Đến tuổi đi học nhưng nhiều trẻ vẫn hay đái dầm vào ban đêm khiến bố mẹ khổ sở không biết phải làm sao. Ba bài thuốc dân gian nổi tiếng với những nguyên liệu dễ tìm, thực hiện giản đơn này sẽ giúp mẹ chữa chứng đái dầm ở trẻ.
Trung bình cứ 10 trẻ trong giai đoạn từ 5 tuổi trở xuống sẽ có 1 trẻ mắc chứng đái dầm ban đêm. Các bé trai có nhiều khả năng đái dầm hơn các bé gái.
Theo Đông y, đái dầm là do khí hóa của thận và tam tiêu suy yếu, hạ nguyên không vững chắc, bàng quang bị lạnh, co bóp bị rối loạn gây nên.
Ngoài ra, trẻ hay đái dầm còn xuất phát từ yếu tố di truyền. Nếu cha mẹ trẻ từng đái dầm ban đêm khi còn nhỏ thì những đứa con có nhiều nguy cơ mắc triệu chứng này.
Rau bầu đất còn có tên gọi khác là rau lủi hay kim thất. Theo Đông y, loại rau này có vị ngọt, tính bình, tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, khử ứ. Bầu đất dễ trồng, thường được trồng làm rau ăn và làm thuốc.
Mẹ lấy 80g rau bầu đất sắc cho trẻ uống hoặc nấu canh ăn hàng ngày sẽ giúp trị hết các căn bệnh liên quan đến đường tiết niệu như: đái són, đái buốt, vãi đái, hay đái dầm ban đêm.
- Rễ cây hoa hồng dại (hồng tầm xuân, dã tường vi): 30g
- Ngũ bội tử: 12g
- Hạt tơ hồng: 12g
Cho các nguyên liệu này vào ấm, đổ 600ml nước đun sôi còn 400ml nước thì để lại. Cho trẻ uống loại nước này 3 lần/ngày.
Khi mổ gà, mẹ cẩn thận bóc lấy màng mề gà đem rửa sạch, phơi khô hoặc sấy khô đến khi độ ẩm còn 12%. Tiếp đến, đem sao với cát cho phồng lên là có thể dùng được.
Lấy màng mề gà sao vàng, tán bột. Cho trẻ uống ngày 2 lần, mỗi lần 2 – 6g với nước ấm khi đói.
Ngoài ra, mẹ có thể kết hợp màng mề gà với tổ bọ ngựa (tang phiêu phiêu) với lượng bằng nhau 4 – 12g nấu sôi với 400ml nước, để lại 60 – 100ml. Chia hỗn hợp thành 2 lần cho trẻ uống trước bữa ăn.
Theo kinh nghiệm dân gian, mẹ cũng có thể lấy bộ ruột gà (bé trai dùng ruột gà mái, bé gái dùng ruột gà trống) rửa sạch, phơi khô, đốt tồn tính (đốt cho lớp bên ngoài bộ ruột gà cháy đến độ vừa phải, không thành tro) kết hợp với 24g mẫu lệ (vỏ con hàu nung), 24g quế chi, 1 cái màng mề gà phơi khô, sao vàng. Tán mịn 4 nguyên liệu này rồi cho trẻ uống trước bữa ăn bằng nước ấm mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 2 - 4g.
Khi trẻ hay đái dầm vào ban đêm, mẹ không nên la mắng khiến trẻ sợ hãi. Thay vào đó, mẹ nên giúp con kiểm soát bàng quang của mình. Vào thời điểm trẻ buồn tiểu, mẹ hãy động viên trẻ nhịn tiểu trong vài phút. Những lần sau, trẻ sẽ tự kìm lại để vào nhà vệ sinh, không còn tè ngay trên giường.
Mẹ cũng đừng quên nhắc nhở trẻ đi tiểu trước khi đi ngủ và không cho trẻ uống caffeine, coca hay các loại trà vì những thức uống lợi tiểu này sẽ khiến trẻ dễ buồn tiểu vào ban đêm. Bên cạnh đó, mẹ nhớ khen ngợi con những ngày không tè dầm ra giường chiếu.
Nếu áp dụng các bài thuốc dân gian nhưng vẫn không chữa khỏi chứng đái dầm và trẻ có biểu hiện đau đớn khi đi tiểu, đau bụng và một số triệu chứng bất thường khác, mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Chúc mẹ thành công khi áp dụng các mẹo chữa đái dầm ban đêm cho trẻ!