Để trẻ có thể hấp thu toàn bộ nguồn dinh dưỡng trứng gà mang lại, mẹ cần cho trẻ ăn đúng cách tùy theo từng độ tuổi phát triển khác nhau.
Trứng gà là nguồn thực phẩm dồi dào chất >dinh dưỡng và là món ăn quen thuộc với trẻ em. Theo các chuyên gia, trứng cung cấp nhiều chất đạm có giá trị sinh học cao, dễ hấp thu. Tương tự như sữa nếu chế biến đúng cách, tỉ lệ hấp thu đạm của trứng chiếm 100%. Bên cạnh đó, lòng đỏ trứng gà cung cấp nhiều chất béo, vitamin A, sắt, kẽm và các khoáng chất cần thiết khác giúp trẻ phát triển toàn diện.
Vì vậy, mẹ cần lưu ý những điều cơ bản sau khi cho trẻ ăn trứng gà:
Không nên cho trẻ ăn trứng sống, trứng lòng đào hoặc đánh trứng vào cháo nóng. Đường sinh dục ở loài gà có rất nhiều vi khuẩn nên cả trong và ngoài vỏ trứng đều có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Ngoài ra, lòng trắng trứng sống sẽ ngăn cản việc hấp thu vitamin H – dưỡng chất quan trọng đối với sự phát triển của bé.
Thay vào đó, mẹ nên luộc kỹ hoặc nấu chín trước khi cho bé ăn, tránh bị nhiễm khuẩn và tạo điều kiện cho cơ thể bé hấp thu các chất dinh dưỡng.
Khi cho trẻ ăn món trứng rán hoặc ốp la, mẹ cần nấu chín. Chị em cũng lưu ý không nên để lửa quá to khiến trứng bị cháy và tiêu hủy một số vitamin tan trong nước (vitamin B1, B2…).
Trứng bảo quản trong tủ lạnh không nên lấy ra luộc ngay, đồng thời không ngâm trong nước nóng hay luộc với ngọn lửa quá to kẻo gây hiện tượng vỡ vỏ trứng, lòng đỏ trứng không chín.
Khi nào cho trẻ ăn trứng gà và ăn với số lượng bao nhiêu luôn là thắc mắc của nhiều bà mẹ. Dễ dàng nhận thấy, hàm lượng chất béo trong trứng cao có thể khiến bé đầy bụng, khó tiêu. Vì vậy, mẹ nên cho bé ăn với số lượng hợp lý. Cụ thể:
- Trẻ từ 6 – 7 tháng tuổi: Mỗi tuần ăn từ 2 – 3 bữa, mỗi bữa ăn ½ lòng đỏ trứng gà.
- Trẻ từ 8 – 12 tháng tuổi: Mỗi tuần ăn từ 3 – 4 bữa, mỗi bữa ăn 1 quả trứng (ăn được cả lòng trắng trứng).
- Trẻ từ 2 tuổi trở lên: Có thể ăn trứng gà mỗi ngày.
Trứng gà tuy bổ dưỡng nhưng không phải lúc nào mẹ cũng cho bé ăn. Trong các trường hợp dưới đây, mẹ tuyệt đối không nên cho trẻ ăn trứng gà:
- Trẻ bị thừa cân: Hàm lượng cholesterol và chất béo bão hòa trong trứng gà sẽ khiến trẻ tăng cân nhanh chóng hơn.
- Trẻ có tiền sử tim mạch: Cholesterol trong trứng cũng ảnh hưởng không tốt đến >sức khỏe của những bé bị bệnh tim bẩm sinh hay hở van tim.
- Trẻ bị tiểu đường: Hiện nay, nhiều trẻ trong độ tuổi tiểu học mắc căn bệnh này do chế độ ăn uống không lành mạnh. Bên cạnh việc tránh các loại đồ ăn ngọt và tinh bột, mẹ cũng nên hạn chế cho con ăn trứng gà vì một số thành phần dinh dưỡng trong trứng có thể ảnh hưởng đến nồng độ đường trong máu bé.
- Trẻ bị cảm sốt: Thành phần protein trong trứng (với tên gọi anbumin và ovoglobumin) sau khi vào cơ thể trẻ sẽ sản sinh ra nhiệt lượng. Mẹ cho con ăn trứng gà khi bị sốt, thân nhiệt sẽ ngày càng tăng cao. Ngoài ra, bề mặt vỏ trứng có nhiều lỗ nhỏ li ti nên không khí và vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bên trong. Bé vừa bị cảm xong, sức đề kháng còn yếu nên sẽ dễ dàng tái phát bệnh khi ăn trứng chưa chín.
Trẻ bị tiêu chảy: Khi trẻ bị tiêu chảy, việc chuyển hóa các chất trong trứng gà dễ bị rối loạn vì thực phẩm này thường khó tiêu.