Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng Khoa Nhi BV Bạch Mai, trẻ thường nhập viện đông khi thời tiết nóng bức bởi một phần do sai lầm của các vị phụ huynh để trẻ 24/24 trong phòng điều hòa và bữa ăn hằng ngày thiếu hụt vi chất dinh dưỡng.
Những sai lầm trong cách chăm sóc khiến trẻ dễ ốm
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng Khoa Nhi BV Bạch Mai, để trẻ trong phòng khiến trẻ không tổng hợp được Vitamin D từ ánh nắng mặt trời nên hay quấy khóc, ngủ kém ban đêm, đổ mồ hôi trộm, sức đề kháng suy giảm. Bên cạnh đó, do không được vui chơi, chạy nhảy, trẻ tiêu hao ít năng lượng sẽ không thể ăn ngon. Vì vậy, cần cho trẻ ra ngoài trời vào buổi sáng sớm (6 – 7h sáng), khi nắng trưa gắt để trẻ tắm nắng, hít thở không khí trong lành ít nhất 15 phút mỗi ngày.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng lưu ý, trẻ sốt cao, viêm họng do phần lớn dùng quạt và điều hòa không đúng cách. Không nên để quạt xối thẳng vào trẻ mà chỉ bật gió thoảng;
Nên để điều hòa ổn định ở 26, 27 độ trở lên; Không bật, tắt điều hòa nhiều lần bởi sẽ vô tình gây nên sự tăng giảm nhiệt độ đột ngột đối với trẻ;
Không quá lạm dụng điều hòa, chỉ khi trời bắt đầu về trưa, oi bức (từ 10h, 11h trở đi mới nên bật). Bên cạnh đó, nhỏ nước muối sinh lý vào mắt, mũi cho trẻ tránh tình trạng khô mũi do ngồi điều hòa.
Trẻ đi ngoài trời nóng về, cần lau sạch mồ hôi rồi mới bật điều hòa hoặc tắm cho trẻ. Không tắm khi đang toát mồ hôi sẽ gây cảm. Tuyệt đối không cho trẻ ngâm nước quá lâu. Nếu trẻ được tắm bể bơi hoặc tắm biển thì cũng chỉ cho ở dưới nước tối đa 30 phút.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Không chỉ các bệnh thông thường như cảm sốt, ho, sổ mũi, nhiễm khuẩn ngoài da, mụn nhọt … trẻ còn có nguy cơ cao mắc các bệnh dịch mùa hè như tay chân miệng, viêm não Nhật Bản, sốt vi rút… tấn công do sức đề kháng kém.
Biểu hiện ban đầu của trẻ bị viêm màng não rất khó phân biệt với sốt virut, viêm họng, viêm đường hô hấp, đều là các triệu chứng: sốt, đau đầu, nôn vọt. Vì vậy, rất nhiều vị phụ huynh nhầm lẫn và cho con tới nhập viện khi bệnh đã quá nặng. Bệnh viêm màng não có thể dẫn tới tử vong hoặc gây di chứng câm, điếc, mù lòa cho trẻ. Khi trẻ có bất cứ triệu chứng nào như vừa kể thì phải lập tức đưa trẻ tới BV để theo dõi, chẩn đoán và điều trị sớm, giảm nguy cơ biến chứng.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Với những trường hợp có nghi ngờ viêm màng não, bác sĩ phải chọc dịch não tủy để xác định nguyên nhân. Cần thận trọng việc theo dõi trẻ, nhất là khi trẻ có biểu hiện thóp phồng căng, đau đầu, mắt lờ đờ là dấu hiệu của bệnh viêm màng não đã nặng.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng cho hay, việc chăm sóc sai lầm của cha mẹ cũng khiến trẻ dễ mắc bệnh trong thời tiết nắng nóng như hiện nay. Chẳng hạn, khi trẻ bị sốt virut, nhiều cha mẹ chủ quan, cho rằng sốt virus có thể tự khỏi nên vẫn cho trẻ đi du lịch vừa là nguy cơ lây lan bệnh cho người khác vừa khiến trẻ suy nhược cơ thể, tạo điều kiện cho virus xâm nhập nhanh, dễ dẫn đến biến chứng.
Ngược lại, không ít cha mẹ quá lo lắng mua nhiều loại thuốc và tự ý cho trẻ uống kháng sinh. Tuy nhiên, kháng sinh không có tác dụng khi trẻ bị sốt virus, thậm chí làm cơ thể yếu hơn và dẫn đến nguy cơ kháng kháng sinh.
Bữa ăn hằng ngày vẫn thiếu vi chất >dinh dưỡng
PGS. BS. Nguyễn Thị Lâm – Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc Gia Việt Nam cho biết, một trong những nguyên nhân khiến sức đề kháng của trẻ suy yếu do chế độ ăn thiếu vi chất dinh dưỡng. Chế độ ăn uống là cách quan trọng nhất tạo nên hành lang miễn dịch khỏe mạnh cho trẻ.
Nhiều cha mẹ chú ý cho con ăn về lượng nhưng chưa chú ý đến sự cân bằng dinh dưỡng dẫn đến việc thiếu hụt dinh dưỡng, giảm sức đề kháng ở trẻ. Chế độ ăn không đa dạng, thực phẩm không đảm bảo chất lượng hoặc do chế biến làm mất đi dinh dưỡng trong thực phẩm.
Theo PGS. BS. Nguyễn Thị Lâm, rất nhiều các vitamin đặc biệt là vitamin A, Vitamin nhóm B, và một số acid amin quan trọng cho sự phát triển hệ miễn dịch của trẻ như lysine, taurine, kẽm… sẽ biến mất khi đun nóng thức ăn ở nhiệt độ cao. Do đó rất nhiều trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng mặc dù ăn uống của trẻ vẫn bình thường. Đặc biệt kẽm là vi chất thiếu hụt rất nhiều ở trẻ em Đông Nam Á nhưng chưa được nhiều bà mẹ biết tới.
Thiếu kẽm làm giảm phát triển và chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch, bao gồm cả tế bào T, tế bào B và đại thực bào. Kẽm giúp làm giảm 18% trường hợp tiêu chảy, 41% trường hợp viêm phổi và tăng cân hiệu quả sau ốm. Kẽm, Selen, taurine giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, ăn ngon và hấp thu tốt hơn giảm tình trạng hay ốm vặt.
Kẽm có trong các loại thực phẩm như: tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng), cùi dừa già, khoai lang… Ngoài thực phẩm, cha mẹ có thể bổ sung các vi chất dinh dưỡng dưới dạng chế phẩm dưới sự tư vấn của bác sĩ.