Dự báo thời tiết dịp 30/4 – 1/5 nắng nóng, có mưa khiến trẻ dễ bị ốm khi theo cha mẹ đi du lịch. Làm sao để tránh?
Các chứng bệnh hay mắc
Theo bác sĩ Duy Anh (Bệnh viện E Hà Nội), dịp nghỉ lễ tới dự báo có nắng nóng, mưa dễ khiến trẻ bị đau ốm cả trong, hoặc sau kỳ nghỉ lễ. Nguyên nhân là do đầu hè thời tiết lúc nắng, lúc mưa cơ thể trẻ chưa thích ứng kịp. Trong khi đó các loại siêu vi phát triển, môi trường thay đổi làm sức đề kháng trẻ bị suy giảm, nhất là hệ miễn dịch trẻ yếu dẫn đến cơ thể nhanh mệt mỏi, dễ nhiễm bệnh hơn.
Hai bệnh dễ mắc nhất là viêm đường hô hấp (sổ mũi, nghẹt mũi, khó thở, dị ứng, ù tai, đau họng, sưng họng, ớn lạnh, sốt, đau đầu, buồn nôn… nhanh biến chứng thành hen phế quản, hen suyễn, viêm amidan…) và tiêu chảy. Bên cạnh đó, cảm cúm, đau đầu, đau mắt đỏ, dị ứng, sốt do nhiễm siêu vi khiến trẻ phát ban, quấy khóc, nôn ói, ăn uống khó khăn…
Nhiều khi trẻ ham chơi, vận động nhiều, quên uống nước làm niêm mạc khô quá mức; Hò hét nhiều trẻ nóng sẽ thích ăn kem, uống nước đá, ăn đồ lạnh… nên niêm mạc đường hô hấp bị lạnh, tổn thương, gây sưng, viêm nhiễm cấp, viêm VA, amidan, viêm phế quản, viêm phổi với các biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, ho, khó thở, sốt cao có thể bị co giật. Trẻ vận động nhiều còn dễ bị chuột rút do toát mồ hôi nhiều, mất cân bằng muối ngắn trong cơ thể.
Theo bác sĩ Duy Anh, khi cho trẻ đi chơi, cha mẹ cũng nên quan tâm tới nhiệt độ môi trường quanh mình, hãy giảm hoạt động và làm mát cơ thể ngay khi thấy trẻ có vẻ mệt mỏi, đau đầu, cáu cẳn, bức bối, khó chịu… những dấu hiệu của mệt mỏi quá sức, hay say nắng cần chăm sóc >sức khỏe ngay, hoặc đưa đi khám (nhất là trẻ dưới 1 tuổi).
Tốt nhất là uống nhiều nước (nếu uống các viên muối cần có bác sĩ tư vấn), để bù lại lượng nước đã mất qua mồ hôi, giúp trẻ bớt biếng ăn. Trẻ dưới 1 tuổi nên uống nước lọc, trẻ lớn hơn có thể uống nước hoa quả, trà thảo mộc… nhưng không nên ép trẻ uống quá nhiều một lần, mà chuẩn bị sẵn cho trẻ uống theo nhu cầu.
Hạn chế cho trẻ uống nhiều các loại nước ngọt đóng chai, nhất là các loại nước có gas vì dễ gây “no” giả, khiến trẻ mệt lại biếng ăn, ăn kém. Hạn chế cho trẻ ăn những món ăn vặt không có giá trị >dinh dưỡng (như cơm cháy, bim bim…), tránh ăn các đồ ăn lạnh, đồ ăn vỉa hè vì nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn.
Cần bổ sung thêm vitamin các loại bằng thuốc bổ (thuốc do bác sĩ tư vấn), ăn hoa quả, khẩu phần bữa ăn cần đủ 4 nhóm rau quả, ngũ cốc, chất béo, đạm, giúp trẻ tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật.
Trẻ bị sốt khi đi chơi, đừng vội cho uống kháng sinh
Cũng theo BS Duy Anh, trẻ em đi chơi, du lịch xa nếu thấy ho, sổ mũi, sốt… bố mẹ cần bình tĩnh xử trí bằng các thuốc nhẹ khi cần, không nên dùng kháng sinh ngay. Bố mẹ nên biết sốt là phản ứng bình thường của trẻ trước sự nhiễm khuẩn nào đó và thường sốt từ 2-3 ngày mới khỏi.
Khi đi chơi xa, thay đổi môi trường nhiều trường hợp trẻ bị sốt không phải bệnh, do thời tiết nóng, do trẻ mặc nhiều quần áo khiến cơ thể không thoát nhiệt, trẻ vui chơi nhiều cũng làm thân nhiệt tăng… Vì vậy, nếu trẻ sốt mà vẫn vui chơi, hoạt động thì không đáng lo. Nhưng nếu trẻ sốt cao, co giật thì bố mẹ cần đưa con đi khám.
Trẻ ra nhiều mồ hôi là cách giảm nóng tự nhiên của cơ thể. Nếu trẻ ra mồ hôi vẫn ăn (hoặc bú), vẫn chơi bình thường thì không sao. Chỉ cần lau mồ hôi, mặc quần áo thoáng mát, uống tăng nước lên, ăn nhiều bữa nhỏ là ổn.
Khi trẻ hắt hơi sổ mũi thì nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, mát xa lưng và tay chân trẻ bằng ít dầu khuynh diệp để kích thích máu huyết lưu thông, tăng cường miễn dịch.
Cho trẻ đi chơi, đi bơi, đi biển tránh tắm quá nhiều lần trong ngày, hoặc tắm quá lâu. Chỉ nên cho trẻ tắm 1-2 giờ/lần, mỗi lần vài phút để giải nhiệt, nhưng không nên lau khô da trẻ bằng khăn tắm, vì nước bốc hơi từ da là cách làm mát cơ thể.
Khi trẻ bị ốm, sốt, phát ban, ho, sổ mũi, nôn, tiêu chảy… cần đưa đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Không nên tự ý dùng thuốc, nhất là thuốc kháng sinh. Lập tức đưa trẻ vào bệnh viện ngay nếu trẻ có những dấu hiệu sau: Sốt cao dọa co giật, sốt li bì; trẻ khó thở, thở khò khè; Trẻ bị nôn ói tất cả mọi thứ ăn, uống (kể cả nước); trẻ tiêu chảy nhiều không cầm được…
Lưu ý khi cho con đi chơi dịp lễ
- Cho trẻ chơi nơi thoáng, sạch, chơi các trò chơi nhẹ nhàng để hạn chế mầm bệnh, tránh bị quá sức.
- Tránh đưa trẻ đến những nơi đông đúc. Tránh tiếp xúc gần với người đang bị cảm ho. Tránh hôn nựng trẻ vì dễ lây bệnh đường hô hấp cho trẻ.
- Cần mặc thoáng mát, đội mũ cho trẻ khi ra ngoài. Chú ý để trẻ không bị dính nước mưa vì sẽ nhiễm lạnh.
- Trẻ chơi đùa về phòng không nằm trước điều hòa, hay tắm ngay. Hãy cho trẻ nghỉ ngơi “hồi sức” để tránh cảm lạnh. Không để nhiệt độ phòng quá lạnh, hoặc quạt thốc thẳng vào trẻ vì dễ bị ốm.
- Hạn chế cho trẻ tắm nhiều, tắm quá lâu ở sông, biển, bể bơi… và không nên mặc quần áo khi da chưa khô hẳn để tránh bị hăm.
- Giữ giờ giấc sinh hoạt, ngủ nghỉ, ăn uống cho trẻ đúng nhịp sinh hoạt hàng ngày.
- Nhắc nhở trẻ luôn rửa tay và dùng xà phòng diệt khuẩn để nâng cao khả năng phòng bệnh.