Thói quen ăn gỏi hải sản hoặc ăn tôm, cua cá chưa được nấu chín có nguy cơ cao bị nhiễm sán lá phổi. Gây ra những bệnh lý về phổi, tổn thương phổi do ký sinh trùng.
Ho kéo dài điều trị kháng sinh không khỏi
Theo bác sĩ Phùng Xuân Hách, Khoa Khám bệnh chuyên ngành (Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương) thời gian gần đây viện tiếp nhận khá đông trường hợp bệnh nhân bị tổn thương phổi do sán tới điều trị.
Đặc điểm các bệnh nhân đều đã từng được điều trị tại chuyên khoa phổi do viêm phổi, tràn màng dịch nhưng không hiệu quả. Sau đó, bệnh nhân được giới thiệu đến khoa khám vì nghi ngờ bị nhiễm ký sinh trùng.
Trường hợp bệnh nhân N.V.Th (52 tuổi, Vĩnh Phúc) có triệu chứng ho kéo dài, đau ngực, đờm có lẫn máu. Bệnh nhân đã điều trị tại bệnh viện phổi tại Phúc Yên gần 1 tháng nhưng không hiệu quả. Bệnh nhân Th rất lo lắng lo sợ mắc bệnh lao hoặc ung thư.
Bệnh viện phổi tại Phúc Yên có gửi mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân Th nhờ Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương xét nghiệm sán lá phổi. Kết quả bệnh nhân dương tính với sán lá phổi. Sau khi, điều trị theo hướng sán lá phổi hiện bệnh nhân đã hồi phục tốt không còn ho và đã được xuất viện về nhà theo dõi.
Đang điều trị tại khoa Khoa Khám bệnh chuyên ngành cũng do bị nhiễm sán lá phổi là trường hợp của bé B.T.A (5 tuổi, Lạc Sơn, Hòa Bình). Bác sĩ Hách cho hay bệnh nhi ở nhà thường bị khó thở, đã được gia đình điều trị theo hướng viêm đường hô hấp trên. Thời gian gần đây bệnh nhi xuất hiện khó thở nhiều, bụng trướng hơi, ăn kém.
Quá khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm bệnh nhi A. được chẩn đoán bị nhiễm sán lá phổi, sán lá gan lớn khiến cho cả phổi và gan đều bị tổn thương.
Nguyên nhân mắc >bệnh sán phổi của hai bệnh nhân trên là do thói quen ăn các loại động vật sống dưới nước tôm, cua chưa được nấu, nướng chín. Đặc biệt các loại cua đá, ăn gạch - thịt cua sống, mắm cua… đều có nguy cơ bị nhiễm sán lá phổi.
Bệnh gây ra tổn thương phổi như thế nào
Ths.BS Trần Huy Thọ, Trưởng Khoa Khám bệnh chuyên ngành (Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương) cho hay bệnh sán lá phổi trước kia được coi là bệnh có yếu tố vùng. Bệnh thường xuất hiện ở một số tỉnh như Lai Châu, Hòa Bình, Lào Cai… Do người dân có tập tục ăn cua đá hoặc trẻ nhỏ nướng cua đá chưa chín ăn nên bị nhiễm.
Tuy nhiên, thời gian gần đây viện tiếp nhận nhiều ca sán lá phổi ở các tỉnh không có bệnh lưu hành như: Bắc Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Vĩnh Phúc… Bệnh nhân đều gặp các triệu chứng về hô hấp điều trị bệnh lý phổi không hiệu quả. Bệnh nhân được xét nghiệm dương tính với sán và điều trị theo hướng nhiễm ký sinh trùng thì giảm hẳn triệu chứng.
Sán lá phổi có nhiều loại khác nhau, ở Việt Nam có khoảng 10 loài gây bệnh cho người. Khi người ăn phải tôm, cua, cá chưa nấu chín có ấu trùng sán lá phổi, ấu trùng sán sẽ vào đường tiêu hóa, xuyên qua các ống tiêu hóa vào ổ bụng. Sau đó, ấu trùng tiếp tục xuyên qua cơ hoành vào màng phổi, nhu phổi để làm tổ.
Khi sán ký sinh trong phổi có thể gây ra hoại tử khu trú nhu mô phổi, phản ứng viêm hình thành nên các ổ áp xe, u hạt.
"Triệu chứng khi bị nhiễm sán lá phổi bệnh nhân có thể thấy đau bụng thượng vị, tiêu chảy, đau ngực, tràn dịch màng phổi. Bệnh nhân thường có triệu chứng ho khan, đau ngực và khó chịu, sút cân, ăn uống kém. Một số trường hợp bệnh nhân có thể ho ra máu và có sốt nhẹ", bác sĩ Thọ nói.
Theo khuyến cáo của chuyên gia sán lá phổi là bệnh có thể lây từ người sang người do dịch tiết (đờm, dãi) có ấu trùng. Khi bệnh nhân bị ho nhiều kéo dài thì nên đi khám để được điều trị triệt để. Phòng bệnh bằng cách ăn chín uống sôi, không ăn gỏi các loại hải sản hoặc ăn cua khi chưa nấu chín.