Em bé đã bị bỏng đến 80% sau khi bị rơi vào chậu nước sôi và sau 11 ngày đêm chịu đau đớn, bé đã ra đi mãi mãi.
Theo The Sun đưa tin, mới đây, một vụ tai nạn kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của bé trai 1 tuổi sống tại làng Salhany ở miền nam Ukraine.
Được biết, em bé đã bị bỏng đến 80% sau khi bị rơi vào chậu nước sôi và sau 11 ngày đêm chịu đau đớn, bé đã ra đi mãi mãi.
Theo lời kể của người mẹ có tên Tetyana Chernenko, vào ngày xảy ra sự việc đau thương, cô mang một xô nước chứa hơn 10 lít nước sôi vào phòng ngủ của bé Daniil Chernenko để chuẩn bị pha nước tắm cho con.
Lúc này, Daniil đang ngồi chơi ở trên bàn, còn xô nước sôi thì ở ngay bên dưới.
Trong 1 tích tắc cô Tetyana không để ý đến con, cậu bé Daniil đã rơi từ trên bàn ngã vào xô nước sôi.
Cô Tetyana giật mình quay lại thì thấy cảnh tượng hãi hùng. Người mẹ ngay lập tức kéo con ra khỏi xô nước và lấy khăn quấn quanh người con, tuy nhiên, do da trẻ nhỏ khá mỏng nên bé Daniil đã bị bỏng khá nặng.
Daniil ngay lập tức được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng vô cùng nguy kịch. Tại đây, bé được chẩn đoán mức độ bỏng lên đến 80% và các bác sĩ đã phải chiến đấu 11 ngày đêm để cứu mạng em.
Nhiều lần bé Daniil đã cần kề cái chết nhưng may mắn đã được bác sĩ hồi sức cấp cứu để em lấy lại nhịp tim.
Theo báo cáo, chỉ có da trên trán, ngón tay và ngón chân của cậu bé là bỏng nhẹ, còn lại đều trong tình trạng vô cùng nặng. Ngoài ra, bé Daniil cũng bị khàn tiếng do khóc liên tục nhiều ngày trong cơn đau đớn.
Hoàn cảnh đáng thương của Daniil đã lay động trái tim mọi người trên khắp thế giới, nhiều nhà hảo tâm đã quyên góp tiền để giúp đỡ cho việc điều trị của em.
Thế nhưng, sau 11 ngày cố gắng chiến đấu với thần chết, bé Daniil đã ra đi mãi mãi trong vòng tay của mẹ.
Xử trí ban đầu do bỏng nước sôi ở trẻ em
Khi >trẻ bị bỏng, cần nhanh chóng đưa vết bỏng vào dưới vòi nước hoặc vào chậu nước lạnh và sạch. Động thái này nhằm mục đích: giảm nhiệt độ bỏng, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng. Nếu không làm như vậy, có thể dội nước mát sạch lên vết bỏng vài lần.
Ngay cả khi da không còn tiếp xúc với tác nhân gây bỏng, nhiệt tích tụ ở vết bỏng vẫn tiếp tục gây tổn thương sâu hơn. Đây là biện pháp quan trọng số một giúp giảm thiểu mức độ tổn thương.
Cha mẹ không dùng nước đá lạnh để làm mát vì có thể gây tổn thương da. Không bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng lên vết bỏng để tránh làm gia tăng tổn thương. Nếu có thuốc xịt bỏng thì nhanh chóng xịt cho trẻ.
Sau đó bảo vệ vết thương để tránh tổn thương và nhiễm trùng thêm bằng cách: dùng bằng gạc sạch hoặc vải mỏng băng nhẹ nhàng che phủ vết bỏng, tránh băng quá chặt làm tổn thương tại vết bỏng nặng thêm.
Không được tiếp xúc trực tiếp với vết bỏng để tránh nhiễm khuẩn làm cho vết bỏng nặng hơn. Động viên, trấn an bé, nếu trẻ đau nhiều thì dùng thuốc giảm đau (paracetamol).
Nếu vùng bỏng lớn thì không nên cởi bỏ quần áo khiến bị lột da vùng bỏng, nên nhanh chóng dùng kéo cắt áo quần ra, tách khỏi vết bỏng, tránh việc áo quần dính chặt vào vết bỏng khiến vết bỏng bị đau rát, dễ viêm nhiễm.
Người lớn có thể nhẹ nhàng tháo bỏ các tư trang cá nhân, vòng lắc hoặc đồng hồ, giày dép… trước khi vết bỏng bị sưng nề. Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để xử trí và đánh giá tổn thương của bỏng.
Cách phòng tránh bỏng lửa, nước sôi, bác sĩ Vinh cho biết cách tốt nhất đó là để những thứ gây bỏng như nước sôi, phích nước, bao diêm, bật lửa… ở xa tầm với của trẻ và ở nơi gọn gàng, tránh để giữa đường đi khiến người khác va phải.
Bố trí bếp và nơi đun nấu xa tầm với của trẻ và sắp xếp gọn gàng. Không nên ăn thức ăn nóng khi đang bế trẻ, chơi đùa với trẻ. Khi đun nấu cần để các cán xoong chảo quay vào trong, tránh vô tình va phải gây bỏng.