Mẹ nên chọn bình sữa làm từ chất liệu an toàn giúp giữ nguyên dưỡng chất trong sữa. Khi bắt đầu đi làm, mẹ có thể tập cho bé thói quen bú bình.
Trên thị trường hiện nay có 2 loại bình sữa phổ biến dành cho trẻ sơ sinh: Bình sữa bằng nhựa và bình sữa bằng thủy tinh. Đối với mỗi loại khác nhau, mẹ cần biết cách chọn sản phẩm với một số lưu ý:
Bình sữa bằng nhựa: Bình sữa bằng nhựa có giá thành rẻ hơn bình sữa bằng thủy tinh, ít bị rơi vỡ và thuận tiện cho trẻ cầm bú. Tuy nhiên, mẹ lưu ý không nên chọn sản phẩm chứa thành phần BPA độc hại. Hóa chất này có thể ngấm vào sữa, ảnh hưởng đến não bộ và hệ sinh dục trẻ em.
Bình sữa bằng thủy tinh: Bình sữa thủy tinh với chất liệu an toàn, có thể bảo quản tốt chất >dinh dưỡng trong sữa. Tuy nhiên bình thủy tinh nặng hơn, dễ gây rơi vỡ, mẹ không nên để trẻ tự cầm bình bú.
Chia sẻ với Phụ nữ >sức khỏe, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết bình sữa thủy tinh sẽ tốt hơn bình sữa nhựa khi cho trẻ bú.
Để vệ sinh bình sữa đúng cách, Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết bình sữa mới mua mẹ nên ngâm trong nước sôi khoảng 5 phút, sau đó rửa lại bằng nước nóng. Nước dùng để pha sữa là nước sôi để nguội. Khi cần thiết lắm mới cần pha sữa bằng nước đóng chai. Lưu ý mẹ cần nhớ là không nên dùng lò vi sóng làm nóng bình sữa.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, đa số trẻ em thời gian đầu đều từ chối việc bú bình. Mẹ không cần ép trẻ trong lần đầu tiên tập cho con bú. Mẹ cần kiên trì và dứt khoát mới có thể tập cho trẻ thói quen bú bình thành thục.
Trước tiên, mẹ cần kiếm vú giả giống núm vú bình cho trẻ tập ngậm và cho tiếp xúc với bình trước. Mẹ có thể nhờ người khác tập bú bình tốt hơn mẹ tập cho trẻ. Trong khi tập mẹ không nên ở gần bé tránh trường hợp bé mè nheo, đòi bú mẹ.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết thời điểm tập bú bình cho trẻ nên vào ban ngày vì trẻ hiếm khi chịu bú bình vào ban đêm. Trong khi cho trẻ bú bình, mẹ và người thân cũng cần tạo không khí vui nhộn, thoải mái trò chuyện cùng trẻ.
Mẹ có thể dùng mẹo đánh lạc hướng trẻ, hướng tầm nhìn của trẻ ra bên ngoài hoặc nhìn xung quanh sao cho không nhìn về phía mẹ và bắt đầu tập. Khi cho trẻ tập bú bình được vài phút, mẹ nhẹ nhàng để trẻ xuống, đưa bình sữa ra khỏi tầm nhìn của con. Tiếp tục trò chuyện cùng trẻ rồi tập lại sau vài phút. Không nên cho trẻ bú mẹ ngay khi bé vừa từ chối bú bình.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý trẻ từ 3 tháng tuổi trở đi khó khăn trong việc tập bú bình thì nên cho trẻ bú một lượng rất ít nước trái cây vị hơi ngọt, sau đó chuyển qua sữa mẹ, sữa công thức. Khi trẻ bú bình đã quen thì chỉ nên cho trẻ bú sữa.
Nhiều bà mẹ muốn tập cho trẻ bú bình khi mẹ đi làm có thể dùng áo của mẹ quấn quanh bình sữa rồi cho con bú để bé không thấy xa lạ.