) là 28,2 điểm. Ngành CNTT chương trình chất lượng cao, các ngành Máy tính và Công nghệ thông tin của trường cùng mức 27,2 điểm. Còn trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ngành có điểm chuẩn cao nhất là ngành Công nghệ thông tin - Kỹ thuật Máy tính với 28,29 điểm.
Dưới đây là một số trường đào tạo ngành CNTT có tiếng:
- Đại học Bách khoa Hà Nội
- Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội
- Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội
- Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
- Học viện Kỹ thuật Quân sự
- Đại học FPT
- Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia TP.HCM
- Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM
- Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM
- Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội
Sau khi ra trường, các bạn sinh viên học về CNTT có thể đảm nhận rất nhiều vị trí công việc như: Lập trình viên công nghệ thông tin; Chuyên gia phân tích hệ thống; Quản trị cơ sở dữ liệu; Nhà quản lý hệ thống thông tin; Chuyên gia mật mã; Quản trị mạng; Kỹ sư phần mềm...
Sức hút của Công nghệ thông tin chưa bao giờ giảm nhiệt. Cuộc sống càng hiện đại, con người càng cần công nghệ và những sản phẩm công nghệ cao. Dù là lĩnh vực nào đi chăng nữa như: ngân hàng, hàng không, viễn thông, an ninh quốc phòng, tiêu dùng, >giải trí… tất cả đều cần đến các ứng dụng CNTT. Đây chính là cơ hội cho những bạn trẻ có đam mê với lĩnh vực này.