Nhiều trẻ sơ sinh thường xuất hiện dấu hiệu quấy khóc không rõ nguyên nhân khiến các bậc cha mẹ lo lắng. Bác sĩ chuyên khoa đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng quấy khóc thường gặp ở trẻ.
Trẻ sơ sinh liên tục quấy khóc luôn là nỗi ám ảnh đối với những gia đình đang nuôi con nhỏ. Nhiều ông bố bà mẹ không thể dỗ con vì không hiểu nhu cầu của con là gì. Chia sẻ với Phụ nữ & Gia đình, bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết trẻ quấy khóc xuất phát từ những nguyên nhân chính sau:
Đây là một trong những nguyên nhân đầu tiên mẹ cần để ý đến khi con khóc. Khi đói, trẻ sẽ liên tục quấy khóc và dụi đầu vào bầu vú mẹ. Mẹ chỉ cần ôm trẻ dỗ dành và cho bú. Trẻ sẽ nín khóc khi được ăn sữa no nê.
Trẻ vui chơi quá nhiều vào ban ngày sẽ hay quấy khóc khi đang say ngủ vào ban đêm. Nguyên nhân là do quá trình hưng phấn và ức chế thần kinh ở trẻ vẫn chưa phát triển hoàn thiện.
Ban ngày, trẻ hoạt động nhiều khiến hệ thần kinh được kích thích làm bé luôn trong trạng thái hưng phấn. Về đêm, khả năng ức chế thần kinh hạn chế khiến bé đang say ngủ bỗng giật mình khóc lên.
Do đó, để cải thiện tình trạng này, ban ngày mẹ không nên để trẻ hoạt động quá mức khiến não bộ bé ở ngưỡng kích thích cao độ. Trước khi đi ngủ, mẹ nên cho bé nghe những âm thanh du dương và giảm độ sáng trong phòng ở mức tối đa giúp bé thư giãn, ngủ sâu hơn.
Quãng thời gian 9 tháng 10 ngày nằm trong bụng mẹ, trẻ luôn được bao bọc bằng nước ối và luôn có cảm giác ấm cúng. Những ngày đầu khi chào đời, môi trường xung quanh lạ lẫm sẽ khiến một số trẻ quấy khóc vì không thoải mái. Không gian quá nóng hoặc quá lạnh cũng khiến trẻ khó chịu.
Lúc này, tùy theo điều kiện thời tiết, mẹ chỉ cần ủ đủ ấm, cho con có cảm giác an toàn như “ngôi nhà” trong bụng mẹ, trẻ sẽ hết khóc.
Trẻ bị đầy hơi, đau bụng… sẽ khóc nhiều vào ban đêm. Sau khi ăn no, trẻ cũng có thể quấy khóc vì hệ tiêu quá làm việc không hiệu quả gây khó chịu. Gặp tình huống này, mẹ lưu ý không nên cho trẻ ăn quá no trước khi đi ngủ. Nếu hiện tượng này kéo dài liên tục, mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để thăm khám.
Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Trẻ bị thiếu vitamin này, khả năng dẫn truyền xung thần kinh bị hạn chế khiến giấc ngủ không sâu, hay giật mình, mơ màng. Vì vậy, mẹ cần bổ sung vitamin D cho bé bằng cách tắm nắng và những phương pháp khác theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.