Cả thai kỳ, Nhung chỉ tăng vỏn vẹn 15kg, phần tăng nhiều tập trung ở bụng và ngực mà khi sinh ra, em bé nặng tận 4,4kg.
Một em bé khi chào đời sẽ có cân nặng trong chuẩn khoảng từ 2,8kg-3,2kg, thế nhưng có những trường hợp ngoại lệ khi mà bé sinh ra nặng trên 4kg hoặc thậm chí là đến 5kg. Câu chuyện của hai mẹ con chị Nhung (25 tuổi, hiện đang sống ở Hà Nam) và bé Thóc (hiện đã được 20 ngày tuổi) là một trong những trường hợp đặc biệt như thế. Bởi bé Thóc sinh ra nặng đến 4,4kg khiến bác sĩ đỡ đẻ phải thốt lên đầy kinh ngạc "Trời ơi!" và mẹ bé vẫn sinh thường thành công dù cũng trải qua muôn vàn thử thách, đau đớn tưởng như thừa sống thiếu chết.
Nghén ngủ kinh khủng, cả thai kỳ chỉ tăng 15kg
Điều đặc biệt khi hỏi đến Nhung, là dù sinh được một em bé nặng cân như vậy nhưng cả thai kỳ chị chỉ tăng vỏn vẹn 15kg. Cơ thể chị cũng không to lên quá nhiều, chỉ to mỗi phần ngực và bụng chứ mặt mũi, chân tay vẫn như thời con gái. Thậm chí khi đăng ảnh lên facebook mỗi phần mặt, chẳng ai biết Nhung mang bầu dù đã sắp đến ngày sinh.
Nhung chia sẻ, chị không bị nôn nghén khi mang thai nhưng lại bị nghén ngủ kinh khủng, đến mức có thể ngủ quên ăn:"Cả ngày có khi mình chỉ cần ăn gói mì tôm rồi lại ngủ. Mình nghén ngủ đến mức đi làm không nổi vì đến công ty là mắt díp lại. Mình phải xin nghỉ phép ở nhà 1 tuần liền chỉ để ngủ cho đẫy. Trong một tuần ấy, mình ngủ 1 mạch từ đêm tới trưa dậy uống cốc nước là ngủ tiếp. Chiều dậy ăn gói mì tôm nữa rồi lại ngủ tiếp. Sau một tuần đó thì mình lại phải đi làm nên cố gắng lắm mới "nhịn" ngủ được, cả ngày cứ mong đến giờ đến giờ về nhà được lên giường đi ngủ".
Tuy nghén ngủ là thế nhưng chế độ ăn của Nhung lại khá bình thường, không có điều gì đặc biệt. "Thời gian đầu mang bầu, vì thèm ngủ quá nên mình ăn uống rất thất thường. Mình có uống bổ sung một loại sữa bầu nhưng không quá đều đặn, liên tục. Cả 9 tháng mình đều chăm chỉ uống nước cam vắt không đường, thỉnh thoảng uống nước đỗ đen, nước mía. Nước dừa thì đến tháng cuối mình mới uống. Mình đặc biệt hạn chế đồ ngọt hay những thực phẩm không lành mạnh như nước ngọt hay đồ ăn nhanh".
Dù duy trì một thực đơn mang thai đơn giản, không cầu kỳ chăm chút như vậy nhưng mỗi lần đi khám thai, cân nặng của em bé luôn vượt chuẩn. Nhung chia sẻ: "Mình nghĩ chắc do thể trạng bé hấp thụ tốt nên mới lên cân nhanh. Mỗi lần đi kiểm tra cân nặng đều vượt trội hơn 1 tuần so với tuổi thai. Đến tuần 32, mức cân mới đúng so với mốc. Nhưng từ tuần 36 trở đi thì vượt trội hẳn, mỗi tuần tăng 3gram, đến tuần 39 bé đã đạt 3,8kg. Mình không bao giờ nghĩ đến lúc sinh bé được 4,4kg đâu".
Đỡ em bé xong bác sĩ phải hét lên:"Trời ơi, 4,4kg!", mẹ đau thừa sống thiếu chết
Ngày đi sinh cũng đến với Nhung một cách rất bất ngờ. "Hôm đó, mình bắt đầu có cơn đau nhẹ từ 2h30 phút sáng nhưng mải ngủ nên cố nằm mãi. Cũng vì lần đầu mang thai nên mình không có kinh nghiệm. Đến 4h sáng, mình mới gọi chồng dậy chuẩn bị đi viện. 5h đến nơi bệnh viện, mình được khám, bác sĩ siêu âm bảo em bé nặng 3,8kg nên cho lên bàn chờ đẻ. Mình có hỏi bác sĩ có nhầm không vì tuần trước đó, bé đã được 3,8kg rồi nhưng bác sĩ khẳng định là không nhầm, có thể sinh được. Rồi mình chịu đựng rất nhiều cơn đau, đến 10h cổ tử cung mình mới mở hết. Và đến 10h35 phút mình mới sinh được bé", Nhung kể lại.
Khi đỡ em bé ra, bác sĩ thốt lên: "Trời ơi, 4,4kg!", Nghe vậy Nhung cũng bàng hoàng, không ngờ mình vừa sinh ra một em bé lớn đến thế. Cũng rất nhanh chóng sau đó, câu chuyện của hai mẹ con chị nhanh chóng nổi tiếng khắp bệnh viện vì cân nặng đặc biệt của em bé.
Nhưng thử thách đầy đau đớn nhất của Nhung là sau sinh, đối mặt với việc khâu cổ tử cung. "Lớp rạch không dài nhưng rất sâu. Mình bị khâu 3 lớp chứ không rõ bao nhiêu mũi nữa. Lúc khâu, bác sĩ còn nhét lớp vải màn vào trong mới khâu được vì lớp rách sâu quá. Rồi bác sĩ đỡ đẻ khâu được 5-6 mũi thôi thì không dám khâu tiếp và không biết khâu thế nào mới gọi bác sĩ trưởng khoa ra khâu. Sau khi khâu xong, mình được chuyển sang phòng hồi sức. Sau 6 tiếng, hộ lý rút vải màn ra và vét nhau thì mình đau sống không bằng chết", Nhung vẫn chưa hết hồi hộp kể lại.
Trước đó, Nhung vốn đã được tiêm mũi tê màng cứng nên lúc khâu không bị đau, nhưng khi rút khăn ra, đã hết tác dụng của thuốc nên đau như trời giáng, không thấu nổi. Thậm chí đêm hôm đó, chị phải xin đặt thuốc giảm đau. Sáng hôm sau, đi vệ sinh, Nhung còn bị ngất ở nhà vệ sinh vì mất quá nhiều máu. Chị thấy đau, choáng và không thể ngồi dậy được. May mắn là có mẹ ruột chị phát hiện ra và gọi những người cùng phòng ra đỡ. Về phòng nằm nghỉ, uống sữa xong, Nhung mới hồi phục được phần nào. Buổi chiều bác sĩ siêu âm khám lại, bảo có thể về nhưng để yên tâm, ngày hôm sau mẹ con Nhung mới xuất viện.
Qua hơn 20 ngày sau sinh, Nhung đã hết đau, đi lại và sinh hoạt bình thường. Bé Thóc trộm vía ăn ngủ rất ngoan, dậy ăn xong lại ngủ. Nhung cũng được mẹ chồng chăm sóc cẩn thận nên chị cũng có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. 3 ngày sau sinh, sữa mẹ của Nhung bắt đầu về và hiện tại chị có khá nhiều sữa, dư sức để nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn. Chỉ có một điều lăn tăn nhỏ với Nhung là vì bầu bụng to, bị rạn kín bụng nên bụng chị hơi bị chùng xuống sau sinh, có nhiều vết rạn in hằn. Đổi lại, những giây phút ngắm nhìn con yêu, Nhung biết sự hi sinh của mình là hoàn toàn xứng đáng.