Chị họ tôi khuyên mỗi sáng tôi nên tự bế con 1 tháng tuổi ra phơi nắng thay vì nhờ chồng, vì trông tôi khá nhợt nhạt, nhưng một người dì lại cản, bảo rằng tôi ra nắng sẽ hư da, gió làm yếu người…
Bạn đọc Lý Thị An (nữ, 27 tuổi, ngụ quận 5, TP HCM), hỏi: Tôi mới sinh con được gần 1 tháng, trông khá nhợt nhạt, thiếu sinh khí, có lẽ vì thức đêm. Chị họ tôi đến thăm bảo rằng tại tôi thiếu nắng (tôi hầu như không ra khỏi nhà từ khi sinh, sáng chồng tôi bế con ra tắm nắng thay tôi). Chị ấy khuyên rằng nếu không ra ngoài thì mỗi sáng hãy bồng con ra phơi nắng, thậm chí phơi cho cả mình và cũng nên đi ra ngoài, vận động nhiều hơn. Nhưng một người dì đang chăm cho tôi từ lúc đẻ thì nói ngược lại, bảo mấy tháng đầu mà ra nắng thì da sẽ hư, dễ bệnh, đi lại nhiều, ra gió người sẽ yếu…. Nên làm như thế nào mới đúng, xin bác sĩ cho tôi lời khuyên.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc >sức khỏe sinh sản TP HCM, trả lời:
Trong trường hợp của bạn thì lời khuyên của chị họ bạn là phù hợp hơn.
Quan niệm kiêng khem nắng, gió, nước và thức ăn sau khi sinh đẻ đã có trong dân gian từ xa xưa nhằm mục đích tốt là bảo vệ sức khỏe cho người phụ nữ trong thời kỳ hậu sản, tránh các tác nhân gây bệnh từ thời tiết, môi trường và thực phẩm. Tuy nhiên ngày nay với sự tiến bộ của khoa học, cuộc sống tiện nghi hơn, một số quan niệm xưa đã không còn phù hợp và nên thay đổi.
Việc đi lại, vận động nhiều hơn sẽ giúp bạn cảm thấy khỏe, tươi tắn hơn. Từ24 -36 giờ sau sinh, nếu cuộc chuyển dạ bình thường, không có biến chứng, tai biến hoặc bệnh lý nào mới phát sinh thì người phụ nữ được hướng dẫn đi lại và vận động nhẹ, tự thực hành việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh cơ thể. Những ngày sau đó cũng nên năng đi lại, vận động nhẹ nhàng, tập thể dục, tránh nằm một chỗ quá nhiều.
Dinh dưỡng cũng được khuyến cáo là cần đầy đủ, đa dạng (kể cả các loại rau quả tươi sống), cân đối, tăng cường cả về lượng và chất nhằm bảo đảm việc tiết sữa.
Những thực hành tốt như vậy sẽ giúp cho cơ thể sản phụ mau chóng phục hồi sau một cuộc đẻ vốn đã lấy đi sức lực khá nhiều do đau đớn, mất máu; làm giảm các biến chứng sau đẻ như ứ (bế) sản dịch, bí tiểu, nhiễm trùng hậu sản, nhiễm trùng vết cắt may tầng sinh môn… Tử cung và các cơ quan vùng chậu co hồi tốt, bớt sung huyết, mau chóng hồi phục trở lại như tình trạng trước khi mang thai trong 6 tuần sau sinh.
Tương tự, việc tiếp xúc với ánh nắng tự nhiên có nhiều lợi ích cho cả mẹ và trẻ sơ sinh vì ánh nắng chiếu vào da giúp cơ thể tổng hợp vitamin D rất cần thiết cho việc hấp thu và chuyển hóa canxi, hỗ trợ các hoạt động khác như tiêu hóa, tuần hoàn tốt hơn.
Vì vậy, bạn nên thay chồng bế con đi phơi nắng sớm. Chú ý chỉ phơi nắng sớm (7-9 giờ sáng) hoặc chiều muộn (5-6 giờ chiều) để tránh tác hại của tia cực tím lên da, tránh ngồi nơi có gió lùa, nhiều bụi bặm, tránh nắng chiếu trực tiếp vào mắt và vùng mặt. Nếu bạn có đi du lịch, về quê ở nơi có khí hậu lạnh thì nhớ giữ ấm cho mẹ và con.