Nhiều người vẫn thắc mắc tại sao người Do Thái được cho là một trong những nhà quản lý tiền bạc thông minh và sáng tạo nhất trên thế giới? Các bố/mẹ Việt cùng tìm hiểu, ghi nhớ và áp dụng ngay những nguyên tắc quản lý tiền bạc cho con cái mình ngay bây giờ nhé

13:30 02/03/2018

Không phải từ khi sinh ra người Do Thái đã có khả năng quản lý tài chính tốt. Họ được cha mẹ dạy bảo kỹ năng kiếm tiền, sử dụng và quản lý tài chính khôn ngoan từ khi còn rất nhỏ chỉ bằng 2 nguyên tắc dưới đây:

1. Dạy con về tiền theo từng giai đoạn

Giai đoạn thứ nhất: Nhận biết tiền

Ngay khi trẻ bắt đầu tập nói, cha mẹ người Do Thái đã dạy con cách phân biệt tiền, dạy chúng hiểu tiền có thể mua những thứ chúng muốn và quan trọng hơn là tiền từ đâu mà có.


Giai đoạn thứ hai: Kỹ năng cầm tiền

Nhiều cha mẹ không cho con cái mình quản lý tiền tiêu vặt, trong khi đó cha mẹ người Do Thái lại cho rằng, không cho con cầm tiền khiến chúng chỉ biết dựa dẫm vào gia đình.

Khi con được khoảng 10 tuổi, cha mẹ Do Thái sẽ lập cho con một tài khoản riêng với một số tiền nhất định, hướng dẫn con cách chi tiêu và tiết kiệm sao cho thông minh và khoa học. Con cái sẽ biết chịu trách nhiệm về hành vi chi tiêu của mình.

Giai đoạn thứ ba: Kỹ năng kiếm tiền

Đây là kỹ năng vô cùng quan trọng. Cha mẹ người Do Thái dạy cho con những quy tắc kiếm tiền, quy tắc đầu tư, xoay vòng vốn. Họ dạy con hiểu được bài học về những đồng tiền do chính công sức mình bỏ ra mà có được.

Giai đoạn thứ tư: Kỹ năng quản lý tài chính

Không chỉ dạy con cách kiếm tiền, cha mẹ người Do Thái còn dạy con tiết kiệm tiền ra sao, chi tiêu đúng mức như thế nào. Họ dạy con cả những quy cách ngân hàng, những mẹo đầu tư thông minh.

Giai đoạn thứ năm: Ý nghĩa đằng sau việc quản lý tài chính

Người Do Thái dạy cho con cách quản lý tài sản không phải để biến chúng thành những cái máy kiếm tiền rồi tiêu tiền, mà là để giúp chúng có cuộc sống tốt đẹp hơn, biết trân trọng đồng tiền và sức lao động.

2. Phương pháp quản lý tiền bạc bằng 5 chiếc lọ

Để dạy con quản lý tiền bạc khôn ngoan, cha mẹ người Do Thái sẽ sử dụng 5 chiếc lọ, mỗi lọ đều được dán nhãn cẩn thận với 5 tên tương ứng: chi tiêu hàng ngày, từ thiện, tiết kiệm, đầu tư và đóng thuế.


Mỗi lần được cha mẹ cho 10 đồng Shekel (tiền Israel), trẻ sẽ được dạy bỏ vào mỗi lọ từ thiện, tiết kiệm và đóng thuế 1 đồng, 2 đồng vào lọ đầu tư và 5 đồng vào lọ chi tiêu hàng ngày.

Sau đó, lọ từ thiện để giúp đỡ người khác sẽ được mở vào cuối tuần. Lọ đóng thuế sẽ được mở vào cuối tháng. Lọ tiết kiệm chỉ được mở vào những dịp đặc biệt như khi gia đình gặp khó khăn hoặc có người bị ốm. Lọ đầu tư chỉ được mở khi nó đã đầy.

Con cái sẽ có quyền tự quyết định chi tiêu. Ngay cả khi chúng mắc sai lầm, cha mẹ cũng không can thiệp để mắng mỏ hay giúp đỡ. Trẻ sẽ tự học hỏi sau những thất bại. Bằng cách này, chúng sẽ sáng tạo hơn trong quá trình ra quyết định và chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

Nghiên cứu đã chỉ ra, quản lý tiền bạc là một trong những việc khó khăn nhất của cuộc sống. Khi đã biết cách quản lý tiền bạc đúng đắn, tất cả những việc khác trong cuộc sống sẽ dễ dàng giải quyết hơn. Đó là lý do vì sao trẻ em Do Thái phát triển thành công hơn và có sự hài lòng hơn với cuộc sống. Tỷ lệ ly dị trong gia đình người Do Thái sống ở Mỹ thấp hơn 90% so với những gia đình người Mỹ khác. Trong khi hầu hết chúng ta đều đang vật lộn với nợ nần, thì người Do Thái vẫn hài lòng với tài chính và công việc kinh doanh của họ.

Người Do Thái chỉ chiếm 0,2% dân số, nhưng số người Do Thái giành được giải Nobel lại chiếm tới 20% tổng số giải thưởng toàn thế giới. Người Do Thái đã có những đóng góp lớn cho thành tựu của nhân loại và những bài học của họ luôn đáng để chúng ta học hỏi.

3. Cách dạy con quản lý tiền theo "phương pháp 5 chiếc lọ" bố/mẹ Việt có thể áp dụng 

Phương pháp 5 chiếc lọ chính là bài học về cách quản lý tiền nổi tiếng mà người Do Thái dạy con và nó lý giải tại sao người Do Thái làm kinh tế giỏi nhất thế giới.

Cậu bé Johny có đủ tiền mua nhà khi chỉ mới là một thiếu niên và sau này trở thành một triệu phú.

Nhiều bố mẹ Việt sẽ nghĩ phương pháp đó cao xa quá đối với một đứa trẻ nhưng chúng ta không dạy con bằng lý thuyết mà hãy dạy con bằng thực tế theo các bước sau:

Bước 1: Giúp con làm quen với hệ thống những chiếc lọ

Tạm thời, bé chưa có khoản nợ nào nhưng mẹ vẫn cứ chuẩn bị cho con 5 chiếc lọ có dán nhãn như sau:

- Lọ "tiền tiêu" (50% số tiền kiếm được): Bé có thể được sử dụng tùy ý.

- Lọ "tiền đầu tư" (20% số tiền kiếm được): Mẹ có thể hướng dẫn bé đầu tư nhỏ như mua sách truyện cho các bạn thuê, mua thêm bút chì, giấy màu để bán cho các bạn ở lớp…

- Lọ "tiền tiết kiệm" (10% số tiền kiếm được): Lọ này chỉ được mở khi đã đạt đủ số tiền cho một mục đích cụ thể như để mua sách, ô tô,…

- Lọ "tiền từ thiện" (10% số tiền kiếm được): Tiền trong lọ sẽ được dùng để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn như ủng hộ các bé bị ung thư, nhân dân vùng bão lũ...

- Lọ "tiền trả nợ" (10% số tiền kiếm được): Tiền này dùng để trả các khoản nợ phát sinh.

Bước 2: Giúp con ngân sách ban đầu

Mỗi tuần, bố mẹ sẽ cho con một khoản tiền tiêu vặt nhỏ để bé có thể chia cho 5 lọ theo các tỷ lệ 10% – 10% – 10% – 20% – 50% như hướng dẫn ở trên. Đây sẽ là ngân sách ban đầu của con và con sẽ phải tự quản lý số tiền đó.

Bước 3: Đưa bé đi mua sắm cùng với lọ "tiền tiêu"

Hãy dẫn bé đi siêu thị cùng với lọ tiền tiêu để thực hành bài học quản lý tiền đầu tiên. Khi con chọn được thứ mình thích và định mua, bố mẹ sẽ cùng con xem giá và đếm xem số tiền con có trong lọ có đủ mua hay không.

Khi bé tìm thấy một món đồ phù hợp với số tiền mình có, các mẹ sẽ để bé thoải mái mua, nhưng không quên "cảnh báo" với bé rằng nếu không mua thì bé sẽ để dành được tiền nhanh hơn để mua món đồ mà mình đang muốn và đang thiếu tiền.

Nếu bé không đủ tiền để mua món mình muốn, mẹ sẽ giúp con đặt ra một kế hoạch tiết kiệm để dành tiền mua món đó. Và đây là lúc dùng đến lọ tiết kiệm.

Ví dụ, lần đi siêu thị này bé muốn mua bộ lego 200.000 đồng nhưng chỉ có 50.000 thì các tuần sau khi được mẹ cho tiền tiêu vặt, hãy hướng dẫn bé cho tiền vào lọ "tiết kiệm" nhiều hơn lọ "tiêu xài".

Nếu tiền tiết kiệm vẫn chưa đủ, bố mẹ có thể giúp bé dùng tiền ở lọ "đầu tư" để kinh doanh kiếm tiền như mua thêm bút chì, giấy màu để bán cho bạn bè ở lớp có nhu cầu mua.

Bước 4: Luôn làm gương cho con

Khi đưa con đi mua sắm, bố mẹ hãy luôn để bé thấy người lớn trả tiền và nhận tiền thừa đồng thời giải thích cho con hiểu phải làm việc thật chăm chỉ mới kiếm được tiền để mua quần áo, thức ăn và đồ chơi hàng ngày cho các con.

Bằng bài học thực tế này, bé sẽ tiếp thu nhanh hơn rất nhiều so với những lý thuyết suông trong sách.

Theo C/Phunutoday/Khỏe và Đẹp