Nghiên cứu chỉ ra thói quen ăn vặt quá nhiều khiến răng bé bị phá hủy hay còn gọi là sâu răng, kể cả bé đánh răng đủ 3 lần mỗi ngày.
Đánh răng đủ 3 lần mỗi ngày chưa chắc đã đủ để bảo vệ răng bé
Sâu răng là một bệnh lý về răng miệng có thể xảy ra với mọi lứa tuổi, nhưng 90% tập trung ở trẻ nhỏ. Sâu răng ở trẻ em hình thành và phát triển rất nhanh, khiến cho bé đau nhức và ảnh hưởng không nhỏ đến việc ăn nhai hàng ngày.
Để điều tra và tìm ra nguyên nhân khiến răng bé bị sâu, hai trường đại học Edinburgh và Glasgow ở Scotland đã cùng thực hiện nghiên cứu với hơn 4.000 trẻ ở độ tuổi mầm non (2-5 tuổi). Kết quả được công bố trên tạp chí Y tế Cộng đồng - Journal of Public Health cho thấy thói quen ăn vặt quá nhiều là nguyên nhân hàng đầu khiến cho răng của trẻ bị phá hủy, đặc biệt là với trẻ dưới 5 tuổi. Các nhà nghiên cũng chỉ ra những đứa trẻ ăn đồ ăn vặt quá nhiều trong 1 ngày sẽ có nguy cơ sâu răng cao hơn so với trẻ ăn theo đúng bữa và nói không với đồ ăn vặt.
Sau khi tìm hiểu nguyên nhân và tiến hành phân tích kĩ càng sự phát triển của răng sâu, các chuyên gia nhận định việc bé chăm chỉ đánh răng đều đặn 3 lần mỗi ngày chỉ có thể giúp bảo vệ một phần và hoàn toàn không đủ để bảo vệ răng tối ưu. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng trẻ khi 2 tuổi mà đánh răng càng ít thì nguy cơ sâu răng khi 5 tuổi càng cao và ngược lại.
Ngoài việc đánh răng thì việc hạn chế ăn đồ ngọt cũng là yếu tố then chốt giúp giảm sâu răng
Mặc dù răng sữa chỉ là răng tạm thời, nhưng các nhà nghiên cứu nhấn mạnh: "Thói quen giữ răng miệng sạch sẽ nên được hình thành ngay từ khi trẻ còn nhỏ, và điều này có mối liên quan mật thiết đến cả chế độ ăn uống và việc đánh răng hàng ngày của trẻ".
Nghiên cứu này còn chỉ ra các yếu tố kinh tế xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa sâu răng ở trẻ em, trong đó có sự nhận thức của cha mẹ sẽ góp phần cải thiện rõ rệt tình trạng sâu răng của trẻ cùng với chế độ ăn uống hợp lý và vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
Theo Tiến sĩ Valeria Skafida, nhà nghiên cứu đầu ngành tại trường Đại học Khoa học Chính trị và Xã hội Edinburgh (Scotland), biện pháp đầu tiên và cần được thực hiện ngay để giảm hiện tượng sâu răng ở trẻ nhỏ đó chính là hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt. Việc giảm đồ ngọt sẽ có tác động tích cực đối với >sức khỏe răng miệng của trẻ đồng thời giúp bé hấp thụ các chất >dinh dưỡng khác tốt hơn.
Còn Tiến sĩ, bác sĩ Stephanie Dance, một nhà vi sinh học thuộc bệnh viện Southern General Hospital ở Glasgow, Scotland thì cho rằng: "Những bé thường ăn đồ ngọt như kẹo hay sôcôla 1 lần mỗi ngày hoặc nhiều hơn thì cần chăm chỉ đánh răng nhiều hơn - 1 đến 2 lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày".
Tuy nhiên, việc khuyến khích trẻ đánh răng mỗi ngày không phải là điều đơn giản, bởi trẻ nhỏ không có ý thức về vấn đề vệ sinh răng miệng và hiểu hết được tầm quan trọng của nó. Và đây là 1 số giải pháp cha mẹ có thể áp dụng để bé chăm đánh răng hơn mỗi ngày.
- Tạo thói quen đánh răng cho con: Trẻ nhỏ không tự lập thói quen đánh răng mà sẽ nhìn cha mẹ để làm theo. Chính vì thế cha mẹ cần làm gương để các bé noi theo, hướng dẫn bé cách chải răng và luôn thực hiện theo đúng thời gian quy định.
- Biến việc đánh răng thành 1 hoạt động vui nhộn: Trẻ nhỏ thường thích tham gia những trò chơi, hoạt động vui nhhộn, sôi nổi. Tại sao không tận dụng bàn chải và kem đánh răng để tạo bọt trong miệng, hoặc có thể thi xem ai đánh răng sạch và đúng thao tác nhất. Cha mẹ có thể sáng tạo thêm nhiều cách để các bé hào hứng hơn.
- Chỉ cho bé các mảng bám trong răng: Có một số loại bột hòa tan sẽ chuyển màu hồng khi gặp mảng bám tích tụ trên răng của bé. Cha mẹ có thể tìm hiểu sản phẩm này và chỉ cho bé những khối mảng bám đó chính là tác nhân gây hỏng răng, làm đau răng bé để kích thích việc đánh sạch vết bẩn trên răng.
- Cho bé cơ hội lựa chọn: Bé sẽ rất thích nếu được lựa chọn bàn chải cho riêng mình với màu sắc ưa thích của bé. Hoặc lựa chọn loại kem đánh răng với hương vị mà bé thấy dễ chịu và thích thú. Điều này sẽ giúp bé tự tin hơn và tự giác hơn mỗi khi đánh răng.
- Khen ngợi, khích lệ bé: Trẻ nhỏ thường không thích bị bắt ép làm việc gì đó, kể cả là đánh răng. Cha mẹ hãy kích thích cái tôi của trẻ trong việc tự giác vệ sinh răng miệng hàng ngày. Nếu trẻ làm tốt thì những lời khen ngợi, động viên sẽ rất có ích trong trường hợp này.