Cho con ăn uống thế nào cho lành mạnh là một trong những thách thức hàng đầu với các cha mẹ, đặc biệt là trong những ngày Tết nhất thế này.
Nhiều bố mẹ có con cái chỉ muốn ăn thịt gà, mì ống và phô mai mà không thích ăn bất kỳ loại rau nào. Đây là một vấn đề quanh năm, nhưng vào dịp Tết nó có thể trở nên căng thẳng hơn, vì bố mẹ lại phải hướng dẫn con lại từ đầu để con có những bữa ăn lành mạnh và sẽ không bị "dụ dỗ" bởi bánh kẹo hoặc những đồ ăn nhanh khác.
Vậy bố mẹ phải làm gì? Trước tiên, đừng căng thẳng. Các nhà nghiên cứu đã tập hợp và đưa ra những lời khuyên tuyệt vời mà chắc chắn sẽ khiến việc cho con ăn uống lành mạnh bớt phức tạp đi một chút.
1. Rất nhiều những thứ cần tránh
Đừng để con bị mắc kẹt với đường, Agatha Achindu - một bà mẹ 3 con, lớn lên trong một trang trại ở Cameroon (Tây Phi) và cũng là người sáng lập ra thực phẩm hữu cơ Yummy Spoonfuls năm 2006 khuyến cáo: "Đường có trong tất cả các thực phẩm đóng gói sẵn không dưới hình thức này thì hình thức khác". Để hạn chế đường không nên mua soda và đồ uống có đường khác, đọc nhãn mác để thấy hàm lượng đường trong mỗi sản phẩm và không mua bất cứ thứ gì có nhiều đường.
Bố mẹ có thể không kiểm soát được mọi thứ con ăn, đặc biệt là khi không có ở nhà. Agatha đề nghị bố mẹ không mang đồ ăn vặt vào nhà. Đừng nài nỉ, đe dọa hoặc mua chuộc con ăn thực phẩm lành mạnh, vì những chiến thuật đó không hiệu quả và đừng đánh giá vị giác của con bằng cảm giác của người lớn. "Bố mẹ có thể không thích bông cải xanh, nhưng con không phải là bố mẹ. Con có thể thích những thực phẩm mà bố mẹ không quan tâm", cô Agatha nói.
2. Làm cho thức ăn thú vị
Lori Day - một nhà tâm lý học và tư vấn giáo dục, kể lại rằng mẹ cô luôn nói rằng cô là một người ăn kén khủng khiếp và sẽ là đáng sợ nếu con gái cô cũng kén chọn như vậy, nhưng điều đó đã không xảy ra. Khi con gái của cô còn nhỏ, Lori nghĩ rằng nếu bé thấy thức ăn thú vị thì sẽ thích thử nó. Vì vậy, Lori Day để con gái bóc vỏ đậu, đếm, sắp xếp theo kích cỡ và chơi với chúng trước khi cho vào nồi.
"Lời khuyên chính của tôi là làm cho thức ăn trở nên thú vị nếu trẻ tò mò, thích khoa học tự nhiên và sẵn sàng tham gia", cô Lori Day cho biết.
3. Cho con tham gia chuẩn bị đồ ăn
Một số cha mẹ đã đề cập về việc đưa con đến chợ hoặc cửa hàng tạp hóa và nhờ chúng giúp nấu ăn có thể khiến trẻ hào hứng hơn vào những gì đang ăn. "Trẻ có thể được truyền cảm hứng để ăn uống lành mạnh khi chúng là một phần của quá trình lập kế hoạch bữa ăn và bữa ăn nhẹ", Margaret McSweeney - người dẫn chương trình Kitchen Chat và đã phỏng vấn khoảng 200 đầu bếp, tác giả sách dạy nấu ăn và các chuyên gia trong ngành ẩm thực cho hay. "Một chuyến đi đến chợ hoặc cửa hàng tạp hóa có thể là một cuộc phiêu lưu và kết nối trẻ với nguồn thực phẩm".
Monica Sakala - một bà mẹ 2 con điều hành công ty tư vấn truyền thông xã hội Soma Strategies, cho biết cô đã rất ngạc nhiên trước sức mạnh của việc trồng rau đã khuyến khích việc ăn uống lành mạnh ở trẻ. Đây là mùa hè thứ ba nhà cô có một vườn rau.
"Chúng thích thú ra ngoài, sẵn sàng chịu các vết bẩn và nhặt rau. Tôi thấy chúng còn thích thú ăn rau sống", Monica cho biết.
4. Cho con lựa chọn
Ava Parnass - một nhà trị liệu tâm lý trẻ sơ sinh nói rằng từ khi còn nhỏ, cha mẹ nên để con mình >chọn thực phẩm, trái cây, rau và đồ ăn nhẹ mà chúng thích.
"Cho trẻ nhiều sự lựa chọn khi chúng lớn hơn", Ava nói thêm và không bao giờ tham gia vào cuộc "đấu tranh" với con về ăn uống. "Hãy đảm bảo bố mẹ không kiểm soát quá mức, quá ít hoặc giảng quá nhiều cho trẻ, nếu không trẻ sẽ nổi loạn về mặt ăn uống".
5. Sáng tạo
Rachel Matos, một chiến lược gia tiếp thị truyền thông xã hội nói rằng con trai tuổi teen của cô có thể sẽ gầy nhẳng nếu cô chiều theo ý con mình. Cậu bé luôn kén ăn rau xanh nhưng lại thích nước ép. "Thay vì tranh cãi vào bữa tối, tôi sẽ chuẩn bị một máy ép trái cây... và bắt đầu làm cho nó nước ép trái cây và sinh tố tự nhiên, nhưng dần dần bắt đầu thêm vào cải xoăn, rau bina và các loại rau xanh khác".
Cậu bé nhận thấy sự thay đổi về màu sắc nhưng vẫn tiếp tục thưởng thức hương vị, vì vậy thời gian trôi qua, cô càng thêm nhiều rau xanh. Bây giờ, cậu bé có thể uống mọi loại nước ép cải xoăn hoặc rau bina mà không có vấn đề gì. "Các loại nước ép đã giúp con tôi phát triển mặt hương vị về rau. Nó cũng nhận thấy bản thân cảm thấy tốt hơn như thế nào khi uống chúng liên tục", cô tiết lộ.
6. Làm gương cho con
Trẻ thích xem mọi thứ người lớn làm, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi chúng có thể bị ảnh hưởng từ bố mẹ trong việc đưa ra lựa chọn. Pam Moore - người sáng lập blog Whatevs cho biết những đứa con của cô, 3 và 5 tuổi, luôn thấy cô và chồng ăn uống lành mạnh. "Cả chồng tôi và tôi thường thêm rau xanh vào trứng (rau bina, cải xoăn, củ cải Thụy Sỹ...) vào bữa sáng. Tôi còn luôn thêm rau xanh vào sinh tố của mình. Tôi thường rửa rau (ớt chuông, cà rốt, dưa chuột...) để ăn nhẹ".
Parnass, tác giả và nhà trị liệu tâm lý nói thêm: "Con cái chúng ta sẽ lớn khôn dần theo thời gian, vì thế chúng tôi muốn chúng sao chép những gì chúng tôi làm, không phải những gì chúng tôi nói".
7. Bỏ qua việc ép con ăn hết suất
Cherylyn Harley LeBon - một luật sư, chiến lược gia và bà mẹ 2 con nói rằng: "Nếu trẻ không muốn ăn hết rau hoặc bữa ăn, chúng có thể rời khỏi bàn".
Pam Moore, trên blog Whatevs cho biết cô và chồng không bao giờ ép con mình ăn bất cứ thứ gì và không có thói quen chuẩn bị cho chúng một bữa tối riêng biệt. "Nếu chúng từ chối bữa ăn, chúng tôi nói với chúng rằng không sao, nhưng đó là tất cả và chúng có thể ăn lại vào bữa sáng. Nếu chúng muốn có món khác và chưa ăn bất cứ thứ rau nào trên đĩa, chúng tôi sẽ nói với con rằng chúng phải ăn hết đồ ăn trong đĩa trước khi đòi thêm thứ gì khác".
8. Bữa trưa lành mạnh
Julie Cole - một người mẹ 6 con và đồng sáng lập của công ty dán nhãn cá nhân Mabel's Label, nói rằng việc chuẩn bị "bữa trưa lành mạnh" có nghĩa là không ăn đồ ăn nhẹ đóng gói sẵn có nhiều muối hoặc đường. Bữa trưa lành mạnh là khuyến khích ăn nhiều trái cây tươi và rau tươi. Đồ ăn lành mạnh không chỉ tốt cho cơ thể mà còn tốt cho cả môi trường.