Khẩu phần ăn uống giàu năng lượng nhưng thiếu tham gia các hoạt động thể chất, dẫn đến tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh tiểu học thành thị tăng cao…

13:00 21/07/2019

Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, ở khu vực thành thị, tỷ lệ thừa cân béo phì (TCBP) cao nhất ở bậc tiểu học, chiếm 41,9%, giảm dần còn 30,5% ở bậc trung học cơ sở (THCS) và chỉ còn 13,5% ở bậc trung học phổ thông (THPT). Tỷ lệ này tương ứng ở khu vực nông thôn lần lượt là 17,8%, 11,2% và 6,2%. Trong khi đó, tỷ lệ gầy còm và thấp còi lại có xu hướng cao hơn ở nhóm học sinh trung học, đặc biệt ở khu vực nông thôn, với các mức là 19,4% ở bậc tiểu học, 35,7% ở bậc THCS và 25,2% ở bậc THPT.

Chị Nguyễn Thu Hằng (phụ huynh học sinh quận Hoàng Mai) cho biết, con chị mới 6 tuổi đã nặng hơn 33 kg, thừa khoảng 10kg so với tiêu chuẩn. Bác sĩ yêu cầu cháu thay đổi chế độ >dinh dưỡng nhưng ở trường không có chế độ ăn riêng cho trẻ thừa cân béo phì. Ở lớp, thi thoảng tổ chức sinh nhật, rất nhiều bánh ga tô, bánh kẹo, bim bim… là thức ăn giàu năng lượng nhưng nghèo vi chất dinh dưỡng... Chưa kể nhiều lúc con còn ăn hộ phần cơm của bạn.

 

Dinh dưỡng mất cân bằng ngày càng phổ biến

Nghiên cứu về khẩu phần ăn của học sinh cho thấy đối với học sinh tiểu học (lứa tuổi từ 7 đến 12 tuổi), khẩu phần hiện nay đã đáp ứng ngưỡng khuyến nghị về protein, lipid và glucid cũng như nhu cầu khuyến nghị về năng lượng. Tuy nhiên, lượng protein và lipid trong khẩu phần ăn của học sinh tiểu học đều đang vượt xa mức nhu cầu khuyến nghị, đặc biệt ở khu vực thành thị là 205,3% và 133,4%, trong khi lượng chất xơ lại rất thấp chỉ đạt 19,1%.

Trong khi đó, khẩu phần ăn hiện nay của nhóm học sinh THCS (từ 12 đến 15 tuổi) và THPT (từ 15 đến 17 tuổi) đều chưa đáp ứng đầy đủ ngưỡng khuyến nghị về năng lượng. Trong khẩu phần ăn hiện nay của học sinh ở cả hai lứa tuổi này đều đã có đủ và thậm chí vượt ngưỡng protein khuyến nghị (126,7% đối với học sinh THCS và 118,5% đối với học sinh THPT), nhưng lượng lipid và glucid đều đang ở dưới ngưỡng khuyến nghị. Đặc biệt, mức đáp ứng về chất xơ ở hai nhóm lứa tuổi này cũng rất thấp ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn, với mức chung là 15,9% đối với học sinh THCS và 17,6% đối với học sinh THPT.

Ở lứa tuổi tiểu học, nhóm TCBP có xu hướng sử dụng tất cả các nhóm lương thực, thực phẩm ở mức cao hơn so với nhóm học sinh không TCBP, trong đó các lương thực khác, hoa quả, thịt, trứng sữa được sử dụng ở mức độ nhiều hơn rõ rệt. Ở lứa tuổi THCS, nhóm TCBP và không TCBP tiêu thụ phần lớn các thực phẩm với số lượng tương đương nhau, bao gồm cả nước ngọt. Học sinh THPT TCBP có xu hướng sử dụng đồ uống bổ sung có đường ít thường xuyên hơn so với học sinh THPT không TCBP (15,2% so với 20,7%).

GS.TS Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội KHKT An toàn Thực phẩm Việt Nam cho biết, hiện trên thế giới tranh cãi rất nhiều về ăn đồ ngọt sẽ dẫn đến thừa cân béo phì. “Nhưng đồ ngọt chỉ là một yếu tố thôi. Như người ta nói vận động mới là quan trọng, ăn vào nhiều nhưng vận động nhiều thì không béo phì”, TS Kim cho biết.

Xuất hiện những nguy cơ mới từ lối sống gây thừa cân

Theo nghiên cứu, khẩu phần ăn của học sinh tiểu học chứa năng lượng và protein cao hơn rất nhiều so với ngưỡng khuyến nghị, nhưng mức độ tham gia các hoạt động thể lực lại thấp, cụ thể thời gian tĩnh trong ngày với 84,6% và 85,1% trẻ em có thời gian tĩnh trên 2 giờ trong một ngày, bao gồm cả ngày thường và ngày nghỉ, việc ngồi màn hình, bao gồm cả màn hình máy tính, ti vi, điện thoại,... có xu hướng tăng dần theo cấp học và ngày nghỉ thì nhiều hơn ngày thường và là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc TCBP ở học sinh THCS lên 1,154 lần và ở học sinh tiểu học là 1,162 lần. Thói quen và tần suất sử dụng đồ uống có đường trên đường phố như nước mía, nước đá bào siro, trà sữa… là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh TCBP của học sinh THPT lên 1,4 lần.

Từ số liệu này, TS Vũ Ngọc Quỳnh, chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, mỗi phụ huynh hiện đại cần hiểu đúng về tình trạng TCBP ở trẻ em. “Chúng ta thấy tiêu thụ đồ uống có đường của học sinh tiểu học ở nông thôn cao hơn thành phố, tương tự đối với học sinh THCS và THPT, đặc biệt học sinh THPT ở nông thôn tiêu thụ gấp đôi lượng nước ngọt so với thành phố. Điều đó có nghĩa là ở nông thôn tiêu thụ đường cao hơn thành phố. Trong khi đó, tỷ lệ TCBP ở thành phố lại cao hơn ở nông thôn. Như người ta nói lối sống, vận động rất quan trọng, ăn nhiều nhưng vận động nhiều thì không sợ béo phì”, TS Quỳnh nhận định.

Theo Hiểu Minh/ Tiền Phong