Mỗi lần bé ốm, việc cho bé uống thuốc không hề đơn giản. Cha mẹ thường phải đau đầu để nghĩ cách cho trẻ uống thuốc không bị nôn. Để trẻ hợp tác và uống thuốc một cách dễ dàng hơn, cha mẹ hãy thử áp dụng một số những chiến thuật sau đây.
Trẻ nhỏ sức đề kháng kém, rất dễ phải các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, dị ứng,… và những lúc đó thì trẻ được bác sĩ kê những loại thuốc uống. Và lúc này bố mẹ phải đối mặt với “cuộc chiến” làm thế nào để cho bé uống được loại thuốc mà bác sĩ đã kê.
Khi được bố mẹ cho uống thuốc, đa số các bé đều không hợp tác với việc uống thuốc. Bé thường kêu khóc, la hét, nhè thuốc ra. Nếu bé sơ sinh nhỏ hơn, mẹ có thể ép được bé uống thuốc nhưng có thể bé uống xong lại nôn trớ ra. Chính vì vậy, việc tìm cách >cho trẻ sơ sinh uống thuốc không bị nôn trớ cũng khiến nhiều ông bố bà mẹ đau đầu!
Nếu bé không uống thuốc, tình trạng bệnh sẽ không thuyên giảm nhưng lại không làm cách nào cho bé uống một cách dễ dàng được. Nhiều mẹ chia sẻ rằng, cứ mỗi lần con ốm, chỉ cần nghĩ tới việc cho con uống thuốc là đã thấy stress. Nhằm giúp các ba mẹ tìm ra >cách cho trẻ uống thuốc không bị nôn, trớ hoặc ít nhất là cũng khiến trẻ hợp tác hơn mỗi lần uống thuốc, chúng tôi xin chia sẻ tới ba mẹ những thủ thuật hữu ích này nhé!
Nhiều ông bố bà mẹ áp dụng đủ các chiêu trò để cho trẻ uống thuốc như: dỗ dành, mắng mỏ, dọa nạt, đè con ra rồi đổ thuốc vào, cho thuốc vào quả chuối chín, uống thuốc xong cho ăn kẹo ngọt,… vậy mà bé vẫn rất khó uống thuốc.
Đa số trẻ em đều không thích uống thuốc và trẻ thường có xu hướng từ chối việc nuốt thuốc và nôn trớ là cách dễ dàng và phổ biến nhất mà trẻ sử dụng để đẩy thuốc ra khỏi cổ họng mình. Ngoài ra thì cũng có một số nguyên nhân khác cũng có thể gây nôn trớ sau khi uống đó là:
-Do trẻ đã ăn, uống hoặc bú quá no trước khi uống thuốc, khiến trẻ bị đầy bụng, đến khi uống thuốc thì dễ bị nôn trớ.
- Bố mẹ bắt ép trẻ uống thuốc, trong quá trình uống thuốc trẻ la hét, giãy giụa, quấy khóc làm kích thích dạ dày, khiến dễ gây trào thức ăn lên, khiến trẻ bị nôn.
- Một nguyên nhân khác là do thành phần của thuốc gây ra tác dụng phụ là buồn nôn.
- Bố mẹ cho trẻ uống thuốc sai cách: trộn thuốc với sữa, thức ăn,… không đúng liều lượng, mùi vị không dễ nuốt nên khiến trẻ muốn nôn ói ra ngoài.
Để trẻ uống thuốc không bị nôn trớ, cha mẹ hãy ứng xử một cách khoa học, lý trí và phù hợp với tâm lý của trẻ. Sau đây là những cách cho trẻ uống thuốc không bị nôn mà cha mẹ nên thực hiện:
- Trước hết, uống đúng thuốc, đủ liều: khi nhận được đơn thuốc của bác sĩ, mẹ hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc có thể thay thế những dạng thuốc viên thành dạng thuốc nước, siro để giúp trẻ dễ uống hơn. Các dạng thuốc thích hợp với trẻ nhỏ là dạng thuốc nước, có vị ngọt, có hương vị của trái cây và cũng dễ chia liều lượng. Bác sĩ sẽ cân nhắc và kê những loại thuốc mà trẻ có thể dễ dàng uống.
Đồng thời, mẹ cũng nên trao đổi với bác sĩ về tần suất thích hợp để cho bé uống thuốc. Vì bé sẽ thấy thoải mái hơn khi một ngày chỉ uống 2 lần thuốc thay vì phải uống tới 3 lần mỗi ngày. Nếu phải uống nhiều loại thuốc, mẹ nên phân chia thời gian để bé uống cho hợp lý. Mỗi loại uống cách nhau khoảng 1 giờ, tránh bắt bé uống quá nhiều thứ cùng một lúc.
- Cân nhắc loại nước cho bé uống thuốc: Cách uống thuốc tốt nhất mẹ cho bé uống cùng với nước lọc ấm (nếu là thuốc viên, thuốc dạng bột) hoặc cho bé uống trực tiếp (nếu là siro). Nhiều mẹ áp dụng cách hòa thuốc ra với nước đường, nước ngọt, nước trái cây, sữa…
Tuy nhiên, mẹ hãy hỏi bác sĩ xem loại thuốc nào trong đơn thuốc có thể uống cùng sữa, nước ngọt hoặc nước trái cây mà không làm mất dược tính của thuốc. Nếu thuốc không thể sử dụng để uống cùng với sữa, nước trái cây thì mẹ không nên áp dụng cách này. Nhiều lúc cha mẹ tự pha chế thuốc với các loại nước khác nước lọc khiến vị trở nên khó uống cũng là lý do khiến bé thấy kinh mùi thuốc và nôn trớ.
- Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ và thực hiện đúng cách: Nếu thuốc dạng nước thì bạn có thể cho bé uống bằng thìa nếu bé hợp tác. Nếu bé không hợp tác khi dùng thì thì bạn hãy dùng một chiếc xi-lanh để bơm thuốc, lấy đúng lượng thuốc bé cần uống vào trong xi-lanh. Sau đó bạn giữ trẻ ở tư thế giống như khi cho trẻ bú nếu là trẻ sơ sinh chưa biết ngồi. Nếu trẻ lớn hơn thì bạn đặt trẻ ngồi trên một chiếc ghế, bạn ngồi đối diện với mặt trẻ. Sau đó bạn bóp nhẹ nhàng hai má cho trẻ mở miệng ra rồi từ từ bơm thuốc vào một bên má của trẻ. Bạn đừng bơm thẳng và bơm mạnh vào miệng trẻ vì việc làm đó có thể làm trẻ bị sặc, rất nguy hiểm. Bạn tiếp tục bóp nhẹ má trẻ, tay kia đẩy nhè nhẹ cằm cho đến khi bé uống hết thuốc.
- Cho trẻ ăn chút đồ ngọt sau khi uống thuốc: Sau khi cho con uống thuốc xong thì bạn hãy cho bé ăn một chút bánh, kẹo ngọt hoặc trái cây ngọt để bé quên đi vị khó chịu của thuốc, từ đó sẽ giảm đi tình trạng nôn trớ. Tuy nhiên cũng tránh lạm dụng vì ăn nhiều kẹo không tốt cho bé.
- Phân tán sự chú ý của trẻ: Một cách cho bé uống thuốc không bị nôn cũng khá đơn giản đó là sau khi bé uống thuốc xong thì ngay lập tức hãy phân tán sự chú ý của bé. Bằng các trò chơi, đồ chơi bé thích, một bài hát, một chương trình tivi bé thích xem… sẽ làm bé nhanh chóng quên đi vị đắng hay cảm giác khó chịu của việc uống thuốc vừa xảy ra, cách làm này cũng giúp thuốc đi xuống dạ dày được thuận lợi hơn.
- Mẹ không nên nói dối bé về vị của thuốc: Nếu trẻ đã lớn và đã hiểu chuyện, mẹ đừng nói dối bé về vị thật của thuốc. Ví dụ, nếu thuốc đắng, mẹ đừng nói “thuốc này ngọt ấy mà, không sao đâu, con uống đi”. Bé sẽ chỉ bị “lừa” một lần thôi, lần sau khi nhìn thấy thuốc bé sẽ rất sợ hãi. Thay vì thế mẹ nên trò chuyện với bé, nói với bé rằng “Thuốc này hơi đắng một chút, nhưng uống vào con sẽ khỏi bệnh nhanh, sẽ nhanh được đi chơi, con chỉ cần ực một cái là xong.”
Dù đã áp dụng hết mọi cách cho trẻ uống thuốc không bị nôn nhưng có thể trong một trường hợp nào đó em bé của bạn vẫn bị nôn sau khi uống thuốc thì bạn hãy xử lý như sau:
-Khi trẻ nôn ói, đừng mắng mỏ trẻ hay tỏ ra tức giận, mẹ hãy trấn an trẻ rằng nó không sao cả. Mẹ vuốt ngực và lưng cho trẻ từ trên xuống để trẻ giảm cảm giác khó chịu ở bụng và cổ họng.
- Nếu nôn ói làm bẩn quần áo và mặt mũi trẻ, hãy thay quần áo sạch cho trẻ, lau mặt, lau chân tay cho trẻ và đeo một chiếc yếm hay chiếc khăn ở trẻ để phòng trẻ có thể bị nôn tiếp.
- Để trẻ nằm nghiêng để tránh dịch nôn làm trẻ bị sặc, không bế xốc trẻ lên khi đang nôn, dễ dẫn đến nguy cơ trào dịch ói vào bên trong phổi.
- Không nên bắt trẻ uống lại thuốc ngay lập tức, hãy để trẻ nôn hết, bình tĩnh trở lại và sau khoảng 15 phút sau hãy cho trẻ uống lại thuốc.
- Sau khi trẻ nôn xong hãy lau miệng sạch sẽ cho trẻ, cho trẻ uống nước hoặc trẻ lớn hơn có thể hướng dẫn trẻ súc miệng.
Trên đây là những hướng dẫn về cách cho trẻ uống thuốc không bị nôn, hy vọng với những chia sẻ này, các mẹ sẽ tham khảo và áp dụng được phương pháp phù hợp với bé, để quá trình khó nhằn này trở nên dễ dàng hơn cho cả bé và mẹ nhé!